1. Khái niệm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp
Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp là loại hình dịch vụ của các công ty bảo hiểm nhằm mang đến những sản phẩm bảo hiểm kết hợp đảm bảo hội tụ được các nhu cầu Bảo vệ, Tiết kiệm và Đầu tư. Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp kết hợp linh hoạt giữa bảo hiểm nhân thọ sinh kỳ và bảo hiểm nhân thọ tử kỳ.
Trong đó:
+ Bảo hiểm nhân thọ sinh kỳ: Thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó công ty bảo hiểm phải thực hiện chi trả quyền lợi cho người được thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm sống đến thời gian quy định trong hợp đồng.
+ Bảo hiểm tử kỳ: Ngược lại, sẽ chi trả quyền lợi cho người được thụ hưởng nếu người được bảo hiểm qua đời trong thời gian đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Về Bảo vệ, Công ty bảo hiểm sẽ chi trả Quyền lợi bảo hiểm nếu các rủi ro xảy ra với Người được bảo hiểm trong thời hạn hợp đồng như:
+ Người tham gia bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm chi trả quyền lợi khi gặp các rủi ro về sức khỏe như bệnh lý nghiêm trọng, bệnh hiểm nghèo, tai nạn gây thương tật theo hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, tùy thuộc vào sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các điều khoản quy định trong hợp đồng bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm thực hiện chi trả quyền lợi để hỗ trợ tài chính nhằm có điều kiện chăm sóc y tế tận tình, tiếp cận với phương thức chữa bệnh hiện đại, có thể vượt qua giai đoạn khắc phục rủi ro, sớm ổn định cuộc sống.
+ Trường hợp xấu nhất khi người tham gia bảo hiểm gặp rủi ro bất ngờ dẫn đến tử vong, người thụ hưởng quy định trong hợp đồng sẽ nhận được số tiền bảo hiểm lớn, tùy theo điều khoản của mỗi hợp đồng bảo hiểm, giúp đảm bảo cuộc sống và các kế hoạch tương lai khi mất đi người trụ cột gia đình.
Về Tiết Kiệm và Đầu tư, bảo hiểm nhân thọ được xem như một hình thức tiết kiệm có kỷ luật, giúp người tham gia bảo hiểm tiết kiệm được 10-15% tổng mức thu nhập cá nhân. Ngoài ra, tùy theo từng hợp đồng, khách hàng có thể được nhận thêm các quyền lợi tiền mặt, quyền lợi lãi chia, bảo tức,….
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đầu tư các khoản phí mà khách hàng đóng vào các lĩnh vực theo quy định của Pháp luật trên nguyên tắc an toàn và hiệu quả.
Như vậy sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp là một giải pháp vượt trội giúp giải quyết được toàn diện nhu cầu của người tham gia bảo hiểm. Khách hàng không chỉ được bảo hiểm bảo vệ mà còn được tham gia tiết kiệm có kỷ luật, đầu tư sinh lời an toàn.
Đây là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các công ty bảo hiểm nhân thọ để có thể tối ưu được các quyền lợi của khách hàng, mang đến những sản phẩm bảo hiểm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
2. Đặc điểm của bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp
- Trong hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp, phí bảo hiểm thường đóng định kì và không thay đổi trong suốt thời hạn bảo hiểm.
- Thời hạn bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm này tương đối dài: 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa.
- Các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp có mức phí cao hơn so với các dạng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác. Nếu không tính đến các trường hợp hủy bỏ hợp đồng trước hạn thì việc trả tiền của doanh nghiệp bảo hiểm cho người thụ hưởng là một điều chắc chắn trong tất cả các hợp đồng bảo hiểm.
- Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp là dạng hợp đồng có giá trị hoàn lại (hay còn gọi là giá trị giải ước), vì thế nó cũng là một bảo chứng cho những khoản tiền vay và trong chừng mực nhất định, người được bảo hiểm có thể thế chấp hợp đồng bảo hiểm này cho ngân hàng để vay tiền.
- Do đặc thù của bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp là bảo hiểm cho cả hai sự kiện trái ngược nhau là "tử vong" và "còn sống" của người được bảo hiểm, vì thế cả hai yếu tố rủi ro và tiết kiệm được đan xen nhau trong cùng một hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, người tham gia bảo hiểm sẽ giải quyết được đồng thời hai nhu cầu cơ bản trong cuộc sống bởi cùng một hợp đồng bảo hiểm:
+ Vừa cho phép người được bảo hiểm tiết kiệm những khoản phí nhỏ nộp mỗi lần để thu được một món tiền lớn trong tương lai.
