Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì? Có lấy lại tiền, tài sản bị lừa không?

Mức phạt đối với hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật hình sự hiện nay được quy định như thế nào ? Khi bị lừa đảo thì có thể lấy lại được tiền không ? Cách thức tố giác hành vi lừa đảo theo quy định pháp luật và một số vướng mắc liên quan sẽ được luật sư tư vấn, giải đáp cụ thể:

1. Thế nào là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Xin chào các Luật Sư ! Em có một số việc cần sự tư vấn như sau: Hiện nay em đang làm việc tại một công ty cho thuê xe tự lái và hỗ trợ tài chính. Đầu tháng 02/2016 bên công ty em có làm giấy mua bán một chiếc xe máy chính chủ mang tên A ,giấy tờ mua bán được viết bằng tay,nhưng bên công ty em chưa làm thủ tục sang tên.

Sau đó vài ngày người tên A đó đến thuê lại chính chiếc xe mà anh ta đã bán với mục đích để đi lại . Sau 1 tháng anh A không trả tiền thuê xe và không mang xe đến trình diện để công ty kiểm tra mà còn trốn tránh không liên lạc. Việc thuê xe được giao kết bằng hợp đồng thuê xe máy tự lái. Luật sư cho em hỏi để lấy được chiếc xe đó về công ty em phải làm sao ? Nếu em làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để gửi cho cơ quan công an thì có phù hợp với pháp luật không ? Và người đó sẽ phải chịu hình phạt như thế nào?

Rất mong các Luật Sư tư vấn giúp em, em xin cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật hình sự trực tuyến, gọi: 1900.868644

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA thì:

"Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực."

Thông tư cũng quy định rõ như sau:

" Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe."

Như vậy, nếu giấy tờ mua bán xe của công ty bạn đã được công chứng hoặc chứng thực và thời điểm chuyển quyền sở hữu xe vẫn còn trong thời hạn 30 ngày thì công ty bạn phải làm thủ tục sang tên. Tuy nhiên, như bạn trình bày thì đến nay, sau cả 1 tháng A thuê xe, công ty bạn vẫn chưa làm thủ tục sang tên, về phương diện pháp lý, chiếc xe vẫn thuộc quyền sở hữu của A.

Sau 1 tháng thuê xe, A không trả tiền thuê xe và không mang xe đến trình diện để công ty kiểm tra mà còn trốn tránh không liên lạc, bạn cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo ở đây thì bạn có thể yêu cầu Tòa án gửi đơn tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự với thời hiệu không hạn chế Bộ luật dân sự 2015 (Đối với các giao dịch dân sự được quy định của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.)

"Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.

"Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Khi đó A phải hoàn trả lại số tiền mua xe mà công ty bạn đã đưa cho A, hoặc trả lại chiếc xe và hoàn tất các thủ tục sang tên.

Ngoài ra, nếu có đủ dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g)97 (được bãi bỏ)

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b)98 (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b)99 (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

2. Dùng xe thuê đi cầm cố thì phạm tội gì?

Thưa luật sư, xin hỏi: Vào tháng 12/2016, do không có tiền tiêu xài cá nhân nên A đi đến cửa hàng cho thuê xe ôtô tự lái của B thuê 01 chiếc xe ôtô Kia Morning (Định giá 300.000.000 đồng). Giữa hai bên làm hợp đồng, nội dung hợp đồng: A thuê xe của B để đi lại, thời hạn 10 ngày, giá thuê: 300.000đ/ngày. Sau đó, A mang xe ôtô đến cầm cố cho C (A và C có quan hệ quen biết, C biết xe của A là xe thuê của người khác). C đồng ý nhận cầm cố cho A với giá 50.000.000đ.

Hai bên làm hợp đồng cầm cố.Số tiền trên A đã tiêu xài hết. Đến ngày phải trả xe cho B, A đi đến nói với C: "Anh lấy xe e đã cầm chở e đến nhà bạn em, a lấy tiền trả cho a, rồi lấy xe đi trả cho B luôn' thì C đồng ý. Khi đến nơi, A nói C chờ ở ngoài, còn mình điều khiển xe ô tô đi lấy tiền rồi bỏ đi luôn (Thực tế là A không đi lấy tiền mà đi luôn). Sau đó, A nhắn tin cho C: "Anh cho e nợ tiền, e trả sau, em lấy xe đi trả trước cho họ". Khoảng 1 tháng sau, a trả cho C: 10.000.000đ, còn lại nợ chưa trả.

