1. Cơ quan thực hiện cấp CCCD gắn chip ?
Thẻ căn cước công dân gắn chip là một loại giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam, đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Nó có giá trị chứng minh về nhân thân và cho phép người dùng tiếp cận nhiều dịch vụ đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau. Theo Bộ Công an, thẻ căn cước công dân gắn chip về cơ bản cũng giống như thẻ căn cước công dân mã vạch. Nhưng trên thẻ không có các dòng trạng thái thể hiện mã vạch, mà nó sẽ thay thế bằng chip điện tử dung lượng lớn. Thẻ căn cước công dân gắn chip lưu trữ những đặc điểm nhận dạng bằng hình ảnh, vân tay và sinh trắc học.
Theo Luật Căn cước công dân năm 2014 thì thời hạn sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip được quy định như sau: Thẻ căn cước công dân phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 59/2021/TT-BCA thì công dân có thể làm căn cước công dân gắn chip theo một trong hai phương thức sau:
Phương thức 1: Làm trực tiếp tại cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân là cơ quan Công an nơi công dân đang cư trú (bao gồm cả nơi đăng ký thường trú và nơi đăng ký tạm trú). Trong đó, có thể kể đến như:
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh;
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an với những trường hợp cần thiết do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.
Tuy nhiên, để thuận tiện di chuyển và tiếp nhận thẻ thì công dân nên đến Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện hoặc các điểm lưu động (nếu có). Trường hợp người làm thẻ là người già yếu, bệnh tật, ốm đau không thể tự đi làm thì có thể làm đơn đề nghị cơ quan cấp thẻ căn cước công dân tổ chức cấp thẻ căn cước công dân tại chỗ ở.
Phương thức 2: Công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Công an để hẹn lịch trước
Trong phương thức này, công dân được quyền lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ căn cước công dân; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân của cơ quan Công an nơi công dân đề nghị cấp.
Đối với trường hợp công dân chưa có hoặc có sai sót về thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân cần phải mang theo giấy tờ hợp pháp đề chứng minh nội dung thông tin khi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
2. Các bước làm CCCD gắn chip tại nơi đăng ký tạm trú
Căn cứ vào khoản 2 Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA thì công dân đến cơ quan công an có thẩm quyền nơi tạm trú hoặc nơi thường trú để yêu cầu cấp thẻ căn cước công dân. Cán bộ công an sẽ tiến hành các bước sau:
- Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng.
- Thu nhận vân tay.
- Chụp ảnh chân dung.
- In phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên.
- Thu lệ phí và cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết…
Như vậy, công dân sẽ không còn phải điền tờ khai giấy như trước đây nữa, nếu cần thì cán bộ tiếp nhận sẽ tìm kiếm thông tin, thu thập vân tay, chụp ảnh… và in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân gắn chip để công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ
Bên cạnh đó, theo Điều 11 Thông tư 60/2021/TT-BCA thì thời hạn xử lý hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân tối đa là tromg 08 ngày làm việc, cụ thể được xác định như sau:
- Đối với hồ sơ do Công an cấp huyện hoặc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tiếp nhận, phải hoàn thành việc xử lý và chuyển dữ liệu điện tử lên Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời hạn là 02 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ.
- Tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thì:
+ Đối với dữ liệu điện tử do đơn vị tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển lên: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ dữ liệu điện tử, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phải hoàn thành việc xử lý, phê duyệt, in hoàn chỉnh thẻ Căn cước công dân;
+ Đối với hồ sơ do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp nhận: Trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ phải hoàn thành việc xử lý, phê duyệt, in hoàn chỉnh thẻ Căn cước công dân;
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi in hoàn chỉnh thẻ Căn cước công dân, phải chuyển phát thẻ Căn cước công dân về đến nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
3. Làm CCCD gắn chip tại nhà được không?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 60/2021/TT-BCA thì việc tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân được xác định như sau: Công sẽ phải đến địa điểm làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Theo đó, công dân hoàn toàn có thể đăng ký thời gian, địa điểm làm căn cước công dân trước tại nhà thông qua trang web của Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Công an.
Sau khi đăng ký online tại nhà về thời gian, địa điểm làm thẻ căn cước công dân rồi thì công dân vẫn phải đến trực tiếp cơ quan công an đã đăng ký để làm các thủ tục như: thu nhận thông tin, lấy dấu vân tay, chụp ảnh chân dung, nộp lệ phí (nếu có), ...
Như vậy, công dân dân không thể tự làm thẻ căn cước công dân gắn chip tại nhà được, chỉ có thể đăng ký thời gian và địa điểm làm thẻ căn cước công dân tại nhà qua hình thức online.
4. Làm thẻ CCCD gắn chip có phải nộp lại thẻ CCCD cũ không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA thì cán bộ Công an sẽ thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân thường khi công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân thường sang thẻ Căn cước công dân gắn chip.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi làm thẻ căn cước công dân gắn chip mới vẫn có không ít người dân vẫn còn giữ chứng minh nhân dân, căn cước công dân cũ do khai báo mất, không giao nộp hoặc cán bộ làm thủ tục chưa thu lại… Điều này khiến một số người đã làm Căn cước công dân gắn chip lại có cùng lúc hai loại giờ tờ chứng minh nhân thân, đó là Căn cước công dân gắn chip mới làm và chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân cũ. Thế nhưng, khi đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip rồi thì căn cước công dân cũ sẽ không còn hiệu lực pháp lý nữa.
Ngoài ra, quý khách có thể tham khảo thêm về một số bài viết có liên quan của Luật Hòa Nhựt:
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.868644 hoặc gửi email trực tiếp tại: luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Ngoài ra, khách hành cũng có thể liên hệ trực tiếp với các luật sư của Luật Hòa Nhựt để được giải đáp các vấn đề liên quan. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Hòa Nhựt