+ Vừa cho phép góp phần ổn định cuộc sống cho những người thụ hưởng bảo hiểm khi người được bảo hiểm bị chết.
Bảo hiểm hỗn hợp thuộc loại hình bảo hiểm nhân thọ. Tính hỗn hợp của loại hình bảo hiểm này thể hiện ở chỗ, trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của bên bảo hiểm phát sinh trong trường hợp người được bảo hiểm chết trong thời hạn xác định và cả trong trường hợp người được bảo hiểm tiếp tục sống đến thời hạn xác định. Về thực chất, đây là loại hình bảo hiểm nhân thọ kết hợp cả bảo hiểm sinh kì và bảo hiểm tử kì. Đối với người tham gia bảo hiểm, bảo hiểm hỗn hợp có vai trò của hoạt động đầu tư, vì thông thường pháp luật của các nước quy định, người tham gia bảo hiểm được thanh toán số tiền bảo hiểm đã được xác định trước (còn gọi là số tiền bảo hiểm bảo đảm) và được cộng thêm một khoản tiền thưởng. Phổ biến ở các nước có hai loại bảo hiểm hỗn hợp là bảo hiểm hỗn hợp không chia lãi và bảo hiểm hỗn hợp có chia lãi. Trong bảo hiểm hỗn hợp không chia lãi, bên bảo hiểm chỉ phải thanh toán số tiền bảo hiểm bảo đảm khi hết hạn hợp hợp đồng hoặc khi có sự kiện người được bảo hiểm chết trong thời hạn hợp đồng mà không kèm theo khoản tiền thưởng. Trong bảo hiểm hỗn hợp có chia lãi, ngoài khoản tiền bảo hiểm bảo đảm, bên bảo hiểm còn phải trả cho người thụ hưởng một khoản tiền thưởng.
3. Phân loại bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp
- Khi triển khai bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể đa dạng hoá loại sản phẩm này bằng nhiều dạng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khác nhau. Dưới đây là một số dạng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp:
3.1 Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp không chia lãi
+ Là dạng cơ bản nhất của bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp.
+ Loại bảo hiểm này có số tiền bảo hiểm cố định và được qui định cụ thể tại hợp đồng bảo hiểm.
+ Số tiền bảo hiểm này được trả vào ngày hết hạn của hợp đồng hoặc vào thời điểm người được bảo hiểm chết, trong trường hợp sự kiện chết này xảy ra trước thời điểm đáo hạn hợp đồng.
3.2 Bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp có chia lãi
+ Là loại bảo hiểm ngoài việc chi trả một số tiền bảo hiểm cố định được qui định cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm còn tạo điều kiện cho người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng bảo hiểm cùng hưởng lợi nhuận với doanh nghiệp bảo hiểm.
+ Hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ tiến hành xác định được phần lợi nhuận thu về từ việc đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi từ các quĩ dự phòng nghiệp vụ được trích lập từ phí bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Phần lợi nhuận này được gọi là lãi đầu tư.
+ Bên cạnh lãi đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn có thể thu được khoản lợi nhuận do có sự sai lệch giữa xác suất xảy ra sự kiện bảo hiểm thực tế so với giả định tính phí (lãi kĩ thuật) và khoản lợi nhuận do tiết kiệm chi phí.
+ Căn cứ vào các khoản tiền lãi này và số tiền phí bảo hiểm đã nộp trong mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phân bổ tiền lãi cho phù hợp với từng hợp đồng, khoản tiền lãi sẽ được cộng vào số tiền bảo hiểm trong hợp đồng.
+ Khoản lợi nhuận bổ sung này có thể được doanh nghiệp bảo hiểm công bố hàng năm hoặc theo định kì do doanh nghiệp quyết định, nhưng thông thường chỉ được trả vào ngày đáo hạn hợp đồng hoặc trong trường hợp người được bảo hiểm chết.
+ Tuy nhiên, nếu hợp đồng này bị giải ước (chấm dứt khi hiệu lực từ đủ hai năm trở lên) thì khoản tiền này sẽ không được thanh toán.
4. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền:
a) Thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
b) Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;
c) Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 35 và khoản 3 Điều 50 của Luật này;
d) Từ chối trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc từ chối bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
đ) Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự;
g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ:
a) Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm;
b) Cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
c) Trả tiền bảo hiểm kịp thời cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
d) Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường;
đ) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
5. Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm
Bên mua bảo hiểm có quyền:
a) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam để mua bảo hiểm;
b) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm;
c) Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20 của Luật này;
d) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
đ) Chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ:
a) Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
b) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
c) Thông báo những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm;
d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;
đ) Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email luathoanhut.vn@gmail.com để được giải đáp. Trân trọng!