1. Khái quát về giải quyết tranh chấp lao động và Hội đồng trọng tài lao động?
1.1 Hội đồng trọng tài lao động
Căn cứ vào Điều 101 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Hội đồng lao động và các thành viên trong Hội đồng lao động như sau:
+/ Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm:
- Giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các Điều 189 Bộ luật Lao động 2019, Điều 193 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 197 Bộ luật Lao động 2019;
- Giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở nơi sử dụng lao động không được đình công theo quy định tại Mục 3 Chương XI Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Giải quyết tranh chấp lao động khác theo quy định của pháp luật;
- Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;
- Định kỳ hằng năm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh kết quả hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.
+/ Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm
- Ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động sau khi lấy ý kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và tổ chức đại diện người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh;
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các trọng tài viên lao động và điều hành các hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;
- Quyết định thành lập Ban trọng tài lao động; tham gia và thực hiện nhiệm vụ của Ban trọng tài lao động theo quy định tại Điều 102 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Hằng năm, chủ trì họp Hội đồng trọng tài lao động để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng trọng tài viên lao động theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+/ Thư ký Hội đồng trọng tài lao động có trách nhiệm:
- Làm nhiệm vụ thường trực, thực hiện các công việc hành chính, tổ chức, hậu cần bảo đảm các hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động;
- Giúp Hội đồng trọng tài lao động lập kế hoạch công tác, tổ chức các cuộc họp giải quyết tranh chấp lao động của Ban trọng tài lao động;
- Tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, tham mưu, đề xuất cho Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động lựa chọn và thành lập Ban trọng tài lao động;
- Tham gia và thực hiện nhiệm vụ của Ban trọng tài lao động theo quy định tại Điều 102 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Phân loại, lưu trữ hồ sơ giải quyết tranh chấp lao động theo quy định;
- Thực hiện các công việc khác theo phân công của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động và quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động.
+/ Trọng tài viên lao động có trách nhiệm:
- Tham gia và thực hiện nhiệm vụ của Ban trọng tài lao động theo quy định tại Điều 102 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động và phân công của Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động.
=> Như vậy, trọng tài viên lao động phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện. Trong đó, trọng tài viên lao động phải có trình độ đại học trở lên, hiểu biết pháp luật và có ít nhất 05 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động.
1.2 Giải quyết tranh chấp lao động
Căn cứ khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật lao động 2019, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
- Hòa giải viên lao động.
- Hội đồng trọng tài lao động.
- Tòa án nhân dân.
3. Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
Theo quy định tại Điều 189 Bộ luật lao động 2019
- Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp có quyền lựa chọn. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại mục (4).
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
- Trường hợp hết thời hạn quy định ở mục (2) mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định ở mục (3) mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. (4)
- Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
4. Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền không?
Căn cứ theo Điều 191 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì thấy hội đồng trọng tài thuộc một trong ba cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền. Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
5. Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của hội đồng trọng tài như thế nào?
Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của hội đồng trọng tài như sau:
Bước 1: Thành lập ban trọng tài
Bước 2: Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Nếu phát hiện:
- Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;
- Có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.
Thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.
6. Thời hiệu yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 194 Bộ luật Lao động 2019 thì thời hiệu yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng.
7. Một số kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động trong doanh nghiệp
- Tiếp cận với tâm thế hòa giải: Thông thường một tranh chấp lao động phát sinh đến từ ba nguyên nhân chính, bao gồm: Sự thiếu sót trong tuân thủ pháp luật; khi quyền và lợi ích vật chất bị ảnh hưởng; vấn đề quan hệ cá nhân giữa các bên không còn tốt đẹp. Trong các yếu tố này, vấn đề quan hệ cá nhân là nguyên nhân chiếm đến hơn 85% trong các tranh chấp lao động. Rất khó để một trong các bên thừa nhận và công khai xin lỗi bên còn lại vì cả lý do hiểu biết pháp luật và lòng tự trọng lẫn vị thế cá nhân.
Do vậy, khi người làm hòa giải tiếp cận vụ việc cần dành thời gian để lắng nghe đại diện các bên chia sẻ một cách kiên nhẫn và thấu cảm. Theo kinh nghiệm cá nhân của tác giả, việc đặt các câu hỏi từ dễ đến khó, từ ngoài vào trong; từ quá khứ đến hiện tại sẽ giúp các bên giảm bớt các áp lực về đúng sai và nhẹ nhàng nhìn lại toàn bộ diễn biến vụ việc một cách bình tĩnh hơn.
