Hướng dẫn xử phạt hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp

Hướng dẫn quy định xử phạt hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp theo Công văn 3349/TCT-PC ngày 14/8/2020 về xử phạt hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định sẽ được đề cập trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định việc sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là được coi là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:

- Hóa đơn, chứng từ giả;

- Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;

- Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

- Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

- Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

- Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

2. Hướng dẫn quy định xử phạt hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp

Căn cứ theo quy định tại Công văn 3349/TCT-PC ngày 14/8/2020 quy định về xử phạt hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định, trong đó có hướng dẫn quy định xử phạt VPHC về sử dụng hóa đơn không hợp pháp như sau:

Theo khoản 1, khoản 4 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như sau:

- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

- Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới."

Theo khoản 2 Điều 136 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:

- Vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn xảy ra trước thời điểm 01/7/2020 dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế được phát hiện, xử lý từ ngày 01/7/2020 thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 10/2014/TT-BTC (đã hết hiệu lực).

3. Rủi ro pháp lý khi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Doanh nghiệp khi lập và cấp hóa đơn phải đảm bảo tính hợp pháp và đúng quy định. Hóa đơn không hợp pháp, như hóa đơn giả mạo, không được công nhận để ghi nhận chi phí, thu nhập và thanh toán thuế. Vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Mọi giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ đều phải được phát hành hóa đơn, không phụ thuộc vào giá trị giao dịch. Pháp luật đã quy định rõ việc bán hàng mà không cung cấp hóa đơn là vi phạm pháp luật. Ngay cả trong những trường hợp sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích khuyến mãi, quảng cáo, hoặc tặng, trao đổi, cho mượn, hoàn trả thay lương, cũng phải có hóa đơn.

Tuy nhiên, thực tế gần đây, khi mua hàng với giá từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng, nhiều khi không nhận được hóa đơn. Người bán thường thông báo rằng họ không cung cấp hóa đơn mà nếu muốn có, người mua cần phải trả thêm 10% giá trị sản phẩm. Điều này dẫn đến việc người bán không khai thuế GTGT cho giao dịch này.

Tất cả các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp, khi tiếp nhận và sử dụng hóa đơn cũng phải tuân thủ quy định và chịu trách nhiệm pháp lý tương tự như việc lập hóa đơn. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và sử dụng hóa đơn đôi khi gặp khó khăn trong việc tránh rủi ro pháp lý, đặc biệt khi vô tình tiếp nhận hóa đơn không hợp pháp. Thậm chí, sau khi kiểm tra trên trang web “Tra cứu thông tin hóa đơn” của Tổng cục Thuế tại địa chỉ https://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/main.html, nếu thông tin về rủi ro pháp lý chưa được cập nhật lý do nào đó, rủi ro vẫn có thể tồn tại.

Nếu doanh nghiệp cố ý vi phạm trong việc sử dụng các hóa đơn giả, hóa đơn không đúng thực tế, hóa đơn được sử dụng để lừa đảo hay tham gia vào các hoạt động gian lận khác, họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Rất nhiều trường hợp rất khó xác định liệu việc sử dụng hóa đơn nhận được khi mua hàng hóa, dịch vụ có pháp lý hay không. Ví dụ, ngày lập trên hóa đơn có thể không phản ánh đúng thực tế do cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Trong những tình huống như vậy, người mua hàng hóa, dịch vụ thường không thể biết ngay tại thời điểm tiếp nhận hóa đơn.

Hoặc có trường hợp, vào thời điểm mua bán và giao nhận hóa đơn, doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ hoạt động bình thường, và tất cả thông tin trên hóa đơn là hợp pháp. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan thuế hoặc cơ quan công an có thể kết luận rằng hóa đơn đó không hợp pháp. Trong những tình huống như vậy, doanh nghiệp mua hàng và tiếp nhận sử dụng hóa đơn không thể tránh khỏi rủi ro pháp lý mà họ không có khả năng dự đoán trước.

4. Mức phạt hành chính đối với hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp quy định tại mục 1 sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trừ các trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

Lưu ý: Ngoài hình thức phạt tiền, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung buộc hủy hóa đơn, chứng từ đã sử dụng

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Hướng dẫn xử phạt hành chính về sử dụng hóa đơn không hợp pháp mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

 Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: luathoanhut.vn@gmail.com để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!