Đã lập di chúc để lại nhà đất cho con cháu rồi thì có thay đổi được không?

Quyền thừa kế của người ở hàng thừa kế thưa nhất nhưng không được để lại di chúc ? Con không hợp tác Bố có quyền định đoạt lại di chúc chung không ? và một số vướng mắc khác liên quan của người dân sẽ được luật sư tư vấn cụ thể:

1. Di chúc để lại nhà, đất cho con cháu rồi có thể thay đổi được không?

Xin chào công ty Luật Hòa Nhựt, tôi có một thắc mắc muốn nhờ công ty tư vấn giúp như sau: Cách đây 3 tháng, bố chồng tôi có viết di chúc để lại căn nhà vợ chồng tôi đang sống cùng ông cho vợ chồng tôi. Nhưng gần đây bác cả có tác động đến quan điểm của ông khiến ông muốn hủy di chúc, đem chia căn nhà ra làm 2 và vợ chồng tôi sẽ chỉ được hưởng một nửa.

Vậy anh/ chị cho tôi hỏi, di chúc đã được công chứng có thể hủy bỏ được hay không, bố chồng tôi có thể thay đổi nội dung di chúc không ?

Xin trân trọng cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Theo như thông tin bạn cung cấp thì di chúc của bố chồng bạn đã được công chứng tại cơ quan có thẩm quyền, như vậy di chúc của bố chồng bạn đã được coi là di chúc hợp pháp. Thông thường, di chúc được lập tại văn phòng công chứng/ phòng công chứng là di chúc có giá trị pháp lí cao nhất vì việc thực hiện lập di chúc đã được công chứng viên đảm bảo cả về nội dung, hình thức,...

Tuy nhiên, trong trường hợp bố chồng bạn vẫn còn minh mẫn và không chịu sự đe doa, lừa dối cưỡng ép nào thì bố chồng bạn có thể thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ di chúc đã lập bất kỳ lúc nào. Di chúc đã lập chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc qua đời. Khi người lập di chúc tiến hành sửa đổi hay hủy bỏ di chúc thì di chúc mới sẽ có giá trị thay thế. Cụ thể Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì dù bố chồng bạn đã lập di chúc được công chức hợp lệ thể hiện ý chí để lại căn nhà cho vợ chồng bạn rồi thì ông vẫn có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

Việc hủy bỏ cũng phải được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền hoặc được thể hiện dưới các dạng di chúc hợp pháp khác. Trong trường hợp việc hủy bỏ không được thực hiện một cách hợp lệ thì di chúc cũ vẫn sẽ có hiệu lực.

2. Quyền thừa kế khi không được để lại di chúc ?

Thưa luật sư tôi có vấn đề cần tư vấn: Tôi là con của cha tôi, gia đình tôi có bố, mẹ kế , tôi và 2 con của mẹ kế nhưng khi ba tôi mất chỉ để lại di chúc thừa kế tài sản cho mẹ kể. Hỏi theo quy định tôi có được thừa kế tài sản của ba tôi ?

Cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Bộ luật dân sư năm 2015 về thừa kế theo di chúc

Điều 624. Di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Quyền của người lập di chúc

Điều 626. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Theo quy định thì trường hợp bạn vẫn có thể nhận thừa kế khi di chúc không để lại tài sản cho bạn

Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Như vậy vì bạn là con trai ruột của bố bạn. Mặc dù bố bạn không để lại di chúc cho bạn mà để hết cho mẹ kế. Thì trong trường hợp này bạn vẫn có thể nhận hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật

Chẳng hạn như: Mảnh đất cha bạn để lại là 500 triệu. Hàng thừa kế thứ nhất là: mẹ kế, 2 con mẹ kế, bạn. Thì nếu cha bạn để hết cho mẹ kế bạn thì bạn vẫn có thể nhận được 2/3 suất thừa kế.

1 SUẤT THỪA KẾ theo pháp luật là= 500 triệu/4=125 triệu

2/3 suất=125 x 2/3= 83.333 TRIỆU ĐỒNG

3. Con không hợp tác Bố có quyền định đoạt lại di chúc chung không?

Kính gửi Công ty Luật Hòa Nhựt, Tôi năm nay 83 tuổi, hiện sở hữu một ngôi nhà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên tôi và vợ tôi (đã mất năm 2008). Chúng tôi đã có di chúc viết năm 2005 về phân chia tài sản thừa kế cho các con (bản di chúc chưa có công chứng). Nay vì lí do sức khỏe, tôi muốn bán ngôi nhà đang ở để về sống với một trong các con và thực hiện chia tài sản thừa kế theo đúng di chúc 2005.

Tuy nhiên 1 trong số 5 người con của tôi đã không hợp tác, không chịu ký vào bản ủy quyền cho bố bán nhà. Vậy xin hỏi tôi có thể đứng ra bán căn nhà được không, nếu được thì các thủ tục pháp lý sẽ như thế nào?

Xin trân trọng cảm ơn quí Văn phòng!