Sau tất cả, việc của người hòa giải bây giờ là động viên và thuyết phục các bên tập trung vào tương lai để giải quyết một thực tế là xung đột đang diễn ra và việc kéo dài nó sẽ khiến tinh thần và sức lực của các bên đều bị ảnh hưởng. Đồng thời, việc tập trung vào đúng sai và kéo dài vụ việc có thể khiến, các bên gánh chịu thêm các tổn thất về tài chính.
- Xử lý các vấn đề leo thang căng thẳng trong quan hệ lao động
- Kỹ năng xây dựng mối quan hệ và lòng tin của các bên
- Xây dựng phương án hòa giải
- Công tác chuẩn bị cho buổi hòa giải: Để buổi hòa giải được diễn ra thuận lợi và có hiệu quả, người hòa giải cần chuẩn bị các vấn đề sau:
+/ Thông báo mời hòa giải với thời gian, địa điểm, thành phần tham gia rõ ràng;
+/ Chuẩn bị dự thảo văn bản phục vụ cho việc hòa giải như: thỏa thuận chấm dứt; biên bản thanh lý; thỏa thuận giải quyết; biên bản làm việc,…;
+/ Cần trao đổi một số nguyên tắc để các bên thống nhất như buổi hòa giải sẽ tập trung vào tìm kiếm giải pháp để giải quyết vụ việc không tập trung vào các tranh luận pháp lý hay phân tích nguyên nhân xảy ra tranh chấp và lỗi lầm của ai.
- Người hòa giải cũng cần tìm hiểu và nắm bắt các khía cạnh về pháp luật lao động và thuế để xử lý các nút thắt do các bên không thực sự cảm thấy an tâm như nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, mức thuế phải nộp, quyết toán thuế, cũng như các khoản được miễn thuế thu nhập cá nhân…
- Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự sẵn sàng của các bên khi ký vào văn bản khép lại tranh chấp là lòng tin của mỗi bên khi thực hiện thỏa thuận. Cụ thể, trong một số trường hợp người lao động không đồng ý ký văn bản trước khi họ nhận được khoản bồi thường. Do vậy, nếu công ty có thể thu xếp được tiền mặt để sẵn sàng thanh toán cho người lao động tại thời điểm ký kết thỏa thuận. Trong một số trường hợp, do chính sách thanh toán của doanh nghiệp mất nhiều thời gian phê duyệt và làm tạm ứng, người hòa giải có thể đưa vào thỏa thuận nội dung “thỏa thuận này chỉ phát sinh hiệu lực trong trường hợp người lao động nhận được khoản thanh toán”. Cùng với uy tín và sự giám sát của người hòa giải, người lao động tin tưởng và có thể đi đến thống nhất phương án thực hiện thỏa thuận hòa giải.
- Thực hiện việc hòa giải tranh chấp lao động: Người hòa giải cần nhanh chóng tổ chức buổi hòa giải khi nhận thấy thời điểm hòa giải đã chín muồi. Người hòa giải cần thể hiện sự trung lập trong suốt quá trình hòa giải, tránh để một trong các bên hiểu nhầm về sự thiên vị cho một bên. Người hòa giải giải thích vai trò của mình là hỗ trợ và thúc đẩy các bên tìm giải pháp và không có quyền quyết định hay đưa ra phán quyết về phương án giải quyết. Kết quả đạt được trong việc hòa giải sẽ phụ thuộc vào nỗ lực và thiện trí của các bên. Người hòa giải cần thông báo và giải thích cho các bên nắm được quy trình hòa giải sẽ diễn ra như thế nào để họ tự tin tham gia. Người hòa giải cũng cần phổ biến một số nguyên tắc căn bản của hòa giải như: Nuyên tắc không thương hại; nguyên tắc thẩm quyền tham gia; nguyên tắc bảo mật; nguyên tắc không ràng buộc các bên cho đến khi ký biên bản thỏa thuận,…
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Hòa Nhựt, trường hợp còn gì vướng mắc cần hỗ trợ vui lòng liên hệ tổng đài 1900.868644 hoặc gửi qua email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!