Căn nhà do Bố Tôi đứng tên quyền sở hữu nhà ở & quyền sở hữu đất ở địa chỉ tại phường ABC Quận Hoàng Mai Hà Nội (khi địa phương làm thủ tục cập giấy quyền sở hữu nhà ở & quyền sở hữu đất ở, gia đình chưa nộp lệ phí trước bạ nhà đất).
Hiện Nay gia đình Tôi có 4 người gồm có 4 người: Tôi, Vợ Tôi, con gái lớn ( đã mất năm 2018), con gái út (hiện nay gia đình Tôi có 3 người đang sinh sống tại căn nhà Bố Tôi đứng tên quyền sở hữu nhà ở & quyền sở hữu đất ở )
Gia đình Anh trai gồm có 4 người: Anh trai Tôi, vợ Anh trai Tôi, Con gái lớn, con trai út (hiện nay gia đình Anh Tôi có 4 người đang sinh sống tại căn nhà do Bố Tôi đứng tên quyền sở hữu nhà ở & quyền sở hữu đất ở)
Năm 2009 Bố Tôi đã chết (có giấy chứng tử ) nhưng không có di chúc chia tài sản cho người con nào!
Bây giờ Anh Em chúng Tôi muốn nhận thừa kế quyền sở hữu nhà ở & quyền sở hữu đất ở của căn nhà này. Vậy thủ tục để nhận thừa kế chúng phải làm gì?
1. Chúng Tôi cần những loại giấy tờ gì ?
2. Chúng Tôi thực hiện việc này ở đâu ?
3. Chúng Tôi có phải thực hiện đóng thuế, phí không ?
4. Khi tiến hành thủ tục nhận thừa kế cần phải có những người nào ?
Vậy Chị tư vấn giúp Tôi về việc này.
Trả lời:
1. Cơ sở pháp lý về đóng thuế đối với di sản thừa kế
- Bộ luật dân sự 2015 ;
- Luật đất đai 2013;
- Luật công chứng 2015;
- Nghị định 29/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật công chứng ;
2. Quy định về người thừa kế, hàng thừa kế theo luật
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Theo thông tin Qúy khách cung cấp, Căn nhà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đứng tên bố Qúy khách. Như vậy, căn nhà này đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bố quý khách mất năm 2009, không có di chúc để lại. Vì vậy, theo điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 di sản của bố Qúy khách được chia theo pháp luật. Điều 650 Bộ luật dân sự quy định:
"Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế."
Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Theo quy định này, trong tình huống của Qúy khách hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Qúy khách và anh trai Qúy khách. Hai anh em Qúy khách được hưởng phần di sản bằng nhau. Hiện tại, Qúy khách và anh trai muốn cùng thực hiện khai nhận quyền sở hữu nhà ở.
3. Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Điều 58 Luật Công chứng năm 2014, những người thừa kế đủ điều kiện để thực hiện khai nhận thừa kế có quyền yêu cầu công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
"Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản
1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản."
Trong đó, việc công chứng văn bản này được thực hiện theo quy định tại Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể:
3.1 Hồ sơ cần chuẩn bị
Theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng, để thực hiện công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế, người yêu cầu công chứng phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng nếu chia thừa kế theo pháp luật: Bản sao giấy khai sinh của hai anh em Qúy khách.
- Giấy chứng tử của bố mẹ Qúy khách;
- Dự thảo Văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có);
- Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người khai nhận di sản thừa kế;
- Các giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3.2 Cơ quan có thẩm quyền thực hiện
Việc công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại: các tổ chức hành nghề công chứng gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấ
Trình tự, thủ tục công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế
Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ đã nêu ở trên (01 bộ).
Bước 2: Tiến hành công chứng Văn bản khai nhận di sản
Sau khi nộp đủ hồ sơ, giấy tờ, Công chứng viên sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra:
- Nếu hồ sơ đầy đủ: Công chứng viên tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng;
- Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên hướng dẫn và yêu cầu bổ sung;
- Nếu hồ sơ không có cơ sở để giải quyết: Công chứng viên giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Niêm yết việc thụ lý Văn bản khai nhận di sản
Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.
Trong trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Thời gian niêm yết là 15 ngày.
Nội dung niêm yết phải nêu rõ:
- Họ, tên người để lại di sản;
- Họ, tên của những người khai nhận di sản;
- Quan hệ của những người khai nhận di sản với người để lại di sản;
- Danh mục di sản thừa kế.
Bước 4: Hướng dẫn ký Văn bản khai nhận di sản
Sau khi nhận được niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ:
- Nếu đã có dự thảo Văn bản khai nhận: Công chứng viên kiểm tra các nội dung trong văn bản đảm bảo không có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…
- Nếu chưa có dự thảo: Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người khai nhận di sản. Sau khi soạn thảo xong, người thừa kế đọc lại nội dung, đồng ý và sẽ được Công chứng viên hướng dẫn ký vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Bước 5: Ký chứng nhận và trả kết quả.
Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ đã nêu ở trên để đối chiếu trước khi ký xác nhận vào Lời chứng và từng trang của Văn bản khai nhận này.
Sau khi ký xong sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng, các chi phí khác và trả lại bản chính Văn bản khai nhận cho người thừa kế.
Khi tiến hành thủ tục nhận thừa kế cần phải có hai anh em Qúy khách (là những người thừa kế theo pháp luật). Việc thừa kế từ di sản của bố Qúy khách không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mà Qúy khách sẽ mất Phí, lệ phí công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
Lưu ý: Họp mặt những người thừa kế được thực hiện vào thời điểm nào? => Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Tư vấn về thừa kế”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.868644 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Hòa Nhựt. Trân trọng cảm ơn!