Quy định khởi tố hình sự ngay nhà xe khách vì hành vi trốn thuế

Bài viết tập trung phân tích về hành vi trốn thuế, quy định khởi tố hình sự về hành vi trốn thuế và khởi tố hình sự ngay nhà xe khách về hành vi trốn thuế. Mời bạn đọc tham khảo bài viết.

1. Các hành vi trốn thuế 

Theo Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019 có quy định về các hành vi được xem là trốn thuế bao gồm các hành vi dưới đây:

-  Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật quản lý thuế 2019;

- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; 

- Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá dịch vụ đã bán;

- Sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

- Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp;

- Khai sai với thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hành hoá đã được thông quan.

- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hoá xuất  khẩu, nhập khẩu;

- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hành hoá nhằm mục đích trốn thuế;

- Sử dụng hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian dừng, tạm ngừng  hoạt động kinh doanh những không thông báo với cơ quan quản lý thuế.

- Người nộp thuế không  bị xử phạt về hành vi trốn thuế mà bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 141 của Luật này đối với các trường hợp sau đây:

+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày nhưng không phát sinh số tiền thuế phải nộp

+ Nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày có phát sinh số tiền thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi nộp hồ sơ khai thuế.

2. Quy định khởi tố hình sự ngay nhà xe vì hành vi trốn thuế

- Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự:

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

+ Tố giác của cá nhân

+ Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân   

+ Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng

+ Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước

+ Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm

+ Người phạm tội tự thú.

- Theo Điều 9 Quy chế chuyển tin bao vụ việc về thuế, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan Điều tra ban hành kèm theo Quyết định 489/QĐ-TCT năm 2022 xác định hành vi vi phạm về thuế có dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ sau:

+ Quy định về hành vi trốn thuế tại Luật Quản lý thuế 2019

+ Quy định về tội Trốn thuế tại điều 200 Bộ luật hình sự 2015

+ Kết hợp với các thông tin, hồ sơ liên quan như:

Doanh nghiệp có giao dịch với các đối tượng liên quan đến các vụ án đang được điều tra, xét xử.

Các giao dịch đáng ngờ qua Ngân hàng của cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng chuyển tới Cơ quan Thuế.

Các giao dịch đáng ngờ do Cơ quan THuế thu thập, phát hiện được trong quá trình quản lý

Các thông tin từ các cơ quan thuế quốc tế, đơn thư khiếu nại, tố cáo

Các thông tin qua xác minh ban đầu vẻ hoàn thuế, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh...

- Cụ thể, dấu hiệu cấu thành hành vi trốn thuế gồm những dấu hiệu sau đây:

+ Về mặt khác  thể của tội phạm: 

Khách thể của Tội trốn thuế cũng giống nhữ các tội phạm khác là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tôi phạm xâm hại. Cụ thể khách thể của Tội trốn thuế là xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về hành vi trốn nộp thuế của cá nhân, pháp nhân cho nhà nước. Như vậy, Tội trốn thuế xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về quản lý thu thuế cho Nhà nước.

Đối tượng tác động là số tiền thuế mà lẽ ra các cá nhân, tổ chức phạm tội phải nộp theo quy định của từng sắc thuế nhưng đã không nộp số tiền thuế này.

+ Về mặt khách quan:  

Tội trốn thuế là hành vi dùng các thủ đoạn để trốn tránh không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được hoàn. Thủ đoạn trốn thuế được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: không nộp hồ sơ đăng ký thuế, không nộp hồ sơ khai thuế, không làm sổ sách ghi chép đầy đủ, không kê khai đúng số lượng hàng hoá, dịch vụ, kê khai sai hàng hoá xuất, nhập khẩu, sửa chữa, làm sai lệch sổ sách, sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp để trốn thuế. Cụ thể, hành vi trốn thuế được quy định tại khoản 1 Điều 200 BLHS với 9 hành vi khách quan được mô tả chi tiết và những hành vi này cũng được quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng như các văn bản hướng dẫn (có thể xem tại phần 1 của bài viết)

+ Mặt chủ quan:

Trong tội trốn thuế thì mặt chủ quan của tội phạm được biểu hiện thông qua lỗi cố ý trực tiếp có nghĩa chủ thể của tội phạm nhận thức được hành vi và hậu quả của mình gây ra nhưng vẫn thực hiện hành vi với mong muốn cho hậu quả xảy ra khi biết rõ hành vi trốn thuế của mình gây thiệt hại cho Nhà nước nhưng vẫn trốn thuế.

Động cơ, mục đích của người phạm tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm này. Tuy nhiên, người phạm Tội trốn thuế bao giờ cũng vì động cơ tư lợi nhằm mục đích không nộp thuế hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, tăng số tiền thuế được hoàn gây thiệt hại đến ngân sách Nhà nước,

+ Chủ thể:

Người thực hiện có năng lực TNHS, đạt độ tuổi nhất định và cố ý thực hiện hành vi không nộp thuế cho Nhà nước. Cụ thể, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Điều 200 BLHS đạt độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS đối với hình phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 200 BLHS. Tội phạm này là tội phạm nghiêm trọng nên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu TNHS về tội phạm này trong bất cứ trường hợp nào, vì cả hai khoản của Điều 200 không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng

Đối với pháp nhân thương mại thì sẽ phải chịu TNHS theo khoản 5 Điều 200 BLHS. Chủ thể của tội Trốn thuế sẽ là những người thuộc diện phải nộp thuế theo từng loại thuế phải nộp. Ví dụ: Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế giá trị giá tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu). Ngoài ra chủ thể của tội phạm này còn là các cá nhân, tổ chức còn nộp các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế sử dụng đất; thuế xuất nhập khẩu; thuế tài nguyên; thuế bảo vệ môi trường.

Khi xác định chủ thể của tội Trốn thuế cần lưu ý nếu trốn thuế xuất nhập khẩu nhằm buôn bán hàng hoá qua biên giới thì có thể định tội danh ở những tội như Tội buôn lậu (Điều 188) hay Tội vận chuyển trái pháp hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 189) khi thoả mãn các điều kiện dấu hiệu khách quan của từng tội đó.

Như vậy nếu nhà xe có các dấu hiệu tội phạm được mô tả như trên và có các căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về hành vi trốn thuế thì sẽ bị khởi tố ngay về Tội trốn thuế.

3. Khởi tố hình sự ngay nhà xe khách vì hành vi trốn thuế có bị thu hồi giấy phép hoạt động vận tải không?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CPquy định đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn một trong các trường hợp sau đây:

- Cung cấp bản sao không đúng với bản chính hoặc thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kuinh doanh

- Không kinh doanh vận tải trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 6 tháng liên tục

- Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải

- Sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu

Kết hợp với Điểm d, khoản 5 Điều 200 BLHS quy định phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Cụ thể, Điều 79 có quy định như sau, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Như vậy, nếu nhà xe bị khởi tố hình sự ngay về hành vi trốn thuế và vi phạm quy định tại Điều 79 BLHS 2015 thì sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động vận tải.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!