1. Sử dụng thẻ căn cước công dân có tiện ích gì?
Thẻ Căn cước công dân gắn chip bao gồm những tiện ích sau:
- Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân khi ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Với số định danh cá nhân này, cơ quan quản lý có thể tìm kiếm được đầy đủ thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: Ảnh chân dung, số thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính; quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; nhóm máu; nghề nghiệp; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm cấp thẻ… Khi công dân xuất trình Căn cước công dân thì cơ quan chức năng không được đòi hỏi giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu vì ngày, tháng, năm sinh, nơi thường trú của công dân đều được thể hiện đầy đủ trên Căn cước công dân.
- So với Căn cước công dân dùng mã vạch, chứng minh nhân dân 9 số và 12 số, Căn cước công dân gắn chip có nhiều ưu điểm về độ bảo mật cao hơn. Thẻ Căn cước công dân gắn chip có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được tích hợp các dữ liệu cần thiết vào thẻ Căn cước công dân (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác), tạo thuận lợi và tiện tích cho người sử dụng.
Qua việc cấp thẻ Căn cước công dân, Nhà nước sẽ xây dựng được kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân (giấy khai sinh, hộ khẩu…), đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng.
Do đó, thẻ Căn cước công dân sẽ giúp công dân thực hiện hầu hết các giao dịch, các thủ tục hành chính (không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí), có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh an toàn thông tin. Chip không có chức năng định vị, theo dõi công dân.
- Đối với trường hợp công dân chưa có điều kiện, thời gian đi làm Căn cước công dân gắn chip, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân mã vạch đã được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân có hiệu lực (ngày 01/01/2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân mã vạch thì vẫn nguyên hiệu lực pháp luật
- Khi người dân làm thủ tục cấp, đổi Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc Chứng minh nhân dân cũ và trả cho người dân giữ. Thời gian để làm tất cả các công đoạn này chỉ dao động từ 05-10 phút. Đối với các trường hợp làm thẻ Căn cước công dân là người già, người tàn tật, thương binh sẽ được ưu tiên tiếp nhận hồ sơ và làm thẻ trước. Việc trả thẻ Căn cước công dân sẽ hoàn thành trong 07 ngày (cấp mới, cấp đổi), 15 ngày (cấp lại) tại thành phố, thị xã và không quá 15 ngày đối với tất cả các trường hợp tại các khu vực còn lại. Khi gặp khó khăn trong việc công chứng, hay giao dịch ngân hàng, bảo hiểm... người dân có thể xuất trình Chứng minh nhân dân đã bị cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết như bình thường.
2. Thời gian làm thẻ CCCD là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014 quy định thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, Điều này quy định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:
- Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi và không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
- Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
Ngoài ra theo quy định tại Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014 cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện cấp căn cước công dân, bao gồm:
- Cản trở thực hiện các quy định của pháp luật về Căn cước công dân;
- Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật;
- Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;
- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân...
3. Công an nhận tiền làm nhanh thẻ CCCD có bị xử phạt không?
Hành vi công an nhận tiền làm nhanh căn cước công dân là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Công an thông thường chỉ đóng vai trò trong việc tiếp nhận thông tin và tạo lập hồ sơ ban đầu từ phía người dân, tuy nhiên bản thân người công an lại không phải là người có thẩm quyền trong việc trực tiếp ký xét duyệt hồ sơ để cấp nhanh căn cước cho người dân.
Tùy từng đối tượng, hành vi, động cơ, mục đích cụ thể,…mà công an có hành vi nhận tiền làm nhanh thẻ CCCD có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội nêu trên. Hình phạt đối với công an có hành vi nhận tiền làm nhanh thẻ CCCD như sau:
- Nếu số tiền nhận làm nhanh căn cước công dân dưới 02 triệu đồng: Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 - 03 triệu đồng.
- Nếu số tiền nhận làm nhanh căn cước công dân trên 02 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng thoả các điều kiện luật định:
Công an nhận tiền làm nhanh thẻ CCCD là người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu; Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân (những người này không phải là người có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân) thì tùy từng hành vi, động cơ, mục đích cụ thể,…mà có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội sau:
+ Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
+ Tội đưa hối lộ.
+ Tội môi giới hối lộ.
Công an nhận tiền làm nhanh thẻ CCCD là người có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an) thì tùy từng hành vi, động cơ, mục đích cụ thể,…mà có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội sau:
+ Tội nhận hối lộ.
+ Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Ngoài việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội trên thì công an nhận tiền làm nhanh thẻ CCCD sẽ bị xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Công an nhận tiền làm nhanh thẻ CCCD có bị xử phạt không? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: luathoanhut.vn@gmail.com để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!