Thừa kế và giải quyết xung đột về thừa kế trong tư pháp quốc tế

Thừa kế là một trong các chế định quan trọng của Bộ luật Dân sự. Thừa kế có yếu tố nước ngoài cũng là đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. Vậy vấn đề giải quyết khi xảy ra xung đột pháp luật về thừa kế sẽ được tư pháp quốc tế giải quyết thế nào ?

1. Khái niệm về thừa kế theo quy định pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.

Thừa kế theo di chúc được quy định tại chương XXII của Bộ luật dân sự năm 2015 là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. 

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Theo quy định tại Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 2015 về phân chia di sản theo di chúc được thực hiện như sau:

Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

Về nguyên tắc, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo ý chí của người để lại di chúc. Tuy nhiên, những trường hợp được quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 lại được hưởng di sản thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc - tức là không phụ thuộc vào việc di chúc có nhắc đến họ hay không. Cụ thể

 Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này..

Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được quy định tại chương XXIII của Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể, các trường hợp sau đây sẽ thực hiện phân chia di sản thừa kế theo pháp luật:

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật căn cứ theo thứ tự hàng thừa kế theo nguyên tắc: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

- Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm những người sau: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Khái niệm về thừa kế trong tư pháp quốc tế

Trong tư pháp quốc tế, khái niệm thừa kế cũng được hiểu với nghĩa tương tự quy định pháp luật Dân sự (vì đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế cũng là các quan hệ dân sự) tuy nhiên, điểm khác là quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế là quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài. Trong khoa học TPQT, một quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài khi có một trong các dấu hiệu sau

- Chủ thể có yếu tố nước ngoài: Người để lại thừa kế và người thừa kế mang quốc tịch khác nhau hoặc một bên mang quốc tịch của một nước này và bên kia là người quốc tịch.

- Di sản thừa kế đang ở nước ngoài.

- Sự kiện pháp lý làm phát sinh thay đổi, chấm dứt quan hệ thừa kế xảy ra ở nước ngoài: một công dân Việt Nam sống và chết ở nước ngoài, khi chết còn một số tài sản trong nước. Quan hệ thừa kế giữa người thân (vợ, con) của người đó đối với tài sản trên phát sinh dựa trên cơ sở pháp lý là cái chết của công dân Việt Nam ở nước ngoài.

3. Xung đột pháp luật về thừa kế là gì?

Tương tự khái niệm chung về xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế, xung đột pháp luật về thừa kế trong tư pháp quốc tế là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ thừa kế mà nếu áp dụng một trong các hệ thống pháp luật thể sẽ xảy ra các kết quả không giống nhau.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật:

Hiện tượng xung đột pháp luật về thừa kế nói trên có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

- Trên thực tế, mỗi nước có điều kiện cơ sở hạ tầng khác nhau, bởi vậy pháp luật của các nước được xây dựng trên các nền tảng đó cũng có sự khác nhau.

- Các điều kiện khác nhau về chính trị, kinh tế – xã hội phong tục tập quán, truyền thống lịch sử thậm chí là sự khác nhau về đặc điểm thể chất, tâm lý của công dân cũng dẫn đến sự khác nhau trong các quy định pháp luật cùng điều chỉnh một vấn đề.

4. Giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo quy định pháp luật Việt Nam

Thừa kế có yếu tố nước ngoài cũng được sếp vào nhóm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Quan hệ này đã xuất hiện từ lâu và được xem như là một hiện tượng tất yếu khách quan của giao lưu dân sự quốc tế và đồng thời các quốc gia cũng phải thừa nhận về tình trạng có thể xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật giữa các nước trong việc điều chỉnh vấn đề này. Nguyên tắc giải quyết tình trạng xung đột pháp luật trong quan hệ thừa kế theo pháp luật Việt Nam dựa trên hại hệ thuộc luật chính là Luật nơi có tài sản và Luật quốc tích. Cụ thể, Điều 680 và Điều 681 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 680. Thừa kế

1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Điều 681. Di chúc

1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.

2. Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:

a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.

