Phân tích đặc điểm của thoả thuận hạn chế cạnh tranh ?

Trong thực tiễn kinh doanh, nội dung của các thoả thuận hạn chế cạnh tranh rất đa dạng luôn luôn có sự thay đổi tuỳ thuộc vào sự sáng tạo của các chủ thể kinh doanh. Bài viết tập trung phân tích và làm rõ các đặc điểm cơ bản của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh:

1. Khái niệm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Căn cứ Khoản 4 Điều 3 Luật cạnh tranh 2018 quy định như sau: "Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh".

2. Đặc điểm của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Cho nên các quy định pháp luật về hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh chỉ mang tính tương đối và luôn được bổ sung bởi sự linh hoạt và sáng tạo của người kinh doanh. Tuy nhiên, xét trên phương diện kinh tế học về thoả thuận cạnh tranh và các dạng thoả thuận hạn chế cạnh tranh được liệt kê trong Luật cạnh tranh, có thể thấy các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, chủ thể tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh là các doanh nghiệp hoạt động độc lập.

Theo quy định tại Điều 12  Luật cạnh tranh năm 2018 về thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm thì thoả thuận hạn chế cạnh ưanh diễn ra giữa các doanh nghiệp. Căn cứ vào Điều 2 Luật cạnh tranh, doanh nghiệp bao gồm tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Các doanh nghiệp tham gia thoả thuận phải hoạt động độc lập với nhau và hoàn toàn không phụ thuộc nhau về tài chính. Những hành động thống nhất của các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong một công ti không được pháp luật cạnh tranh coi là thoả thuận bởi thực chất các công ti nói trên cho dù bao gồm nhiều thành viên hạch toán phụ thuộc cũng chỉ là một chủ thể thống nhất. Mặt khác, ý chí của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận phải là ý chí độc lập của riêng doanh nghiệp mà không phụ thuộc và không chịu sự tác động của bất kì ai, nếu một doanh nghiệp bị ép buộc thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh như công ti mẹ hay tập đoàn ra quyết định bắt công ti con phải thi hành thì đây không được coi là thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể diễn ra giữa các doanh nghiệp là đối thủ của nhau hoạt động trên cùng thị trường liên quan hoặc giữa các bên không phải là đổi thủ của nhau.

Khác với quy định của Luật cạnh tranh Việt Nam, luật cạnh tranh của nhiều nước như Hàn Quốc, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và pháp luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu quy định thoả thuận hạn chế cạnh tranh có thể là thoả thuận giữa các doanh nghiệp hoặc là quyết định được đưa ra bởi hiệp hội của các doanh nghiệp. Quyết định của hiệp hội các doanh nghiệp được đưa ra phù họp với cam kết chung của các thành viên của hiệp hội thì được coi là thay thế thoả thuận giữa các thành viên của hiệp hội và nó chính là quyết định của các thành viên hiệp hội đó.

Thứ hai, thoả thuận hạn chế cạnh tranh chỉ được hình thành khi có sự thống nhất về ý chí của các bên tham gia thoả thuận. Sự thống nhất cùng hành động giữa các doanh nghiệp tham gia thoả thuận được thể hiện công khai hoặc không công khai.

Dấu hiệu quan trọng nhất của thoả thuận hạn chế cạnh là có sự thống nhất ý chí cùng hành động của các bên tham gia thoả thuận để gây hạn chế cạnh tranh với các nội dung như ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ, hạn chế nguồn cung... Các hành vi giống nhau của các doanh nghiệp chưa đủ để chứng minh là đã có thoả thuận giữa họ với nhau.

Để xác định hành vi hoặc tập hợp các hành vi của nhóm doanh nghiệp độc lập cấu thành thoả thuận hạn chế cạnh tranh, cơ quan có thẩm quyền phải có đủ bằng chứng kết luận giữa họ đã tồn tại thoả thuận chính thức bằng văn bản (thông qua bản hợp đồng hoặc các bản ghi nhớ) hay đã có cam kết đáp ứng yêu cầu của các bên tham gia mà không thể hiện bằng văn bản (những cam kết này thể hiện thông qua sự bàn bạc trong các cuộc gặp mặt giữa các bên hoặc trong các tài liệu có liên quan). Vì vặy, cơ quan có thẩm quyền dễ dàng tìm ra được những bằng chứng về thoả thuận hạn chế cạnh tranh đối với các thoả thuận công khai nhưng đối với các thoả thuận ngầm thì việc tìm kiếm bằng chứng không đơn giản. Dấu hiệu đầu tiên đặt ra nghi vấn về sự tồn tại các thoả thuận ngầm là các doanh nghiệp đã có sự phối hợp cùng thực hiện một hành vi hạn chế cạnh tranh, từ đó các cơ quan chức năng cần tìm thêm các bằng chứng kết luận rằng giữa họ đã tồn tại hợp đồng, bản ghi nhớ, các cuộc gặp mặt cho thấy đã có thoả thuận ngầm về giá, về hạn chế sản lượng, phân chia thị trường

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang (giữa các doanh nghiệp hoạt động trên cùng thị trường liên quan) còn được sử dụng với thuật ngữ các-ten và khởi nguồn từ sự thoả thuận của các doanh nghiệp vốn là đối thủ cạnh tranh trên danh nghĩa để điều phối giá và các quyết định sản lượng của họ hoặc giới hạn thị trường theo khu vực địa lí mà họ sẽ cung cấp để giảm hoặc loại bỏ tình trạng cạnh tranh giữa họ. Trong trường hợp các doanh nghiệp câu kết chiếm toàn bộ nguồn cung trên thị trường thì họ có thể hành động tương tự như công ti độc quyền. Trước đây, việc hình thành các cac- ten được chính phủ một sổ nước khuyến khích trong một sổ ngành nhưng hiện nay điều đó không còn phổ biến. Ở những nước đã ban hành luật cạnh tranh thì các cac-ten thông thường là phạm luật. Có thể thấy, ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển các cac ten thường hình thành và tồn tại ngấm ngầm không công khai nên việc phát hiện để xử lí chúng gặp nhiều khó khăn.

