1. Chế độ của phạm nhân nữ mang thai?
Thưa luật sư, Tôi có đứa cháu gái bị kết án về tội cố ý gây thương tích. Khi phạm tội cháu đang có thai và hiện đang tạm giam. Tôi và gia đình muốn biết cụ thể với hoàn cảnh của cháu tôi hiện giờ thì khi ở trong trại giam cháu sẽ được hưởng những chế độ gì? Xin cảm ơn Luật sư!!
Người gửi: Bắc - Thái Bình
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.868644
Trả lời:
Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được hưởng những chế độ theo quy định tại Điều 51 Luật thi hành án hình sự 2019 như sau:
- Phạm nhân nữ có thai được bố trí nơi giam hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết, được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe.
- Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động. Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sỹ hoặc bác sỹ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 10 Nghị định 133/2020/NĐ-CP: Phạm nhân nữ trong thời gian mang thai thì tổng định lượng ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này (Phạm nhân được Nhà nước đảm bảo, tiêu chuẩn định lượng mỗi tháng gồm: 17 kg gạo tẻ; 15 kg rau xanh; 01 kg thịt lợn; 01 kg cá; 0,5 kg đường; 0,75 lít nước mắm; 0,2 lít dầu ăn; 0,1 kg bột ngọt; 0,5 kg muối; Gia vị khác: tương đương 0,5 kg gạo tẻ; Chất đốt: tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than; Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương) và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ; Trường hợp phạm nhân nữ có thai không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu 03 m2/phạm nhân, được giảm thời gian lao động và được chăm sóc y tế theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Như vậy, với trường hợp của cháu bạn nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì sẽ được hưởng những chế độ như trên!
2. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hưởng những chế độ gì?
Thưa luật sư, tôi nghe nói Luật mới có hiệu lực có quy định về việc cho con dưới 36 tháng tuổi được vào trại giam cùng mẹ. Vậy, các chế độ với trẻ em dưới 36 tháng tuổi và mẹ có con dưới 36 tháng tuổi được thực hiện như thế nào? Mong Luật sư giải đáp!
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật thi hành án hình sự 2019, phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì được hưởng các chế độ sau:
– Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.
– Trẻ em dưới 36 tháng tuổi được hưởng chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát nhu yếu phẩm và được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh để bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.
– Trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi.
Cụ thể hóa vấn đề này, Nghị định 133/2020/NĐ-CP quy định như sau:
- Đối với phạm nhân nữ có con dưới 36 tháng tuổi:
Phạm nhân nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong cơ sở giam giữ phạm nhân thì tổng định lượng ăn bằng 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường so với định lượng quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này và được hoán đổi theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ; \
- Đối với con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam:
+ Chế độ ăn của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được hưởng như đối với trẻ em dưới 04 tuổi tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật hiện hành; ngày lễ, Tết theo quy định của pháp luật trẻ em được hưởng chế độ ăn bằng 05 lần ngày thường, ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 01 tháng 6 dương lịch), Tết Trung thu (ngày 15 tháng 8 âm lịch) được hưởng chế độ ăn bằng 02 lần ngày thường. Mỗi tháng được cấp sữa và đồ dùng sinh hoạt cần thiết trị giá tương đương 20 kg gạo tẻ/trẻ em. Căn cứ vào lứa tuổi của trẻ và điều kiện thực tế, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân hoán đổi định lượng chế độ ăn cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ em ở cùng mẹ trong trại giam hoặc quy đổi thành tiền và gửi lưu ký để mẹ trẻ em sử dụng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng.
+Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong trại giam được cấp: 04 khăn mặt/năm; 02 kg xà phòng/năm; 03 bộ quần áo bằng vải thường/năm; 01 màn phù hợp với lứa tuổi/03 năm; 02 đôi dép/năm; 01 chăn phù hợp với lứa tuổi/03 năm (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên); 01 bộ quần áo ấm/01 năm (cấp từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 05 tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại không cấp).
+ Trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh theo quy định của Luật Trẻ em và Luật Bảo hiểm y tế. Trường hợp bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá, cơ sở giam giữ phạm nhân làm thủ tục chuyển đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân quyết định việc trích xuất và áp giải phạm nhân là mẹ của trẻ đi cùng để chăm sóc. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường được cấp không quá 03 kg gạo tẻ/trẻ em/tháng.
Cơ sở giam giữ phạm nhân có trách nhiệm thanh toán chi phí thực tế trong việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong trại giam, kinh phí khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ phạm nhân chết kinh phí an táng được thực hiện như đối với phạm nhân chết.