Như vậy, về cơ bản thì nhà nước Việt Nam đảm bảo quyền thừa kế và bình đẳng về quyền thừa kế mọi cá nhân (kể cả nước ngoài) đều có quyền thừa kế và để lại di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật, thậm chí còn quy định các các trường hợp dù di chúc được lập theo pháp luật nước ngoài những vẫn được công nhân tại Việt Nam. Theo các quy định trên, phương án giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo pháp luật Việt Nam được quy định như sau:

Thứ nhất, khi thừa kế theo pháp luật

- Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người thừa kế có quốc tịch trước khi chết. Như vậy, theo quy định trên thì di sản thừa kế là động sản pháp luật Việt Nam đã áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch của người để lại di sản để giải quyết. 

- Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó - Hệ thuộc luật nơi có vật.

Thứ hai, khi thừa kế theo di chúc

- Năng lực lập, thay đổi, huỷ bỏ di chúc và hình thức di chúc tuân theo quy định pháp luật nước người lập di chúc có quốc tịch - áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch.

- Quyền đối với động sản áp dụng theo pháp luật nước người lập di chúc có quốc tích còn quyền đối với bất động sản thì phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

5. Giải quyết xung đột pháp luật theo các Điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết, tham gia

Tính cho tới thời điểm hiện nay, Việt Nam đã kí kết với nhiều nước hiệp định tương trợ tư pháp về Dân sự, Hình sự, Hôn nhân - Gia đình với nhiều nước trên thế giới như: Đức, Nga, Séc, Cu ba, Hungari, Ba Lan,...

Nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết các xung đột pháp luật về thừa kế được ghi nhận trong các HĐ này là nguyên tắc bình đẳng giữa công dân các bên trong quan hệ thừa kế. Theo đó, công dân nước kí kết này bình đẳng với công dân nước kí kết kia trong việc lập, hủy bỏ di chúc đối với tài sản đang có và các quyền cần thực hiện ở nước kí kết kia cũng như về khả năng nhận tài sản hoặc các quyền theo cùng những điều kiện mà nhà nước kí kết kia dành cho công dân nước mình.

Ví dụ: Điều 45 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam  – Đức, Điều 25 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Nga; Điều 25 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Séc, Điều 34 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Cuba; Điều 43 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Bungari và Điều 45 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam và Hungari quyền thừa kế được xác định như sau:

- Đối với động sản, quyền thừa kế động sản được xác định theo pháp luật nước mà người để lại tài sản thừa kế là công dân khi chết.

- Đối với bất động sản, quyền thừa kế bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản.

- Việc phân biệt động sản và bất động sản các hiệp định này ghi nhận nguyên tắc: pháp luật luật các nước nơi có tài sản thừa kế là pháp luật được áp dụng.

Về thừa kế theo di chúc:

Về hình thức, di chúc của công dân một nước kí kết được cơi là có giá trị về mặt hình thức nếu nó phù hợp với:

- Pháp luật của nước kí kết mà người để lại di chúc là công dân vào thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm người ấy chết;

- Pháp luật của nước kí kết nơi lập di chúc.

Tương tự, việc hủy bỏ di chúc cũng áp dụng tương tự việc thừa nhận hình thức di chúc.

Về năng lực lập và hủy bỏ di chúc: Trong các hiệp định mà các nước đã ký kết áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch, cụ thể là năng lực lập hoặc hủy bỏ di chúc và hậu quả pháp lý của những thiếu sót về sự thể hiện ý chí của người để lại di chúc được xác định theo pháp luật của nước kí kết mà người để lại di chúc là công dân khi lập hoặc hủy bỏ di chúc.

Lưu ý: Đối với người có hai quốc tịch thì giải quyết xung đột pháp luật thế nào?

- Căn cứ vào các Điều ước quốc tế, Hiệp định tương trợ để tìm quy phạm xung đột giải quyết.

- Trường hợp không có ĐƯQT, HĐTT, dựa vào nguyên tắc quốc tịch hữu hiệu tức là người có hai quốc tịch của hai nước sẽ chỉ được coi là có quốc tịch của nước mà họ thực chất gắn bó nhất nếu trong một thời gian nhất định họ không lựa chọn cho mình quốc tịch của một trong hai nước.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.