1. Biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Căn cứ Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm được quy định như sau:
- Thứ nhất, xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức:
+ Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
+ Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
- Thứ hai, ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
- Thứ ba, cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
- Thứ tư, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
- Thứ năm, lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
+ Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;
+ So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
- Thứ sáu, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
- Thứ bảy, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.
Như vậy, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh được biểu hiện dưới các hình thức như sau: Hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh; Hành vi cạnh tranh trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mức thông thường về đạo đức kinh doanh; Hành vi gây thiệt hại, có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.
Với trường hợp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì người bị vi phạm có thể thu thập đầy đủ bằng chứng xác thực để khởi kiện ra Ủy ban cạnh tranh quốc gia yêu cầu đòi lại quyền lợi và những tổn thất công ty đối thủ đã gây ra cho đối tác kinh doanh và doanh nghiệp mình.
2. Xử lý như thế nào đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
Khi thấy có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, chúng ta sẽ tùy vào trường hợp để có những ứng xử, cách xử lý phù hợp. Nếu đó là cạnh tranh không lành mạnh ở mức độ nhẹ thì các bên có thể tự thỏa thuận với nhau. Còn nếu cạnh tranh ở mực độ lớn thì người bị vi phạm báo ngay với các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết kịp thời.
2.1. Xử phạt hành chính
Căn cứ vào mục 4 Chương II Nghị định 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh thì đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh được áp dụng mức xử phạt hành chính như sau:
STT | Hành vi vi phạm | Mức phạt chính | Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục |
1 | Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh | Phạt tiền từ 200 triệu đến 300 triệu đồng |
- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh; - Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
|
2 | Hành vi ép buộc trong kinh doanh |
- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó - Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc khách hàng hoặc đối tác kinh doanh lớn nhất của đối thủ cạnh tranh. - Phạt tiền gấp 02 lần mức nêu trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. |
|
3 | Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác |
- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với việc cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp; - Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp; - Phạt tiền gấp 02 lần mức nêu trên nếu thực hiện hành vi vi phạm trên phạm vi từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. |
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; - Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; - Buộc cải chính công khai |
4 | Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp |
- Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng với hành vi gián tiếp cản trở, làm gián đoạn kinh doanh của doanh nghiệp khác. - Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng với hành vi trực tiếp cản trở, làm gián đoạn kinh doanh của doanh nghiệp khác. - Phạt tiền gấp 02 lần mức nêu trên nếu thực hiện hành vi vi phạm trên phạm vi từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. |
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng; - Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; - Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm |
5 | Hành vi lôi kéo khách bất chính |
- Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng; - Phạt tiền gấp 02 lần mức nêu trên nếu thực hiện hành vi vi phạm trên phạm vi từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. |
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; - Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; - Tịch thu khoản lợi nhuận thu được; - Buộc cải chính công khai; - Loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm. |
6 | Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ |
- Phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 01 tỷ đồng; - Phạt tiền gấp 02 lần mức nêu trên nếu thực hiện hành vi vi phạm trên phạm vi từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. |
- Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm; - Tịch thu khoản lợi nhuận thu được; - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn. |
2.2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tại Điều 217 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng đưa ra quy định riêng về tội "Vi phạm quy định về cạnh tranh". Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác từ 01 tỷ đồng đến dưới 05 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;
- Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận;
- Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp:
+ Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;
+ Thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
+ Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, dịch vụ;
+ Thỏa thuận hạn chế phát triển công nghệ, kỹ thuật, hạn chế đầu tư;
+ Thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
Các khung hình phạt với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh được quy định như sau:
- Khung hình phạt thứ 01:
Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 01 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Khung hình phạt thứ 02:
Phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền;
+ Thu lợi bất chính từ 03 tỷ đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại cho người khác 05 tỷ đồng trở lên.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!