1. Khái niệm chính sách khoan hồng.
Hiện nay có nhiều thuật ngữ để nói về chính sách khoan hồng như: “chương trình khoan hồng”, “sự ân xá”, “sự giảm nhẹ hình phạt” hoặc “miễn truy tố”. Theo pháp luật của liên minh Châu Âu, khoan hồng được hiểu là việc giảm tiền phạt. Ở những nơi khác, thì khoan hồng có thể được xem xét ở khía cạnh miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn trách nhiệm bồi thường của các cá nhân”.
Theo pháp luật của Hoa Kỳ, “khoan hồng được hiểu là việc doanh nghiệp báo cáo các hoạt động vi phạm pháp luật của họ ngay từ giai đoạn đầu, nếu họ đáp ứng những điều kiện nhất định”. Khoan hồng được hiểu là không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi được khai báo”.
Như vậy có thể hiểu chính sách khoan hồng là chính sách mà khi một bên trong thoả thuận hạn chế cạnh tranh thông báo cho cơ quan chức năng có thẩm quyền về thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và đáp ứng các điều kiện nhất định thì sẽ được miễn hoặc giảm mức hình phạt theo chính sách khoan hồng.
2. Đặc điểm của chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh.
Nhìn chung, chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh bao gồm các đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, chính sách khoan hồng chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Thứ hai, chính sách khoan hồng là một chương trình giảm hình phạt tiền, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc là một sự ân xá.
Thứ ba, chính sách khoan hồng mang thủ tục hành chính, là một chương trình miễn, giảm hình phạt áp dụng có điều kiện.
3. Vai trò của chính sách khoan hồng trong pháp luật cạnh tranh.
Thứ nhất, là một công cụ phát hiện để điều tra, xử lý thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, giảm đáng kể chi phí điều tra cũng như chi phí xét xử cho cả cơ quan quản lý cạnh tranh và tòa án.
Thứ hai, ngăn các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp cá nhân vi phạm đượ chưởng miễn trừ hình phạt, nhằm khuyến khích người.
đứng đầu, có chức vụ trong các doanh nghiệp cũng như người nắm giữ đầy đủ và chi tiết các bằng chứng ngay từ ban đầu giác ngộ và cung cấp thông tin về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của mình.
4. Thẩm quyền áp dụng chính sách khoan hồng.
Luật Cạnh tranh năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018, thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 đã bổ sung điều 112 – chính sách khoan hồng, đây là quy định mới so với luật cạnh tranh 2004. Tại khoản 2 điều 112 đã quy định cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng chính sách khoan hồng đối với các doanh nghiệp thoả thuận hạn chế cạnh tranh: “Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.”
Như vậy người đứng đầu của Cơ quan cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) là Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền quyết định việc cho miễn hoặc giảm mức xử phạt. Quy định này cũng giống như ở nhiều nước là Cơ quan cạnh tranh có quyền quyết định áp dụng chính sách khoan hồng để miễn hoặc giảm mức xử phạt cho đương đơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước cũng cho thấy khi Cơ quan cạnh tranh áp dụng chương trình khoan hồng để miễn hoặc giảm mức xử phạt thì cần có sự công nhận của các cơ quan có liên quan như Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan công tố, Cơ quan tòa án.
5. Đối tượng được áp dụng chính sách khoan hồng.
Theo Luật Cạnh tranh 2018 tại khoản 5 Điều 112 thì các đối tượng được áp dụng chính sách khoan hồng bao gồm 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban cạnh tranh quốc gia, trong đó 03 doanh nghiệp này phải là 03 doanh nghiệp tham gia vào thoản thuận hạn chế cạnh tranh.
Bản chất của chính sách khoan hồng giúp cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng phát hiện và xử lý vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy nhiên không phải bất kỳ doanh nghiệp nào đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 3 điều 112 Luật cạnh tranh 2018 cũng được hưởng chính sách khoan hồng mà chỉ được áp dụng cho 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện và dựa vào các căn cứ sau đây: (1) Thứ tự khai báo; (2) Thời điểm khai báo; (3) Mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp. Việc quy định số lượng doanh nghiệp được hưởng khoan hồng tối đa 03 doanh nghiệp một phần nhằm hạn chế số lượng chủ thể vi phạm được hưởng khoan hồng để có thể đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật (các doanh nghiệp ngoài 03 doanh nghiệp này sẽ bị xử lý nghiêm minh) đồng thời không hạn chế quá ít doanh nghiệp để có cơ hội thu được nhiều thông tin, tài liệu, bằng chứng có giá trị hơn
Như vậy, các doanh nghiệp muốn được hưởng chính sách khoan hồng từ pháp luật cần phải nhanh chóng nộp đơn đến Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia và cần trung thực cung cấp các thông tin có lợi nhất để cơ quan cạnh tranh nhanh chóng phát hiện và xử lý các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh trên thị trường.
