Khởi kiện tranh chấp thừa kế đối với người đủ điều kiện để xác lập quyền sở hữu (ngay tình, liên tục, công khai) ?

Thưa luật sư, tôi là một sinh viên học luật, tôi đọc luật và nhận thấy sự mâu thuẫn muốn hỏi: Theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015 về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu.

Vậy, đối với trường hợp đủ điều kiện để xác lập quyền sở hữu, nhưng thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia tài sản thừa kế vẫn còn thì tài sản đó có còn là di sản thừa kế hay công nhận quyền sở hữu cho người quản lý ?

Cảm ơn luật sư!

(Người hỏi: Nguyễn Bảo Minh Ngọc - Tp Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Theo quy định của pháp luật dân sự thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015).

Về thời điểm mở thừa kế: nguyên tắc chung, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được Tòa án xác định tùy từng trường hợp cụ thể (Điều 71, Điều 611 Bộ luật dân sự năm 2015).

Tuy nhiên, về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với bẫt động sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở cần phải lưu ý các trường hợp đặc biệt sau:

-   Đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 mà di sản là bất động sản thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm, tính từ ngày 10/9/1990 (ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế năm 1990).

-   Đối với những trường hợp mở thùa kế trước ngày 01 /7/1991 và di sản là nhà ở thì thời hiệu khởi kiện được kéo dài, cẩn phân biệt:

(1) Trường hợp không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện (Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10).

(2) Trường hợp có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/9/2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện (Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11).

Vẽ thời điểm bắt đầu tính để xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật là thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp luật có quy định khác (Điều 236 Bộ luật dân sự năm 2015).

Như vậy, với những quy định nêu trên của pháp luật, có thể xảy ra trường hợp đã hơn 30 năm kể từ ngày mở thừa kế, nhưng thời hiệu khởi kiện yêu cầu chĩa di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất vẫn còn. Do đó, có thể dẫn đến tình trạng di sản là bất động sản đã được chiếm hữu đủ 30 năm trở lên và đủ điều kiện để xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu và vẫn còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.

Trường hợp này theo quan điểm của chúng tôi thì cần phải xem xét, nếu người chiếm hữu đã làm thủ tục và đã được xác lập quyền sở hữu theo đúng quy định của pháp luật, thì khi đó tài sản không còn là di sản thừa kế của người chết để lại, nên các đồng thừa kế không có quyền yêu cầu chia đối với khối tài sản này. Ngược lại, nếu người chiếm hữu chưa làm đầy đủ thủ tục để được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu (mặc dù đã đủ điều kiện), thì vẫn còn là di sản thừa kế chưa chia và nếu còn thời hiệu thì các đồng thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án xem xét phân chia khối di sản này theo đúng quy định của pháp luật.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến việc chia tài sản thừa kế, pháp luật thừa kế ... vui lòng liên hệ trực tiếp: Dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi ngay số: 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com

Luật Hòa Nhựt (tổng hợp & phân tích)