Quy định về thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù?

Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải được gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân nào? Trình tự thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện ra sao? Dưới đây là những phân tích cụ thể:

Thưa luật sư, tôi là Hoàng, công chức Nhà nước. Hiện nay tôi đang tìm hiểu một số quy định của pháp luật về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Luật sư cho tôi hỏi việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện như thế nào? được quy định cụ thể tại văn bản nào? Xin cảm ơn Luật sư rất nhiều!!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.868644

Trả lời:

Cơ sở pháp lý căn cứ quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 và Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT có thể phân tích cụ thể như sau:

1. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù là gì?

Tạm đình chỉ hình phạt tù là việc người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù trong một số trường hợp nhất định.

Chế định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đặt ra cơ sở pháp lí cho người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù có thể được tạm đình chỉ chấp hành khi có những lí do đặc biệt về bản thân, về hoàn cảnh gia đình cũng như về nhu cầu của công vụ.

2. Các trường hợp tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù?

Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật hình sự 2015, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Bao gồm các trường hợp sau:

– Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;

– Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;

– Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

– Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.

3. Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù?

Căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật thi hành án 2019, thủ tục đề nghị tạm hoãn thi hành án phạt tù được thực hiện như sau:

Bước 1: Lập hồ sơ đề nghị tạm hoãn chấp hành án phạt tù

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Các cơ quan này bao gồm:

– Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

– Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT thì thẩm quyền của từng cơ quan như sau:

- Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam đó.

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện do Công an cấp tỉnh quản lý.

- Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc quân khu quản lý.

- Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.

Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù:

Theo quy định tại Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân gồm có:

1. Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.

2. Bản sao Quyết định thi hành án phạt tù.

3. Văn bản đề nghị của Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo Phiếu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Phiếu đề nghị làm theo mẫu do Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng ban hành).

4. Văn bản đồng ý của cơ quan thẩm định có thẩm quyền.

5. Văn bản đề nghị của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng và văn bản đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đối với những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư liên tịch này).

6. Đơn của gia đình phạm nhân đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đó, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (nếu gia đình phạm nhân không còn ai đủ khả năng làm đơn đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân).

7. Đối với phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi phải có kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc phạm nhân có thai hoặc bản sao Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con phạm nhân, xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân đang chấp hành án về việc họ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

8. Đối với phạm nhân bị bệnh nặng phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao Bệnh án, kết luận của Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên về tình trạng sức khỏe của người đó. Riêng phạm nhân bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS phải có kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao Bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Cơ quan y tế và bệnh viện các cấp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

9. Đối với phạm nhân được đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do là lao động duy nhất trong gia đình phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án thường trú về việc người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt.

10. Đối với trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do nhu cầu công vụ phải có văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương hoặc đơn vị quân đội có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó.

11. Văn bản đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Viện kiểm sát (trong trường hợp do Viện kiểm sát đề nghị)

Bước 2: Xem xét hồ sơ, ra quyết định

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phải xem xét, quyết định.

Trường hợp không đồng ý tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan đề nghị tạm đình chỉ, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.

Theo quy định tại Điều 373 và điều 400 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Việc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm do người đã kháng nghị quyết định; đó là:

Thứ nhất: Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Thứ hai, Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm gồm:

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

- Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

4. Thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Luật thi hành án hình sự 2019, cơ quan có thẩm quyền thi hành quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo các bước dưới đây:

Bước 1: Gửi quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù

Ngay sau khi ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây:

– Người được tạm đình chỉ và người đại diện trong trường hợp người được tạm đình chỉ là người dưới 18 tuổi;

– Cơ quan đề nghị tạm đình chỉ, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tạm đình chỉ đang chấp hành án;

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tạm đình chỉ về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó;

– Viện kiểm sát cùng cấp;

– Tòa án đã ra quyết định thi hành án;

– Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ có trụ sở;

– Bộ Ngoại giao trong trường hợp người được tạm đình chỉ là người nước ngoài.

Bước 2: Tiếp nhận người được tạm đình chỉ

Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang quản lý người được tạm đình chỉ tổ chức giao người được tạm đình chỉ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó.

Thân nhân của người được tạm đình chỉ có trách nhiệm tiếp nhận người được tạm đình chỉ.

Bước 3: Lập hồ sơ thi hành quyết định, hồ sơ quản lý người được tạm đình chỉ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được tạm đình chỉ về cư trú có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành quyết định tạm đình chỉ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận bàn giao người được tạm đình chỉ hoặc biên bản giao người được tạm đình chỉ, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tạm đình chỉ về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý người được tạm đình chỉ.

Bước 4: Quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành án

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ có trách nhiệm theo dõi, giám sát người được tạm đình chỉ, xem xét, giải quyết cho người đó được đi khỏi nơi cư trú, nơi làm việc; triệu tập người được tạm đình chỉ để yêu cầu báo cáo việc chấp hành pháp luật trong thời gian tạm đình chỉ.

Hằng tháng phải báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu về việc quản lý người được tạm đình chỉ.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.