Như vậy, với câu hỏi của bạn thì các chế độ cho phạm nhân nữ và con dưới 36 tháng tuổi được thực hiện như trên.
3. Con muốn theo mẹ vào trại giam phải đáp ứng những điều kiện gì?
Thưa luật sư, Con gái tôi bị đi tù 2 năm về tội đánh bạc, nó rất nhớ và muốn ở cạnh con, vậy nếu như đứa nhỏ theo mẹ nó vào trong trại giam có được không? Tôi muốn được biết về điều kiện để cho phép con theo mẹ vào trại giam là gì? Xin cảm ơn Luật sư!
Trả lời:
Theo Khoản 2 Điều 26 Luật thi hành án hình sự 2019 (có hiệu lực ngày 01/01/2020) quy định điều kiện và các giấy tờ để con của người kết án phạt tù theo mẹ vào trại giam, cụ thể như sau:
Trường hợp con của người bị kết án phạt tù theo mẹ vào trại giam thì phải có giấy khai sinh. Trường hợp chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh do cơ quan y tế nơi trẻ em được sinh ra cấp hoặc văn bản của người làm chứng nếu trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế; trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có báo cáo bằng văn bản của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trại tạm giam chuyển người bị kết án phạt tù đến trại giam để chấp hành án kèm theo giấy cam đoan của mẹ về việc sinh con. Trại giam có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em theo mẹ vào trại giam theo quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch.
Như vậy, khi con của con gái bạn theo mẹ vào trại giam thì cần phải có giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh do cơ quan y tế nơi trẻ sinh ra cấp hoặc văn bản của người làm chứng nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế.
4. Trẻ em có được theo bố vào trong trại giam hay không?
Thưa luật sư, con trai tôi bị bắt về vận chuyển ma túy trái phép và bị phạt 6 năm tù. Con trai tôi đã lấy vợ và đã có con 1 tuổi rưỡi, mẹ cháu thì mất do tai nạn giao thông. Vậy cho tôi hỏi con trai tôi có được ở cùng con của mình trong trại giam hay không vì nó rất nhớ con. Xin cảm ơn!
Trả lời:
Luật Thi hành án hình sự (THAHS) năm 2019 đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung có nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận, đó là vấn đề trẻ em theo mẹ vào trại giam.
Theo đó, tại Điều 51 Luật THAHS năm 2019 quy định cụ thể: Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con; trẻ em dưới 36 tháng tuổi, trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội là con của phạm nhân ở cùng mẹ trong trại giam được hưởng chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát nhu yếu phẩm và được chăm sóc y tế, khám chữa bệnh để bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh cho con của phạm nhân. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chấp hành án có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh; trại giam phải tổ chức nhà trẻ ngoài khu giam giữ để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của phạm nhân dưới 36 tháng tuổi và con của phạm nhân từ 36 tháng tuổi trở lên trong thời gian chờ làm thủ tục đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.
Như vậy, Luật quy định chỉ có trẻ em theo hoặc ở với Mẹ trong trại giam, chứ không đề cập đến trẻ em theo Bố vào trại giam và chỉ có trẻ em dưới 36 tháng tuổi mới được ở hoặc theo Mẹ vào trại giam, còn từ đủ 36 tháng tuổi trở lên, phạm nhân phải gửi con về cho người thân hoặc gia đình chăm sóc. Trường hợp không có người thân thì Trại giam phải phối hợp với Sở Lao động, Thương binh & xã hội nơi trại giam đóng để gửi trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước để nuôi dưỡng trong thời gian phạm nhân chấp hành án. Một mặt đảm bảo lợi ích tâm sinh lý tốt nhất cho trẻ em, do trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc của mẹ, ... Còn Luật chưa quy định về vấn đề để con theo bố vào trại giam vì môi trường trại giam chưa bao giờ là tốt cho sự phát triển của trẻ.
5. Con trên 36 tháng tuổi có được ở cùng mẹ trong trại giam?
Thưa luật sư, tôi là Bình hiện đang ở Hà Nội, tôi muốn biết Luật hiện hành có quy định về việc con trên 3 tuổi được ở cùng mẹ trong trại giam không? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 51 Luật THAHS 2019:
5. Phạm nhân nữ có con từ 36 tháng tuổi trở lên phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải đề nghị cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.
Như vậy, luật hiện hành cho phép con dưới 36 tháng tuổi được theo mẹ vào trại giam và khi từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải đưa về thân nhân hoặc đưa ra cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng. Điều này để đảm bảo về mặt lợi ích tốt nhất cho trẻ.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.