1. Có được đi xe máy lên vỉa hè không?
Ở các thành phố lớn, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên trong giờ cao điểm thì việc người điều khiển xe máy “leo” lên vỉa hè không phải là chuyện hiếm. Trên thực tế, hành vi này xảy ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, đây là hành vi trái luật.
Cụ thể, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
Theo quy định tại Thông tư 04/2008/TT-BXD, hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.
Như vậy, vỉa hè không phải là phần đường dành cho ô tô, xe máy. Chính vì thế, dù lý do tắc đường hay vì bất cứ lý do gì (trừ đi lên hè để vào nhà) thì việc ô tô, xe máy đi trên vỉa hè đều không đúng với quy định của pháp luật.
Nếu vi phạm, người tham gia giao thông sẽ bị xử phạt. Mức phạt đối với lỗi đi xe trên vỉa hè tăng mạnh từ năm 2020 theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
2. Đi xe máy mà leo lề, vỉa hè có bị phạt không?
Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy leo lề, vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) như sau:
- Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức);
Điều khiển xe rẽ trái tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ trái đối với loại phương tiện đang điều khiển; điều khiển xe rẽ phải tại nơi có biển báo hiệu có nội dung cấm rẽ phải đối với loại phương tiện đang điều khiển;
- Chở theo từ 03 người trở lên trên xe;
- Bấm còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định;
- Dừng xe, đỗ xe trên cầu;
- Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép;
- Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP);
- Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều); điều khiển xe đi qua dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà;
- Vượt bên phải trong trường hợp không được phép;
- Đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định;
- Người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác;
- Chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe đối với loại xe có quy định về trọng tải thiết kế;
- Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.
3. Dừng, đỗ xe trên vỉa hè trong trường hợp nào không bị xử phạt?
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020 quy định rất chi tiết về các mức phạt tiền đối với các hành vi: dừng/đỗ xe không đúng nơi quy định; dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m, hay dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại… các hành vi này tương ứng với các mức phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng; thậm chí, mức phạt lên tới 2 triệu đồng cho việc dừng/đỗ xe bên trái đường một chiều hoặc song song với một xe khác đang dừng/đỗ. Riêng với trường hợp lái ô tô đi trên vỉa hè, mức xử phạt có thể lên đến từ 3 - 5 triệu đồng.
Vậy để việc dừng/đỗ xe trên vỉa hè trong trường hợp nào mà không bị phạt, bạn cẩn nắm rõ những biển báo, ký hiệu về Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ; hoặc giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp cho đơn vị được phép trông giữ xe theo quy hoạch đã được phê duyệt. Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ có hiệu lực từ năm 2016 (QCVN 41:2016/BGTVT); trong đó có biển mang ký hiệu I.408a, là biển chỉ dẫn cho phép bạn đỗ một phần xe trên vỉa hè, cụ thể là “Nơi được đỗ xe một phần trên hè phố” với yêu cầu phải đỗ từ 1/2 thân xe trở lên trên hè phố. Và khoảng cách, chiều dài nơi đỗ xe có thể được xác định giới hạn bằng vạch kẻ trên đường. Trong trường hợp cần thiết, có thể đặt thêm biển phụ chỉ hiệu lực của vùng cho phép đỗ.
Ngoài ra, biển này có thể đặt vuông góc theo chiều hướng đi hoặc đặt song song và có hiệu lực từ vị trí đặt biển. Trong trường hợp, đơn vị thực hiện việc trông giữ xe theo vị trí đã được quy hoạch, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì bạn được phép dừng/đỗ xe theo quy định.
Do đó, bạn cần kiểm tra xem khu vực mình đỗ xe có biển báo hoặc biển được cấp phép dừng/đỗ xe theo quy định hay không khi tiến hành giải quyết công việc lực lượng chức năng.
4. Hành vi đi xe máy trên vỉa hè là thói quen xấu cần xử lý nghiêm
Người điều khiển xe gắn máy leo lên vỉa hè để chạy không chỉ chiếm lối đi, gây nguy hiểm cho người đi bộ, mà đôi khi còn làm… tắc nghẽn thêm phần vỉa hè.
Chúng ta đều biết vỉa hè đâu chỉ là lối đi của khách bộ hành, mà còn có chức năng làm nơi đậu xe của các cửa hiệu mặt tiền con đường.
Do đó, việc không ít người có thói quen xấu khi cho xe leo vỉa hè để chạy, đã làm cho phần vỉa hè bị tắc nghẽn, nhốn nháo, lộn xộn, và như đã nói, việc chạy xe trên vỉa hè cũng rất dễ gây tai nạn cho khách bộ hành, nếu như người điều khiển xe gắn máy không để ý, chạy ẩu!
Thực tế, chính mắt tôi đã chứng kiến một nam thanh niên chạy xe máy trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, thuộc địa bàn quận 3 do không chú ý nên cậu ta đã đâm vào một chị phụ nữ đang đi bộ.
Hiện nay, rất nhiều các con đường vốn được xem là "điểm đen" của tình trạng leo và chạy xe trên vỉa hè, chính quyền thành phố đã cho lắp đặt những thanh barie trên vỉa hè để ngăn chặn người điều khiển xe máy leo lề, gây lộn xộn, gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Các barie xuất hiện trên các vỉa hè để chống xe chạy lên. Thế nhưng, giải pháp ngăn ngừa này tình trạng này chỉ giảm đôi chút, khi đường kẹt, đường đông vẫn có rất trường hợp cố tình leo xe lên vỉa hè chạy, rồi tới chỗ có thanh barie, họ cho xe lách qua khoảng hở hẹp, sau đó chạy tiếp. Thậm chí, có người còn vô ý thức đến mức, họ còn cho xe lấn qua cả bồn hoa thảm cỏ thấp trên lề để chạy…
Quy định và mức xử phạt tiền hiện đã có đối với hành vi điều khiển xe gắn máy chạy trên vỉa hè. Nhưng thực tế nhiều người vẫn vi phạm tràn lan cho thấy cơ quan chức năng, chính quyền thành phố còn làm chưa quyết liệt, xử lý quá nhẹ tay nên không đủ sức răn đe đối với những người vi phạm.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Đi xe máy mà leo lề, vỉa hè có bị phạt không? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: luathoanhut.vn@gmail.com để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!