Về quyền bán ngôi nhà của bác.

Hiện tại, bác muốn bán ngôi nhà thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng để về sống với con nhưng có một người không đồng ý bán. Để được bán ngôi nhà này cần xác định:

Ngôi nhà này là tài sản chung không thể phân chia, tuy có thể xác định được phần quyền của từng người trong khối tài sản chung nhưng không thể phân chia được cho từng người để có thể nắm giữ từng phần quyền của mình vì khi phân chia như vậy giá trị tài sản không còn nguyên vẹn. Do đó, để bán được tài sản chung thì cần có sự đồng ý của các của các chủ thể còn lại và ủy quyền cho một người đứng ra bán theo như quy định tại điểm b khoản 2 điều 167 Luật đất đai 2013:

"Điều 167. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất

2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:

a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất".

Căn cứ vào quy định này thì ngôi nhà của bác là tài sản không thể phân chia được, do đó nếu như bác muốn bán ngôi nhà thì cần phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên còn lại, nếu như một trong số những người con đấy không đồng ý thì bác không thể bán được căn nhà này.

Tuy nhiên bác có thể thỏa thuận với các người con của mình là giao cho những người con của mình một nửa giá trị của căn nhà ( vì nửa còn lại là tài sản của bác theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng) và yêu cầu những người con ký xác nhận đồng ý với giao dịch này, sau đó bác có thể đứng ra bán căn nhà, còn nếu những người con vẫn không đồng ý với cách trên thì bác sẽ không bán được căn nhà. Tuy nhiên bác có thể sửa đổi lại di chúc về phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho phù hợp với mong muốn của mình.

4. Quy định của pháp luật về thừa kế di sản ?

Xin chào luật sư, xin hỏi: Tôi có câu hỏi mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Ông bà tôi mất không để lại di chúc. Ông tôi có 5 người con.

Năm 2003 bố tôi cắt mảnh đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cho các con để ở cho đến năm 2014 cô tôi, chú tôi đòi được chia quyền thừa kế mảnh đất ông bà cụ nội tôi để lại. Xin hỏi cô, chú tôi có được quyền thừa kế mảnh đất trên không? quy định pháp luật thế nào?

Xin trân trọng cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của pháp luật, cụ nội bạn chết thì di sản thừa kế được chia cho ông, bà bạn; ông, bà bạn chết và không để lại di chúc thì di sản thừa kế được chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Do vậy, di sản của ông bà bạn sẽ được chia cho 5 người con.

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất được xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất. Bên canh đó luật tố tụng dân sự quy địnhTranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

=> Chú của bạn có quyền đòi lại phần di sản mà mình được hưởng.

Tranh chấp quyền sử dụng đất thì không phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục hoà giải theo quy định của BLTTDS 2015.

Đối với trường hợp của bạn, người chú có thể khởi kiện tại Tòa án để chia di sản thừa kế và yêu cầu xem xét hủy quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn. Nếu các anh vẫn muốn đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ phải thanh toán bằng tiền giá trị tài sản được thừa kế cho những người đồng thừa kế của bố bạn.

5. Di chúc bằng miệng có được tính không ?

Chào Luật sư! Tôi có việc này muốn hỏi Luật sư, ngày trước bố tôi mất trước khi mất bố tôi có dặn tất cả các anh chị em tôi về vấn đề tài sản, đất đai. Ông có chia rõ ràng là 4 anh chị em của tôi sẽ được chia 4 phần như nhau. Các phần địa ông chia rất cụ thể, cả 4 anh chị em chúng tôi không có tranh chấp với nhau, đều đồng ý vói ý nguyện của ông, nhưng tôi muốn hỏi di chúc bằng miệng có được công nhận không?

Xin cảm ơn Luật sư.

Luật sư tư vấn:

Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015 di chúc được quy định như sau:

Điều 627. Hình thức của di chúc

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Và di chúc bằng miệng thì sẽ được lập trong các trường hợp sau và sẽ bị hủy khi người lập di chúc bằng miệng còn sống, mĩnh mẫn, sáng suốt:

Điều 629. Di chúc miệng

1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Di chúc bằng miệng được pháp Luật công nhận, di chúc hợp pháp khi đáp ứng đủ điều kiện sau:

Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy theo ý nguyện cuối cùng của người cha, 4 anh chị em nên làm như sau để di chúc bằng miệng đó được hợp pháp, cụ thể như sau:

- Di chúc bằng miệng, ý chí cuối cùng của người mất phải có ít nhất 2 người làm chứng trở lên.

- Người làm chứng ghi chép lại ý chí đó sau đấy ký tên, điểm chỉ.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

>> Vậy để di chúc bằng miệng hợp pháp thì cần có 2 người làm chứng trở lên sau đó người làm chứng ghi chép lại, tiếp trong thời hạn 05 ngày làm việc thì mang di chúc đó đi công chứng, chứng thực xác nhận chữ ký haowjc điểm chỉ của người làm chứng.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về di chúc miện, gọi: 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!