Người thừa kế có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế tổ chức thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Vậy người thừa kế có quyền và nghĩa vụ gì?

1. Quyền và nghĩa vụ của người thừa kế phát sinh từ thời điểm nào?

Theo Điều 614 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 614. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Theo quy định tại điều luật trên, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế được xác định kể từ thời điểm mở thừa kế, "Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có di sản chết”. Quy định này chỉ xác định từ thời điểm mở thừa kế người thừa kế có các quyền và nghĩa vụ do người chết để lại. Thời điểm mở thừa kế chỉ là thời điểm làm phát sinh quyền và nghĩa vụ mà chưa phải là thời điểm thực hiện các quyền và nghĩa vụ này. Quyền hưởng di sản và thực hiện quyền hưởng di sản được diễn ra ở hai thời điểm khác nhau. Mặc dù về nguyên tắc, người có quyền hưởng di sản có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế bất cứ lúc nào kể từ thời điểm mở thừa kế.

Kể từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế cũng như người được hưởng di tặng (nếu có) chỉ mới có quyền thừa kế (có quyền nhận di sản của người chết để lại), di sản thừa kế chưa thuộc về những người này, nghĩa vụ của người thừa kế cũng được lý giải tương tự. Việc thực hiện nghĩa vụ với tư cách nhân danh, thay mặt kế quyền và bằng tài sản của người chết để thực hiện nghĩa vụ tài sản do người này để lại. Nếu di sản thừa kế chưa chia thì không ai có quyền thực hiện hành vi liên quan đến số phận thực tế hay sổ phận pháp lý của di sản khi không được sự đồng thuận của tất cả những người thừa kế và người hưởng di sản khác.

2. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Khoản 1 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 có quy đinh:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.....

Điều luật này xác định trách nhiệm của người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại, và chỉ áp dụng với người hưởng di sản thừa kế. Nếu người thừa kế đã từ chối quyền hưởng di sản thì họ không phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

Quy định trên cần được hiểu là người hưởng thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại không phải với tư cách là chủ thể mới “bước vào quan hệ nghĩa vụ ”, họ không thay thế vị trí chủ thể. Họ thực hiện nghĩa vụ tài sản bằng tài sản của người chết để lại, hay nói cách khác, họ phải trả nợ chỉ vì họ tiếp nhận tài sản có của người chết để lại (nợ của người chết không phải là nợ của người hưởng di sản). Sau khi thanh toán toàn bộ nghĩa vụ của người chết để lại và những chi phí liên quan đến di sản thừa kế, nếu tài sản không còn (nghĩa vụ tài sản và các chi phí khác bằng hoặc lớn hơn khối tài sản mà người chết để lại) thì khi đó không còn tài sản để chia thừa kế và như vậy thì không có quan hệ nhận di sản thừa kế.

Ví dụ: Một người để lại khối di sản thừa kế trị giá 200 triệu đồng nhưng lúc còn sống, người đó vay nợ 200 triệu đồng và nợ tiền thuế Nhà nước là 100 triệu đồng; trước lúc chết người đó chưa kịp thực hiện các nghĩa vụ này. Như vậy, di sản để lại ngang bằng với các khoản nợ. Sau khi thanh toán không còn di sản để chia cho những người thừa kế.

Thứ nữa, theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối tiếp nhận di sản. Nếu nhận di sản thì phải thực hiện việc trả nợ thay cho người để lại di sản. Nếu từ chối nhận di sản cũng có nghĩa từ chối thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết, họ không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết, vì không phải là món nợ của bản thân họ. Điều này chứng tỏ rằng, người thừa kế không buộc phải nhận di sản để rồi phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết cho chủ nợ. Nếu quan niệm nghĩa vụ tài sản là di sản thừa kế thì trong mọi trường hợp chủ nợ đều có quyền yêu cầu người thừa kế thực hiện việc trả nợ.

Nghĩa vụ tài sản của người chết thực sự là món nợ của người đó lúc còn sống phát sinh từ những hành vi pháp lý của họ. Vì thế, phải coi nghĩa vụ đó là của chính bản thân người chết, phải dùng di sản của người chết để thanh toán. Nếu sau khi đã thanh toán nghĩa vụ tài sản và các chi phí khác liên quan đến di sản mà vẫn còn di sản (dù ở mức độ nào, ít hay nhiều) để chia cho những người có quyền hưởng di sản, phần di sản còn lại này mới được gọi là di sản thừa kế. Trong đó có thể có phần di sản dùng cho thờ cúng, phần di sản dành cho di tặng, phần di sản dành cho người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc và phần di sản dành chia cho những người thừa kế. Nếu sau khi thanh toán mà không còn di sản để dịch chuyển cho người hưởng di sản thì rõ ràng là người chết không để lại di sản thừa kế.

3. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong trường hợp di sản chưa được chia

Theo khoản 2 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

" Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại."

Trong trường hợp di sản chưa được chia, có nghĩa là đang trong trạng thái là một khối di sản mà chưa xác định phần quyền của từng người thừa kế, thì việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của người thừa kế sẽ do những người thừa kế thỏa thuận trong phạm vi di sản mà người chết để lại và được tất cả những người người hưởng di sản thực hiện.

4. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong trường hợp di sản đã chia

"Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác." (Khoản 3 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015)

Nếu người chết có để lại nghĩa vụ tài sản nhưng trong di chúc không nói rõ ai phải thực hiện nghĩa vụ đó thì mỗi người thừa kế chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần di sản mà người đó được hưởng trên toàn bộ khối di sản. Vì thế, trong trường hợp này, nếu di sản chưa chia thì sẽ dùng di sản để thực hiện nghĩa vụ. Phần di sản còn lại sẽ được chia cho những người thừa kế theo phần mà họ được hưởng đã được xác định trong di chúc. Nếu di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng với phần tài sản mà họ đã được nhận.

Nếu người để lại di sản đã giao cho người thừa kế nào đó thực hiện toàn bộ nghĩa vụ tài sản thì người thừa kế đó phải thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số di sản mà họ được nhận. Neu nghĩa vụ tài sản lớn hơn số di sản được nhận thì phần nghĩa vụ vượt quá này sẽ do những người thừa kế khác thực hiện tương ứng với phần di sản họ được hưởng.

5. Nếu người thừa kế là tổ chức thì có cần phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại không?

Theo khoản 4 Điều 615 Bộ luật dân sự 2015:

rường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Quy định này thể hiện sự bình đẳng của các chủ thể trong việc hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật về thừa kế. Người thừa kế là cá nhân, pháp nhân, các cơ quan, tổ chức và các chủ thể khác đều là người có quyền được hưởng di sản thừa kế của người chết để lại thì đồng thời với quyền này là phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, kể cả Nhà nước. Những chủ thể này cũng chỉ thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết trong phạm vi di sản mà họ được hưởng theo Di chúc. Khoản 4 Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “trường hợp người hưởng thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc ” đã khắc phục được thực trạng thiếu toàn diện khi quy định về các chủ thể được hưởng di sản thừa kế với tư cách là người thừa kế của người chết.

6. Quyền từ chối nhận di sản thừa kế

Pháp luật về thừa kế luôn tôn trọng ý chí tự do của người thừa kế trong việc nhận di sản thừa kế của người chết để lại. Pháp luật không bắt buộc người hưởng di sản phải nhận di sản thừa kế nếu bản thân họ không muốn nhận phần di sản đó.

Theo Điều 620 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 620. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Từ chối quyền hưởng di sản là một trong những quyền của một bên chủ thể trong quan hệ thừa kế - người có quyền hưởng hưởng di sản thừa kế. Điều luật trên quy định 3 nội dung: Quyền được từ chối, thủ tục từ chối, thời điểm từ chối nhận di sản.

- Người thừa kế có quyền hưởng, quyền từ chối nhận di sản, quyền được hưởng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật, quyền được hưởng thừa kế thế vị, quyền được quản lý, phân chia di sản... Trong các quyền này, quyền từ chối là quyền định đoạt của người hưởng di sản thừa kế (từ chối việc xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản mà mình được hưởng). Việc từ chối này được pháp luật “ra” điều kiện việc từ chối nhận di sản không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đổi với người khác. Hạn chế này nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người có quyền mà bản than người từ chối đó đang có nghĩa vụ phải thực hiện cho họ một số nghĩa vụ: trả nợ, bồi thường thiệt hại, trả tiền công lao động, tiền thù lao trong hợp đồng dịch vụ... Vì thế, nếu không thực hiện các nghiã vụ này khi đến hạn sẽ đưa đến một hậu quả bất lợi cho người mang quyền yêu cầu trong qua hệ nghĩa vụ. Trong trường hợp này, pháp luật buộc họ phải nhận di sản để thanh toán các khoản nợ mà người đó phái thực hiện đối với người mang quyền.

- Về hình thức của việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản gửi đến người quản lý tài sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết. Người từ chối nhận di sản phải lập văn bản thể hiện ý chí của mình và gửi đến các chủ thể khác liên quan đến quan hệ thừa kế mà bản thân người từ chối là một bên chủ thể. Mặt khác, việc báo cho những người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản biết về việc người thừa kế từ chối nhận di sản để họ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong trường họp người từ chối quyền nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ đối với những người khác.

- Về thời điểm người có quyền thừa kế từ chối hưởng di sản. Việc từ chối nhận di sản được xác định là quyền tự do ý chí, quyền định đoạt của người hưởng di sản, song nhằm hạn chế tính phức tạp trong việc xác định căn cứ khi có tranh chấp xảy ra, Bộ luật dân sự năm 2015 đã xác định thời điểm từ chối quyền hưởng di sản. Quy định về thời điểm này là phù hợp với thực hiện,và thực tiễn áp dụng pháp luật về thừa kế. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế đã biết về những quyền và nghĩa vụ của mình liên quan đến di sản thừa kế do người chết để lại. Sau khi thanh toán những nghĩa vụ và chi phí liên quan đến khối tài sản mà người chết để lại, những người thừa kế mới tiến hành việc phân chia thừa kế. Việc từ chối hưởng quyền thừa kế của người thừa kế thực hiên trước thời điểm phân chia di sản thừa kế nhằm đảm bảo việc phân chia di sản thừa kế được diễn ra nhanh chóng, tránh phải chia di sản thêm một lần nữa cho những người thừa kế khác.

7. Một số lưu ý và câu hỏi về chia di sản thừa kế

7.1 Thời hiệu để yêu cầu chia di sản thừa kế?

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

7.2 Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình là bao lâu?

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

7.3 Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là bao lâu?

Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.868644 hoặc gửi qua Email : luathoanhut.vn@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Hòa Nhựt. Trân trọng./.