>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.868644
Trả lời:
1. Đảng viên bị phạt cải tạo không giam giữ có bị khai trừ khỏi Đảng?
Tại Khoản 1 Điều 40 Quy định 30-QĐ/TW năm 2016 thi hành Chương VII và VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, có quy định:
Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng.
+ Trường hợp bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ bản án của tòa án để quyết định khai trừ hoặc xóa tên trong danh sách đảng viên (đối với đảng viên dự bị), không phải theo quy trình thi hành kỷ luật. Tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định khai trừ đảng viên thông báo bằng văn bản cho chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt và các tổ chức đảng nơi đảng viên đó là thành viên.
Đảng viên, cấp ủy viên bị tòa án tuyên phạt hình phạt thấp hơn hình phạt cải tạo không giam giữ, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tổ chức đảng có thẩm quyền phải quyết định cho đảng viên trở lại sinh hoạt đảng, cấp ủy viên trở lại sinh hoạt cấp ủy và căn cứ bản án của tòa án, nội dung, tính chất, mức độ vi phạm để quyết định xử lý kỷ luật theo đúng quy trình.
Như vậy, với trường hợp của bạn thì nếu như bạn bị Tòa tuyên phạt cải tạo không giam giữ thì bạn sẽ thuộc trường hợp bị khai trừ ra khỏi Đảng.
2. Thủ tục thi hành quyết định thi hành án cải tạo không giam giữ?
Thưa luật sư, tôi đang có nhu cầu tìm hiểu quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ, xin hỏi Luật sư hiện nay văn bản nào quy định về vấn đề này, cơ quan nào có thẩm quyền ra quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ và thủ tục tiến hành như thế nào? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Hình phạt cải tạo không giam giữ nhằm tạo điều kiện cho người bị phạt cải tạo không giam giữ (sau đây gọi là người bị kết án) lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục) và gia đình người đó.
Cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 36 Bộ luật Hình sự, theo đó:
+ Cải tạo không giam giữ áp dụng với tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng
Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.
+ Thời gian tạm giam, tạm giữ được trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ
Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.
+ Bị khấu trừ thu nhập trong thời gian cải tạo không giam giữ
- Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.
- Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hàng tháng.
Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập, nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án. Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.
2.1. Thẩm quyền quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Thẩm quyền quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ thuộc về Tòa án.
2.2. Thủ tục thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ.
Việc thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ được tiến hành theo quy định tại Điều 97 Luật thi hành án hình sự 2019 như sau:
Bước 1: Triệu tập người chấp hành án
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự phải triệu tập người chấp hành án, người đại diện trong trường hợp người chấp hành án là người dưới 18 tuổi đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội nơi người đó làm việc để cam kết việc chấp hành án.
Người chấp hành án, người đại diện của người chấp hành án phải có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Trường hợp người chấp hành án không có mặt theo giấy triệu tập hoặc không cam kết thì cơ quan thi hành án hình sự lập biên bản vi phạm nghĩa vụ.
Bước 2: Lập hồ sơ thi hành án
Khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ thi hành án và sao gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật thi hành án hình sự 2019:
– Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
– Quyết định thi hành án;
– Cam kết của người chấp hành án. Đối với người chấp hành án là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bản cam kết của người đó phải có xác nhận của người đại diện;
– Tài liệu khác có liên quan.
Bước 3: Lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày triệu tập người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phải lập hồ sơ giám sát, giáo dục người chấp hành án.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 97 Luật thi hành án hình sự 2019:
– Các tài liệu trong hồ sơ thi hành án;
– Bản nhận xét của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục về việc chấp hành nghĩa vụ của người chấp hành án;
– Bản tự nhận xét của người chấp hành án về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành pháp luật; trường hợp người chấp hành án bị kiểm điểm thì phải có bản kiểm điểm và biên bản cuộc họp kiểm điểm;
– Trường hợp được giảm thời hạn chấp hành án, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ thì phải có quyết định của Tòa án;
– Tài liệu khác có liên quan.
Bước 4: Bàn giao hồ sơ, cấp giấy chứng nhận
Trước khi hết thời gian chấp hành án 03 ngày, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục bàn giao hồ sơ giám sát, giáo dục cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
Vào ngày cuối cùng của thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ.
Giấy chứng nhận phải gửi cho người chấp hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.
3. Bị xử phạt hành chính trong thời gian cải tạo không giam giữ có sao không?
Thưa luật sư, tôi có đưa con trai bị phạt cải tạo không giam giữ 18 tháng. Vừa rồi, nó đang sử dụng ma túy với một nhóm bạn thì bị công an ập vào bắt. Xin hỏi luật sư xem liệu trường hợp của con tôi bị xử lý như thế nào? liệu có bị buộc chấp hành hình phạt tù hay không? Xin cảm ơn Luật sư!!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 99 Luật THAHS 2019, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ có các nghĩa vụ sau:
1. Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này.
2. Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án.
3. Thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật.
4. Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.
5. Chấp hành quy định tại Điều 100 của Luật này.
6. Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
7. Hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 100 của Luật này.
Như vậy, con trai của bạn đã vi phạm nghĩa vụ tại Khoản 2 Điều này đó là không chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nên trong trường hợp này được coi là vi phạm nghĩa vụ. Do đó, con bạn sẽ bị lập biên bản về việc vi phạm. Trường hợp đã lập biên bản về việc vi phạm nghĩa vụ 02 lần nhưng con bạn vẫn tiếp tục vi phạm thì Công an cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục tiến hành kiểm điểm. Nếu đã bị kiểm điểm nhưng tiếp tục cố ý không chấp hành nghĩa vụ quy định tại Điều 99 của Luật này thì không được xem xét giảm thời hạn chấp hành án. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo quy định trên, khi bạn sử dụng trái phép chất ma túy, bạn sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
4. Người bị kết án cải tạo không giam giữ có được giảm hình phạt hay không?
Thưa luật sư, chồng tôi vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác, được Tòa tuyên phạt cải tạo không giam giữ 3 năm. hiện nay đã chấp hành được 8 tháng rồi. Xin hỏi chồng tôi có thể được giảm hình phạt hay không? nếu có thì cần điều kiện gì? Xin cảm ơn Luật sư!!
Trả lời:
Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật thi hành án hình sự 2019 dưới đâu:
1. Người chấp hành án có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định giảm thời hạn chấp hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;
b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.
2. Người chấp hành án mỗi năm được xét giảm thời hạn chấp hành án 01 lần, mỗi lần có thể được giảm từ 03 tháng đến 09 tháng.
3. Người chấp hành án có thể được giảm thời hạn chấp hành án nhiều lần nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là một phần hai mức án, đối với người chấp hành án là người dưới 18 tuổi thì phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án là hai phần năm mức án.
Như vậy, với trường hợp của chồng bạn thì chồng bạn mới chấp hành chưa được 1/3 thời gian nên hiện tại chưa đủ điều kiện để được xét giảm thời hạn chấp hành án cải tạo không giam giữ, mà bạn phải có đủ những điều kiện trên.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.