Khái niệm, đặc điểm của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và độc quyền nhằm hạn chế cạnh tranh

Hành vi làm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là một trong những hành vi hạn chế cạnh tranh. Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích về các quy định của pháp luật hiện hành về các hành vi làm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền:

1. Khái niệm hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền nhằm hạn chế cạnh tranh

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018 định nghĩa hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường cụ thể như sau:

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

Căn cứ theo quy định nêu trên ta có thể khái quát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, ví trí độc quyền là những hành vi do doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện nhằm củng cố vị trí thống lĩnh, duy trì vị trí độc quyền bằng cách loại bỏ doanh nghiệp khác ra khỏi thị trường; ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác không cho gia nhập thị trường, phát triển kinh doanh hoặc nhằm thu lợi nhuận độc quyền bằng cách bóc lột khách hàng.

2. Đặc điểm của hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền

2.1 Chủ thể thực hiện hành vi là doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, độc quyền trên thị trường liên quan

Vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền có thể được hình thành từ sự tích tụ trong quá trình cạnh tranh, từ những sự kiện xảy ra trong hoạt động cạnh tranh trên thị trường liên quan, cụ thể như sau:

- Yêu cầu về quy mô hiệu quả tối thiểu, sự biến dị của sản phẩm, sự tồn tại của các rào cản gia nhập thị trường;

- Sự bảo hộ của quyền lực Nhà nước….

=> Vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền đem lại cho doanh ngiệp quyền lực thị trường và khả năng chi phối các quan hệ trên thị trường.         

Đứng dưới góc độ học thuật có hai vấn đề về chủ thể thực hiện hành vi cần được làm rõ đó là:

- Mục đích của pháp luật về chống hành vi lạm dụng là nhằm tạo ra một khuôn khổ thị trường trong đó mọi doanh nghiệp đều có cơ hội thành công hay thất bại tùy thuộc vào năng lực cạnh tranh.

- Chủ thể thực hiện việc lạm dụng có thể là một doanh nghiệp đơn lẻ hoặc một nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hoặc vị trí độc quyền trên thị trường liên quan.

2.2 Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, độc quyền đã hoặc đang thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh

Điều 27 Luật cạnh tranh năm 2018 quy định về các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm, cụ thể bao gồm các hành vi như sau:

- Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện các hành vi sau đây sẽ bị cấm:

  • Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
  • Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  • Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  • Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  • Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  • Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
  • Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.

- Doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện các hành vi sau đây thì sẽ bị cấm:

  • Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  • Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  • Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  • Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  • Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
  • Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;
  • Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;
  • Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
  • Với các quy định như trên có thể thấy rằng cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể xử lý doanh nghiệp về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền để hạn chế cạnh tranh khi chứng minh đủ hai điều kiện như sau:

    - Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp bị điều tra có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền;

    - Doanh nghiệp đó đã, đang thực hiện một trong những hành vi hạn chế cạnh tranh kể trên.

    2.3 Hậu quả của hành vi lạm dụng sự thống lĩnh thị trường, độc quyền

    Hậu quả của hành vi lạm dụng là làm sai lệch, cản trở hoặc giảm cạnh tranh trên thị trường liên quan. Đặc trương này cho thấy tác hại của hành vi lạm dụng đối với thị trường. Doanh nghiệp thực hiện các hành vi này nhằm duy trì, củng cố vị trí hiện có hoặc nhằm thu lợi ích độc quyền từ việc bóc lột khách hàng. Do đó, việc thực hiện hành vi có thể gây ra những thiệt hại cho một số đối tượng cụ thể, song nghiêm trọng hơn là làm suy giảm, cản trở tình trạng cạnh tranh của thị trường. Vì vậy, pháp luật của các nước đều buộc cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh hành vi lạm dụng đã, đang hoặc có thể sẽ gây hậu quả ngăn cản hay hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.

    3. Xác định vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền

    3.1 Xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp

    Luật cạnh tranh định nghĩa về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền tại Khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018 và Điều 24 cũng khẳng định: Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”.

    Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật cạnh tranh năm 2018 hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

    - Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

    - Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

    - Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

    * Về vị trí thống lĩnh của một doanh nghiệp

    Khoản 1 Điều 24 Luật cạnh tranh năm 2018 quy định về một doanh nghiệp được coi là có vị trí thông lĩnh nếu thuộc một trong hai các trường hợp như sau:

    - Doanh nghiệp đó có thị phần từ 30% trở lên trong thị trường liên quan.

    - Doanh nghiệp đó có khả năng hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường khi có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Trường hợp này được sử dụng để xác định vị trí thống lĩnh khi một doanh nghiệp chưa tích lũy đủ mức thị phần tối thiểu (tức là có thị phần dưới 30% trên thị trường liên quan) nhưng có khả năng thực hiện những hành vi gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Nghị định số 116/2005/NĐ-CP không giải thích mà chỉ đưa ra các căn cứ để xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể, bao gồm:

    1. Năng lực tài chính của doanh nghiệp;

    2. Năng lực tài chính của tổ chức cá nhân thành lập doanh nghiệp;

    3. Năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp;

    4. Năng lực tài chính của công ty mẹ;

    5. Năng lực công nghệ;

    6. Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp;

    7. Quy mô của mạng lưới phân phối;

    8. Các căn cứ khác mà Cơ quan Quản lý cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh cho là phù hợp.

    * Vị trí thống lĩnh của một nhóm doanh nghiệp

    Vị trị thống lĩnh của một nhóm doanh nghiệp được xác định tại Điều 24 Luật cạnh tranh năm 2018 cụ thể như sau:

    - Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật cạnh tranh năm 2018 hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.
  • - Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định ở trên không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

    3.2 Vị trí độc quyền của doanh nghiệp

    Điều 25 Luật cạnh tranh năm 2018 quy định về vị trí độc quyền của doanh nghiệp cụ thể như sau: Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan”.

    Theo quy định của pháp luật cạnh tranh doanh nghiệp được coi là có vị trí được quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan. Vị trí độc quyền đã loại bỏ khả năng có sự tồn tại của cạnh tranh trên thị trường liên quan bởi tại đó chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là doanh nghiệp đang được xem xét hoạt động. Do đó khi xác định vị trí độc quyền cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh chỉ cần xác định những nội dung sau:

    - Xác định thị trường liên quan;

    - Xác định số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Nếu kết luận đưa ra là chỉ có một doanh nghiệp duy nhất thì doanh nghiệp đó có vị trí độc quyền. Các bước phân tích về doanh thu, doanh số… để xác định tổng thị phần của thị trường sẽ không còn cần thiết.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!