Lao động nước ngoài có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Lao động nước ngoài có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc tại Việt Nam hay không? Câu trả lời sẽ có trong nội dung bài viết của Luật Hòa Nhựt dưới đây.

1. Các hình thức làm việc của người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 2 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam (gọi tắt là người lao động nước ngoài) theo các hình thức sau đây:

- Thực hiện hợp đồng lao động;

- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;

- Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;

- Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;

- Chào bán dịch vụ;

- Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;

- Tình nguyện viên;

- Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;

- Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;

- Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;

- Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Lao động nước ngoài có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013 giải thích thuật ngữ “Người lao động” được sử dụng trong Luật Việc làm 2013, theo đó “Người lao động” được hiểu là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Do đó, thuật ngữ “người lao động” được quy định tại Luật Việc làm năm 2013 được hiểu là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

Căn cứ vào quy định trên, người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm 2013 nên người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Quy định về điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

+ Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

+ Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019.

- Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

- Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

4. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần với người lao động nước ngoài 

Căn cứ khoản 2 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về bảo hiểm xã hội một lần như sau:

- Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

+ Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động là người nước ngoài sẽ phụ thuộc vào số năm đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng bảo hiểm. Thời gian đóng bảo hiểm sẽ được chia thành 2 mốc như sau:

- Trước năm 2014: mức hưởng sẽ là 1,5 tháng mức lương bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

- Từ năm 2014 trở đi: mức hưởng sẽ là 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

- Đối với người lao động tham gia chưa đủ 1 năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

5. Một số điểm mới về sử dụng lao động nước ngoài

Nới yêu cầu đối với chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật nước ngoài:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP quy định chuyên gia chỉ cần tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành không chỉ là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà được quy định với phạm vi rộng hơn bao gồm:

- Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

- Người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất 01 lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Lao động kỹ thuật nước ngoài được đào tạo ít nhất 01 năm và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc dự kiến làm tại Việt Nam.

Rút ngắn thời hạn báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài:

Trước khi sử dụng lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải thực hiện thủ tục xác định nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đối với từng vị trí việc làm mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đó dự kiến làm việc.

Thời hạn đặt ra đối với thủ tục này là trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu về vị trí, chức danh, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm làm việc thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Lao động nước ngoài có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: luathoanhut.vn@gmail.com để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!