Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mới nhất 2023

Hiện nay thì để bắt gặp một hành vi vi phạm hành chính không còn quá khó, hay nói cách khác thì vô cùng dễ dàng. Mặc dù nó diễn ra phổ biến như vậy nhưng không phải ai cũng biết về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.

1. Vi phạm hành chính là gì? Xử phạt vi phạm hành chính là gì?

Căn cứ theo điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hiện nay và những lưu ý. 

Căn cứ theo điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì các hành thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính( tang vật phương tiện vi phạm hành chính); trục xuất. 

2.1 Xử phạt cảnh cáo

Được quy định tại điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 theo đó cảnh cáo là hình thức được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức, vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản. 

2.2 Xử phạt bằng hình thức phạt tiền. 

Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính là từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoại trừ các trường hợp mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực thuế; đo lường; an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chứng khoán; cạnh tranh theo quy định tại các luật tương ứng. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính cụ thể trong trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được áp dụng theo nguyên tắc sau đây:

  • Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
  • Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

 Chính phủ quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể theo một trong các phương thức sau đây, nhưng khung tiền phạt cao nhất không vượt quá mức tiền phạt tối đa theo quy định:

  • Xác định số lần, tỷ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số thu được từ vi phạm hành chính. 
  • Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có quyền quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng. 

2.3 Hình thức xử phạt bổ sung 

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau: Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;  Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

Việc quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở có đầy đủ các căn cứ sau đây:

  • Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
  • Vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước.

Việc quy định đình chỉ một phần hoạt động có thời hạn đối với hành vi vi phạm hành chính của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép phải trên cơ sở có đầy đủ các căn cứ sau đây:

- Trực tiếp vi phạm các hoạt động được ghi trong giấy phép

- vi phạm có tính chất, mức độ nghiêm trọng xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước

- Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

2.4 Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

3. Thủ tục xử phạt vi phạm hành 

Thủ tục xử lý vi phạm hành chính là tổng hợp các bước thực hiện của cơ quan nhà nước từ khi phát hiện có hành vi vi phạm đến khâu xem xét lập biên bản cuối cùng là ban hành quyết định xử phạt được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đầu tiên khi phát hiện ra có hành vi vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền đang thi hành công vụ áp dụng buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính nhằm chấm dứt ngay hành vi phạm tội. Được thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản. 

Đối với xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản thì được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

Đối với xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng đối với những hành vi khác mà không thuộc vào trường hợp không phải lập biên bản. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục. Hồ sơ phải được lưu trữ. Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính. Vi phạm hành chính xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Biên bản vi phạm hành chính có nội dung như sau:

  • Thời gian, địa điểm lập biên bản
  • Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
  • Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;
  • Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;
  • Biện pháp ngăn chặn
  • Quyền và thời hạn giải trình

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa. Tiếp theo là cần xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, xem xét có hay không có vi phạm hành chính, cá nhân tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tính chất mức độ do vi phạm hành chính gây ra... Tiến hành xác định giá trị tang vật phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. 

Giải trình: Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trước khi ra quyết định xử phạt, trừ trường hợp cá nhân, tổ chức không có yêu cầu giải trình trong thời hạn quy định. Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 05 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.

Chuyển hồ sơ vụ án có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính, nếu sau khi chuyển cho cơ quan hình sự mà không quyết định khởi tố hình sự thì cơ quan hình sự phải chuyển lại hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính, trong thời hạn là 03 ngày sau khi hủy bỏ quyết định khởi tố hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án. 

=> Thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính là 07 ngày kể từ ngày có biên bản vi phạm hành chính.

Trên đây là toàn bộ nội dung mà chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính. Nếu có thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi thông qua số điện thoại của tổng đài tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến, gọi ngay: 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được hỗ trợ.