1. Những tư cách của Công đoàn cơ sở khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động
Theo Hướng dẫn 92/HD-TLĐ ngày 31/08/2023 vai trò của Công đoàn khi tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ việc tranh chấp tại Toà án với tư cách đương sự trong vụ án lao động (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc lao động (người yêu cầu giải quyết việc lao động và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Và khi tham gia với những tư cách đương sự trong vụ án, việc lao động này thì sẽ có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ quy định tại các điều 70, 71, 72, 73 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015.
- Đương sự trong vụ án lao động:
+ Nguyên đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự tại Toà án với tư cách là nguyên đơn trong những vụ án lao động mà công đoàn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.
+ Bị đơn: Công đoàn tham gia với tư cách bị đơn trong vụ án khi có khởi kiện của người sử dụng lao động
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia với tư cách này khi công đoàn không khởi kiện, không bị khởi kiện nhưng vụ việc giải quyết liên quan đến quyền, lợi ích của Công đoàn nên Công đoàn tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Toà án chấp nhận đưa công đoàn tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Đương sự trong việc lao động:
+ Người yêu cầu: Công đoàn tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách này khi Công đoàn có đơn đề nghị Toà án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu; thoả ước lao động tập thể vô hiệu; yêu cầu Toà án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: khi Công đoàn không yêu cầu giải quyết việc lao động nhưng việc giải quyết việc lao động có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn được tự đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Toà án chấp nhận.
2. Công đoàn cơ sở được đại điện cho đương sự
- Người đại diện theo pháp luật: Công đoàn cơ sở là đại diện theo pháp luật cho tập thể lao động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Toà án.
- Người đại diện theo uỷ quyền:
+ Đại diện Công đoàn tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách đại diện theo uỷ quyền khi được người lao động, công đoàn cấp dưới là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động uỷ quyền.
+ Tuỳ vào tư cách của người lao động, Công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp mà cán bộ công đoàn có quyền và nghĩa vụ tương ứng của đương sự.
- Đại diện do Toà án chỉ định: trong trường hợp không có người đại diện hoặc Toà án cũng không chỉ định được người đại diện khi người lao động là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì Toà án chỉ định Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động theo khoản 2 Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, công đoàn cấp dưới tại Toà án, đại diện công đoàn có quyền và nghĩa vụ theo quy định Điều 76 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.
3. Điều kiện khởi kiện vụ án lao động
Thứ nhất, quyền khởi kiện vụ án quy định tại điều 186 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015: "Cơ quan tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình". Khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác để khởi kiện. Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ án khi có đơn khởi kiện của các chủ thể và cũng chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Bên cạnh đó, pháp luật còn cho phép khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác hay lợi ích của công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm thì một số đối tượng nhất định cũng có quyền khởi kiện, quy định cụ thể tại điều 187 BLTTDS 2015.
Thứ hai, điều kiện khởi kiện. Cần có đủ các điều kiện sau:
Một là, chủ thể khởi kiện có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Theo điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, người khởi kiện phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đất đai, nhà ở. Chủ thể không có quyền, lợi ích dân sự, không có quyền khởi kiên trừ một số trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, mặc dù người khởi kiện có quyền, lợi ích dân sự nhưng quyền, lợi ích đó không hoặc chưa bị xâm phạm thì cũng chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.
Đối với những cá nhân không có năng lực hành vi tố tụng mà có quyền lợi cần được bảo vệ thì họ không thể tự mình khởi kiện vụ án dân sự mà phải do người đại diện thay mặt thực hiện. Để phù hợp hoàn toàn với nguyên tắc tự định đoạt trong TTDS đều 186 BLTTDS 2015 đòi hỏi cá nhân khởi kiện phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Đối với những cá nhân đã có năng lực chủ thể đầy đủ có thể tự mình khởi kiện hoặc làm giấy uỷ quyền cho một người khác có năng lực hành vi thay mặt mình khởi kiên, trừ việc ly hôn.
Hai là, vụ án được khởi kiện thuộc thẩm quyền của Toà án. Để vụ án dân sự được thụ lý, đơn khởi kiện phải gửi đến đúng Toà án có thẩm quyền giải quyết theo BLTTDS 2015. Đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó. Cụ thể:
- Vụ án mà chủ thể khởi kiện thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Toà án quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 BLTTDS 2015
- Vụ án được khởi kiện phải đúng với cấp Toà án có thẩm quyền quy định tại Điều 35, 36, 37, 38 BLTTDS 2015
- Vụ việc được khởi kiện đúng thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ quy định tại điều 39 BLTTDS 2015
- Trong trường hợp người khởi kiện có quyền lựa chọn Toà án theo Điều 40 BLTTDS 2015 thì yêu cầu đương sự cam kết không khởi kiện tại các Toà án khác.
- Đối với những việc pháp luật quy định phải yêu cầu cơ quan khác giải quyết trước thì chủ thể khởi kiện chỉ được khởi kiện vụ án khi các cơ quan hữu quan đã giải quyết mà họ không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan đó.
- Khi xác định thẩm quyền, Toà án cũng phải xác định đó loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại hay lao động để vào sổ thụ lý loại án đúng với quy định.
Ba là, vụ án vẫn còn thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà các chủ thể có quyền khởi kiện được yêu cầu Toà án giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động để bảo vệ quyền, lợi ích bị xâm phạm. Hết thời hạn đó thì chủ thể khởi kiện mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, đối với yêu cầu hoàn trả lại tài sản thuộc sở hữu nhà nước, yêu cầu bảo vệ quyền nhân nhân thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện (Điều 186 BLTTDS 2015).
Bốn là, sự việc chưa được giải quyết bằng một bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu sự việc đã được toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không được khởi kiện lại đối với vụ án đó
4. Thủ tục khởi kiện vụ án lao động
Thứ nhất, những tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Toà án nhân dân cấp huyện: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015. Theo đó, Toà án nhân dân cấp huyện sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục sơ thẩm, trừ các tranh chấp thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
- Toà án nhân dân cấp tỉnh: Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015. Theo đó, Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục sơ thẩm khi: có đương sự ở nước ngoài; có tài sản ở nước ngoài; Cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Và theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền của các Toà chuyên trách Toà án nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Toà lao động Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ giải quyết các tranh chấp về lao động theo thủ tục phúc thẩm
- Thẩm quyền Toà án theo lãnh thổ: thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015. Như vậy Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về lao động. Trường hợp có thoả thuận bằng văn bản Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về lao động thì theo thoả thuận.
Thứ hai, Thời hiệu khởi kiện. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được quy định tại điều 190 Bộ Luật lao động 2019 và Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại Điều 194 Bộ Luật lao động 2019.
Thứ ba, Toà án nơi nộp đơn khởi kiện:
- Thẩm quyền Toà án theo cấp.
- Thẩm quyền Toà án theo lãnh thổ.
- Thẩm quyền Toà án theo sự lựa chọn của nguyên đơn.
Thứ tư, Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu) và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;
- Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu), Sổ hộ khẩu gia đình (có sao y bản chính)
- Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề, quyết định xử lý kỷ luật sa thải hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động,...
- Biên bản hoà giải không thành của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đối với tranh chấp lao động cá nhân (nếu có); Biên bản hoà giải không thành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền (nếu có).
- Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ tài liệu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp như giấy phép đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp;...
- Bản kê các tài liệu nộp kèm đơn khởi kiện
Liên hệ qua 1900.868644 hoặc luathoanhut.vn@gmail.com để được hỗ trợ.