Ở dấu hiệu thứ hai của thoả thuận hạn chế cạnh tranh cần phân biệt sự thống nhất về ý chí của các doanh nghiệp với sự thống nhất về mục đích của doanh nghiệp khi tham gia thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Khi thống nhất thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp có thể cùng hoặc không cùng theo đuổi một mục đích. Các doanh nghiệp có thể có những mục đích khác nhau khi cùng thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh nào đó, ví dụ như doanh nghiệp A có mục đích mở rộng thị trường nhưng doanh nghiệp B lại muốn loại bỏ doanh nghiệp c và D là các đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan nên A và B đã cùng nhau tham gia vào thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Tuy mục đích của các doanh nghiệp khác nhau nhưng ý chí của họ là thống nhất với nhau và sự thống nhất ý chí đó gây ra hậu quả hạn chế cạnh tranh là đủ để các co quan có thẩm quyền xử lí các doanh nghiệp các doanh nghiệp tham gia thoả thuận cho dù mục đích của họ khác nhau.

Khi các doanh nghiệp có sự thống nhất cùng thực hiện các hành động gây kìm hãm, bóp méo hoặc hạn chế cạnh tranh trên thị trường hàng hoá hoặc dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp thì đã có nguy cơ gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường và hành vi đó có thể bị cấm mà không cần xem xét thoả thuận đó đã được thực hiện chưa, đã gây thiệt hại như thế nào cho thị trường

Thứ ba, hậu quả của thoả thuận hạn chế cạnh tranh là gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường.

Hậu quả của thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang gây ra cho thị trường là xoá bỏ cạnh tranh giữa những doanh nghiệp tham gia. Khi thoả thuận được kí kết, các doanh nghiệp đang từ đối thủ cạnh tranh của nhau sẽ không còn cạnh tranh với nhau nữa.

Đối với các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, các doanh nghiệp khi tham gia thoả thuận sẽ hình thành một nhóm doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh đáng kể và bằng việc thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia có thể gây thiệt hại cho khách hàng khi đặt ra các điều kiện giao dịch bất lợi cho họ hoặc gây thiệt hại cho các doanh nghiệp không tham gia thoả thuận.

3. Căn cứ xác định hành vi hạn chế cạnh tranh ?

Hành vi hạn chế cạnh tranh là những hành vi gây tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, do đó nó có hại tới sự phát triển của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi xã hội. vấn đề quan trọng là dựa vào những căn cứ nào để xác định hành vi của doanh nghiệp gây hạn chế cạnh tranh. Khi điều tra vụ việc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh, cơ quan có thẩm quyền phải dựa vào nhiều yếu tố như chủ thể thực hiện hành vi, biểu hiện của hành vi vi phạm, thị trường nơi diễn ra hành vi hạn chế cạnh tranh và khi thực hiện những hành vi ấy trên thị trường đó nó có ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh hay không...

Tuy nhiên, nghiên cứu về các căn cứ chung để xác định hành vi hạn chế cạnh tranh, lí thuyết về cạnh tranh dưới giác độ kinh tế và luật cạnh tranh của nhiều nước trên thế giới đều thể hiện có 2 vấn đề quan trọng để xác định hành vi hạn chế cạnh tranh là: vấn đề xác định thị trường liên quan và vấn đề xác định sức mạnh thị trường.

4. Phân loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Tại Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm các hành vi sau đây:Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ;Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận;Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận;Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh;

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể phân loại theo hai dạng là thỏa thuận theo chiều ngang và thỏa thuận theo chiều dọc như sau:

Thỏa thuận theo chiều ngang là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp có cùng ngành hàng hoạt động trên cùng một thị trường liên quan như thỏa thuận giữa các nhà sản xuất hay giữa những nhà những nhà bán buôn hoặc giữa những nhà bán lẻ của những loại sản phẩm tương tự nhau. Nội dung của thỏa thuận liên quan đến ấn định giá mua bán hàng hóa, dịch vụ, phân chia thị trường, ngăn cản doanh nghiêp khác tham gia thị trường, thông đồng trong đấu thầu, hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Thỏa thuận theo chiều dọc là các thỏa thuận liên quan đến việc bán lại những sản phẩm từ nhà sản xuất hay nhà cung cấp, do đó nó diễn ra giữa các doanh nghiệp ở các công đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm như thỏa thuận giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Thỏa thuận theo chiều dọc không tạo ra khả năng khống chế thị trường. Các thỏa thuận phổ biến theo chiều dọc thường có các nội dung: phân phối độc quyền theo lãnh thổ, giao dịch độc quyền, buộc các doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới phân phối của nhà sản xuất…; thỏa thuận ấn định giá bán lại.

5. Các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

Pháp luật Việt Nam chỉ công nhận 11 hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh tại điều 11 Luật cạnh tranh 2018 và cấm các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau đây:

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan: Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 11 của Luật cạnh tranh 2018: Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường: Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng; Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 của Luật cạnh tranh 2018 khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!