6. Điều kiện áp dụng chính sách khoan hồng.
Cũng giống như chính sách pháp luật ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản để được hưởng chính sách khoan hồng từ nhà nước thì chính bản thân bên vi phạm phải đáp ứng đầy đủ những điều kiện nhất định. Tại Việt Nam, kể từ khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, lần đầu tiên chính sách khoan hồng được áp dụng với những doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Các doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh khi tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh luôn được áp dụng chính sách khoan hồng theo khoản 3 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018. Cụ thể:
Thứ nhất, áp dụng với các doanh nghiệp đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên trong thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Có thể thấy, tất cả các cá nhân và tổ chức kinh doanh, bao gồm các loại hình công ty, hợp tác xã và hộ kinh doanh (trừ một số chủ thể được pháp luật quy định) đều có thể là đối tượng được hưởng chính sách khoan hồng nếu tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Chính những người trực tiếp tham gia sẽ cung cấp được các chứng cứ có thể xoay quanh các nội dung như: các bên tham gia thỏa thuận, nội dung thỏa thuận, cách thức liên lạc... Tuy nhiên, những doanh nghiệp có vai trò ép buộc, tổ chức sẽ không được miễn giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng, sử dụng chính sách pháp luật và quyền lực của cơ quan thực thi như một biện pháp cạnh tranh không chính đáng của mình.
Thứ hai, các doanh nghiệp phải tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra. Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép miễn giảm trách nhiệm với doanh nghiệp thực hiện khai báo trước khi cơ quan có thẩm quyền bắt đầu việc điều tra. Nếu cơ quan điều tra tự phát hiện hoặc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị tố giác bởi một bên thứ ba nào đó, và việc điều tra đã được bắt đầu, thì các chủ thể tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mất hoàn toàn cơ hội được hưởng khoan hồng. Có thể thấy: “yếu tố tự nguyện khai báo và khai báo trước khi có quyết định điều tra có tính chất tiên quyết đảm bảo đương đơn có thể được hưởng khoan hồng. Cần nhận thức rõ là đương đơn khai báo trước khi có quyết định điều tra, khác với việc khai báo trước khi cơ quan điều tra biết hoặc có thông tin về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Quy định khai báo trước khi có quyết định điều tra có tính linh hoạt cao hơn và tạo cơ hội hơn cho cả doanh nghiệp muốn khai báo và cả cơ quan điều tra cạnh tranh, bởi trong nhiều trường hợp, mặc dù Cơ quan cạnh tranh có thông tin về thỏa thuận nhưng chưa đầy đủ và đảm bảo tính chắc chắn để quyết định điều tra, do đó cần có thêm các thông tin, bằng chứng cụ thể khác và điều đó rất cần từ các đương đơn xin hưởng khoan hồng.”
Thứ ba, doanh nghiệp cần khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm. Tiêu chuẩn của chất lượng thông tin mà doanh nghiệp cung cấp là phải có giá trị đáng kể, tuy nhiên Luật Cạnh tranh lại chưa có những quy định để xác định giá trị của thông tin. Việc đánh giá chất lượng của thông tin chủ yếu phụ thuộc và sự chủ quan tùy nghi của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Từ đó cho thấy, các doanh nghiệp tiến hành khai báo và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra vẫn chưa chắc được hưởng khoan hồng nếu các thông tin cung cấp không được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá là không đủ giá trị và không có ích trong quá trình điều tra vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh.
Thứ tư, doanh nghiệp phải hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để một doanh nghiệp có thể được hưởng chính sách khoan hồng bởi việc điều tra vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh phải điễn ra trong một khoảng thời gian dài vì vậy việc khai báo thông tin đầy đủ, trung thực của doanh nghiệp mới chỉ là bước đầu để cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện và điều tra vụ việc. Trong quá trình điều tra cũng đòi hỏi doanh nghiệp có hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh phải hợp tác đầy đủ để cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng kết thúc quá trình điều tra để xử lý vi phạm ổn định lại thị trường thì doanh nghiệp mới được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật cạnh tranh.
7. Mức phạt tiền được miễn giảm khi áp dụng chính sách khoan hồng.
Hiện nay, Luật cạnh tranh 2018 quy định ba mức miễn giảm phụ thuộc và thứ tự khai báo của từng doanh nghiệp khi đáp ứng đầy đủ điều kiện để được hưởng chính sách khoan hồng như sau: (1) Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 điều 112 Luật cạnh tranh 2018 được miễn 100% mức phạt tiền; (2) Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 điều 112 Luật cạnh tranh 2018 lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền.
Như vậy, quy định về mức miễn giảm nhằm đảm bảo mục tiêu hiệu quả giống như chính sách khoan hồng của các nước là bảo vệ người trình báo khỏi hình phạt, hoặc giảm hình phạt dưới mức họ phải chịu. Đồng thời quy định này cũng đảm bảo tính hấp dẫn của chính sách khoan hồng.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!