1. Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh
1.1. Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm:
a) Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
b) Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
c) Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
d) Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;
1.2. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm:
a) Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
b) Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
c) Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
d) Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;
đ) Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;
e) Điều tra viên vụ việc cạnh tranh;
g) Thư ký phiên điều trần.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh
- Quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh để giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh và chỉ định thư ký phiên điều trần trong số công chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
- Quyết định thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thư ký phiên điều trần.
- Thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng.
-. Giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế hoặc cạnh tranh không lành mạnh.
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Quyết định xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế.
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh.
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
3. Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh gồm những ai?
- Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định thành lập để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể. Hội đồng chấm dứt hoạt động và tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
- Số lượng thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh là 03 hoặc 05 thành viên, do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định lựa chọn trong số các thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trong đó có 01 thành viên được phân công là Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
- Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng
Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quyết định mở phiên điều trần;
b) Triệu tập người tham gia phiên điều trần;
c) Triệu tập người làm chứng theo yêu cầu của các bên;
d) Quyết định trưng cầu giám định; quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch;
đ) Yêu cầu Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh tiến hành điều tra bổ sung;
e) Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc hạn chế cạnh tranh;
g) Quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
h) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 5 Điều 59 của Luật này;
i) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
b) Triệu tập và chủ trì cuộc họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
c) Ký văn bản của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
d) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tham gia đầy đủ phiên họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh;
b) Thảo luận và biểu quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh
5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh khi tiến hành tố tụng cạnh tranh
Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
b) Quyết định phân công điều tra viên vụ việc cạnh tranh;
c) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, thông tin, đồ vật và giải trình liên quan đến nội dung vụ việc theo đề nghị của điều tra viên vụ việc cạnh tranh;
d) Quyết định thay đổi điều tra viên vụ việc cạnh tranh;
đ) Quyết định trưng cầu giám định; quyết định thay đổi người giám định, người phiên dịch trong quá trình điều tra;
e) Quyết định triệu tập người làm chứng theo yêu cầu của các bên;
g) Quyết định gia hạn điều tra, quyết định đình chỉ điều tra vụ việc cạnh tranh trên cơ sở chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia;
h) Kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra;
i) Kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh;
k) Tham gia phiên điều trần;
l) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
Kết thúc quá trình điều tra, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh; chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
6. Nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên vụ việc cạnh tranh khi tiến hành tố tụng cạnh tranh
- Tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh theo phân công của Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.
- Lập báo cáo điều tra sau khi kết thúc điều tra vụ việc cạnh tranh.
- Bảo quản tài liệu đã được cung cấp.
- Chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Tham gia phiên điều trần.
- Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra trong quá trình điều tra phù hợp với quy định của pháp luật.
- Kiến nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh quyết định gia hạn, đình chỉ và kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh, trưng cầu giám định, thay đổi người giám định, người phiên dịch trong quá trình điều tra.
- Báo cáo để Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong quá trình điều tra.
- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.
7. Nhiệm vụ, quyền hạn của thư ký phiên điều trần
- Chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi khai mạc phiên điều trần.
- Phổ biến nội quy phiên điều trần.
- Báo cáo với Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh về sự có mặt, vắng mặt của những người được triệu tập đến phiên điều trần.
- Ghi biên bản phiên điều trần.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
8. Thay đổi người tiến hành tố tụng cạnh tranh
- Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần phải từ chối tiến hành tố tụng cạnh tranh hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Là người thân thích với bên bị điều tra hoặc bên khiếu nại;
b) Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc cạnh tranh;
c) Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ không khách quan khi làm nhiệm vụ.
- Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tự mình quyết định hoặc theo đề nghị của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh quyết định thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thư ký phiên điều trần.
- Tại phiên điều trần, trường hợp phải thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thư ký phiên điều trần thì Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh ra quyết định hoãn phiên điều trần, đồng thời kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, thư ký phiên điều trần. Thời gian hoãn phiên điều trần là không quá 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên điều trần.
MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!