Quy định giờ làm việc của công an cập nhật mới nhất 2023

Công an nhân dân là một trong những ngành nghề đòi hỏi sự tận tâm, nhiệt huyết cũng như hi sinh cao cả của các cán bộ, chiến sĩ. Bởi lẽ, họ không chỉ phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự xã hội, mà còn phải đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp, phòng chống tội phạm, xử lý các vụ việc phức tạp. Vậy giờ làm việc của công an sẽ được quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Hòa Nhựt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Giờ làm việc của công an là gì?

Giờ làm việc là khái niệm chỉ thời gian làm việc chính thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong ngày và trong tuần. Đối với các cán bộ, chiến sĩ công tác trong ngành Công an nhân dân thì thời gian làm việc của họ tương tự như thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước, mà thông thường được gọi là giờ làm việc hành chính.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019 thì “thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần”. Tuy nhiên đây chỉ là quy định về giờ làm việc của người lao động nói chung, không phải giờ làm việc của các cơ quan nhà nước. Do đó, tùy thuộc vào tính chất công việc cũng như địa bàn hoạt động mà mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức sẽ có sự chênh lệch về khung giờ làm việc hành chính, nhưng đều cố gắng đảm bảo 08 giờ/ngày (không kể thời gian nghỉ trưa) và không thấp hơn 40 giờ/tuần.

Nói tóm lại, thì có thể hiểu giờ làm việc của công an là thời giờ làm việc bình thường (giờ làm việc hành chính) theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Quy định về giờ làm việc của công an

Như đã đề cập ở phần trên, giờ làm việc của cán bộ, chiến sĩ công an chính là giờ làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong nhà nước. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định chung về giờ làm việc hành chính nói chung, giờ làm việc của công an nói riêng nhưng thông thường nội dung này sẽ được áp dụng cụ thể như sau:

- Thời gian làm việc buổi sáng: Bắt đầu từ 08 giờ đến 12 giờ.

-  Thời gian làm việc buổi chiều: Bắt đầu từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30.

Trong đó, thời gian làm việc trong tuần là từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ ngày thứ Bảy và ngày Chủ nhật.

Mặt khác, tùy vào thuộc vào tính chất của đơn vị mà giờ hành chính ở các cơ quan công an có thể chênh lệch nhau từ 30 phút hoặc 01 giờ. Vì vậy, giờ làm việc hành chính của cơ quan công an cũng có thể như thời gian dưới đây:

- Thời gian làm việc buổi sáng: Bắt đầu từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút.

- Thời gian làm việc buổi chiều: Bắt đầu từ 13 giờ đến 17 giờ 30.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào quy định của mỗi địa phương mà cơ quan công an còn có thể làm việc đến sáng ngày thứ Bảy trong tuần. Và vì vậy, để nắm được thời gian làm việc chính xác của cơ quan công an tại địa phương thì chúng ta có thể đến trực tiếp hoặc liên hệ hỏi đáp thông qua số điện thoại thường trực của cơ quan, đơn vị đó.

Tuy nhiên, với đặc thù công việc đặc biệt của ngành công an, ngoài giờ làm việc hành chính (thông thường để tiếp công dân, giải quyết các công vụ thông thường), thì các cán bộ, chiến sĩ công an cũng không có thời gian làm việc cố định. Đặc biệt là trong trường hợp có nhiệm vụ đặc biệt hoặc khẩn cấp, các cán bộ, chiến sĩ công an có thể làm việc liên tục, không giới hạn thời gian. Đồng thời, các cán bộ, chiến sĩ cũng có thể làm việc cả vào các ngày nghỉ lễ, tết hoặc buổi tối, đêm. 

3. Chế độ phục vụ và nghỉ ngơi của công an

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Điều 9 Luật Công an nhân dân năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2023) thì sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân và công nhân công an có chế độ phục vụ cụ thể như sau:

- Sĩ quan Công an nhân dân phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp;

- Hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp hoặc chế độ nghĩa vụ; 

- Công nhân công an phục vụ theo chế độ tuyển dụng.

Ngoài ra, Luật Công an nhân dân năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2023) cũng quy định thêm rằng công dân thôi phục vụ trong Công an nhân dân sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong ngạch dự bị theo quy định của pháp luật.

Còn đối với chế độ nghỉ ngơi của công an, thì theo quy định tại Điều 40 Luật Công an nhân dân năm 2018 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2023), sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân công an hiện nay có chế độ nghỉ ngơi như sau:

- Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và công nhân công an đang công tác: Được nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành và quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Cụ thể theo quy định tại Mục 2 Bộ luật Lao động năm 2019 thì thời giờ nghỉ ngơi được tính như sau:

+ Đối với nghỉ trong giờ làm việc: Nếu làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.

Trường hợp làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

+ Đối với nghỉ chuyển ca: Nếu làm việc theo ca thì được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác.

+ Đối với nghỉ hàng tuần:

Mỗi tuần sẽ được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt nếu không thể nghỉ hằng tuần thì sẽ được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp.

+ Đối với nghỉ lễ, tết: Được nghỉ làm việc (trừ một số trường hợp đặc biệt), hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

(i) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

(ii) Tết Âm lịch: 05 ngày;

(iii) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

(iv) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

(v) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

(vi) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

- Đối với sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp và công nhân công an do yêu cầu nhiệm vụ: Nếu không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.

Nói tóm lại, có thể nhận thấy rằng, giờ làm việc của các cán bộ, chiến sĩ công an luôn là một chủ đề được nhiều người quan tâm và bàn luận. Một mặt, giờ làm việc của công an rất khắc nghiệt, căng thẳng và đòi hỏi sức chịu đựng cao. Các cán bộ, chiến sĩ công an phải làm việc trong những điều kiện khó khăn, nguy hiểm và thiếu thời gian cho gia đình cũng như bản thân. Mặt khác, giờ làm việc của công an cũng là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình và hi sinh vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Các cán bộ, chiến sĩ công an luôn sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an ninh và hòa bình cho đất nước. Như vậy, giờ làm việc của công an không chỉ là một yếu tố quan trọng trong hoạt động của lực lượng này, mà còn là một minh chứng cho sự tận tụy và vinh quang của ngành Công an nhân dân.

Chúng tôi, Công ty Luật Hòa Nhựt, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý khách hàng đã luôn tin tưởng và đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi luôn nỗ lực để mang đến cho quý khách hàng những dịch vụ tư vấn pháp lý uy tín, chuyên nghiệp và tận tình.

Chúng tôi có một đội ngũ tư vấn viên nhiệt tình, thân thiện và giàu kinh nghiệm, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ quý khách hàng bất cứ khi nào cần. Quý khách hàng chỉ cần gọi đến số điện thoại 1900.868644 hoặc gửi email đến luathoanhut.vn@gmail.com, chúng tôi sẽ phản hồi và tư vấn pháp lý trực tuyến cho quý khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Chúng tôi rất mong nhận được những góp ý và phản hồi từ quý khách hàng để chúng tôi có thể cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Sự hài lòng và ủng hộ của quý khách hàng là nguồn động viên để chúng tôi không ngừng phát triển và hoàn thiện hơn