1. Năm 2024, sẽ bỏ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để đồng bộ cơ chế tiền lương mới?
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký. Theo đó, căn cứ quy định tại Nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có các văn bản đề nghị các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức; chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý. Trong đó, nổi bật là nội dung: "không thực hiện quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức mà chỉ giữ quy định về xét thăng hạng, tiến tới nghiên cứu bỏ quy định hạng chức danh nghề nghiệp đồng bộ đổi mới cơ chế tiền lương theo vị trí việc làm."
Như vậy, với mục đích nhằm tiến tới sự đồng bộ với sự đổi mới cơ chế tiền lương theo vị trí việc làm thì trong thời gian sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành nghiên cứu bỏ chức danh nghề nghiệp viên chức.
2. Quan điểm chỉ đạo cải cách tiền lương
- Một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội là chính sách tiền lương. Chính sách này liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho sự phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
- Cải cách chính sách tiền lương phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường, lấy tăng năng suất lao động là cơ sở để tăng lương; bảo đảm tính tổng thể, hệ tống, đồng bộ, kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện hành; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước.
- Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo chức vụ lãnh đạo, chức danh và vị trí việc làm, phải phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
- Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương là giá cả sức lao động của người lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Mức tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế được nhà nước quy định, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Phân phối tiền lương phải đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp dựa trên kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng. Do đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; thúc đẩy cải cách hành chính; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giảm biên chế.
3. Cơ cấu tiền lương theo vị trí việc làm tại Nghị quyết 27 - NQ/TW 2018
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công):
- Thiết kế cơ cấu tiền lương mới: chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương là lương cơ bản và chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương là các khoản phụ cấp; bổ sung tiền thưởng, trong đó quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
- Chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng; xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành, gồm:
+ Xây dựng một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã theo nguyên tắc được quy định.
+ Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc được quy định.
+ Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm những đối tượng theo quy định tại tiểu mục 3, mục II, Nghị quyết 27 - NQ/TW năm 2018
Đối với người lao động trong doanh nghiệp
- Các doanh nghiệp kể các các doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương, trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
- Mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, tiền lương bình quân trên thị trường đối với các ngành nghề và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động được Nhà nước công bố, đồng thời Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
- Tiền lương, ký hợp đồng lao động và trả lương được doanh nghiệp và người lao động thương lượng, thỏa thuận gắn với năng suất và kết quả lao động.
- Doanh nghiệp và tổ chức đại diện người lao động thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ khuyến khích khác trong thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
- Tăng cường vai trò năng lực của tổ chức công đoàn và công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo đó, cơ cấu tiền lương của người lao động trong doanh nghiệp sẽ do từng doanh nghiệp quyết định và phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trên đây là những nội dung liên quan đến "năm 2024, bỏ hạng chức danh nghề nghiệp viên chức để đồng bộ chính sách tiền lương mới" theo quy định của pháp luật hiện hành do Luật Hòa Nhựt tổng hợp. Nếu quý độc giả còn bất cứ thắc mắc gì liên quan hoặc mọi vấn đề về pháp lý khác, vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua số hotline tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.868644 hoặc gửi thư về email: luathoanhut.vn@gmail.com để được hỗ trợ và giải đáp. Rất mong nhận được sự ủng hộ của quý độc giả trong những bài viết khác của Luật Hòa Nhựt.