Hỏi: Trong tình huống trên, Ai phạm tội? Phạm tội gì?

Trả lời:

Từ tình huống trên nhận thấy có hai mối quan hệ:

- Quan hệ giữa A với B:

A và B tồn tại quan hệ thuê tài sản với mục đích của hợp đồng là thuê tài sản. Nhưng sau đó A lại sử dụng xe này để đi cầm cố để lấy tiền. Xét thấy hành vi của A có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bởi nhận tài sản từ B thông qua hợp đồng nhưng sau đó sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong tình huống này thời hạn thuê xe là 10 ngày tới hạn trả xe thuê A đã mang xe về trả cho B như đúng hiện trạng nên nhận thấy hành vi của A không cấu thành tội này. Bởi: tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có cấu thành vật chất tức là đòi hỏi hậu quả xay ra (trường hợp này là mang tài sản đi cầm cố và không trả lại được). Cho nên dưới góc độ quan điểm cá nhân tôi cho rằng trong mối quan hệ với B, A không có hành vi phạm tội và đó chỉ là quan hệ dân sự thông thường (A vi phạm hợp đồng thuê tài sản do sử dụng sai mục đích).

- Quan hệ giữa A và C:

A và C có quan hệ với nhau thông qua việc cầm cố tài sản, đó là chiếc xe A thuê của B. Trong tình huống này nhận thấy một số điểm chú ý như sau:

+ Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực?

Xét thấy, A và C có quan hệ quen biết. C biết chiếc xe được cầm cố không phải của A. Điếu chiếu quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, biện pháp cầm cố tài sản:

Điều 309. Cầm cố tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Điều 295. Tài sản bảo đảm

1. Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.​

Như vậy, tài sản phải thuộc sở hữu của bên cầm cố tức là A phải có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Trường hợp này tài sản mang cầm cố không thỏa mãn dấu hiệu này.

Chính vì vậy, việc cầm cố giữa A và C là không có giá trị. Hay hợp đồng cầm cố tài sản sẽ bị vô hiệu do trái quy định của luật theo điều 407, điều 123 - Bộ luật dân sự năm 2015.

+ C có phải là người quản lý tài sản?

Do hợp đồng cầm cố tài sản bị vô hiệu do trái luật nên C sẽ không được coi là người quản lý tài sản.

Kết luận: Từ những cơ sở trên nhận thấy mặc dù A bảo C chở đi và chờ lấy tiền rồi lái xe đi luôn nhưng không thể coi đây là dấu hiệu của lừa đảo, công nhiên hay cướp tài sản, cướp giật tài sản mà chỉ là quan hệ dân sự thông thường. Vậy, A không phạm tội gì.

Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm cá nhân bơi tình huống này hiện nay còn rất nhiều ý kiến trái chiều, cần có sự trao đổi.

3. Tôi bị lừa đảo thì có lấy được xe ô tô hoặc tiền mặt không?

Chào công ty luật minh khuê, ngày 01/01/2017 tôi có đưa cho 1 người quen số tiền là 3 tỷ đồng để nhờ mua xe oto trị giá gần 4 tỷ,vì anh ta giới thiệu là mua được xe giá rẻ hơn chính hãng,hẹn 3 tháng sau giao xe và thanh toán nốt số tiền còn lại.

Khi tôi đưa anh ta 3 tỷ có giấy tờ viết tay và có 1 ông anh của tôi nữa đi cùng làm chứng,(nhưng trên giấy tờ viết tay không có người làm chứng) vậy xin cty tư vấn cho tôi như thế đã đủ điều kiện khởi kiện ra toà chưa do tính đến bây giờ quá 3 tháng rồi anh ta không giao xe và có dấu hiệu lừa đảo. Và như thế liệu tôi có lấy lại được số tiền tôi đã bỏ ra không. Nếu người đã cầm tiền của tôi để mua xe,không trả dc thì sẽ chịu hình phạt nào trước pháp luật ?

Xin chân thành cảm ơn quý công ty đã lắng nghe và mong được sự hồi âm sớm nhất.

Luật sư trả lời:

Trường hợp 1, người này vốn không định mua xe cho bạn, việc đưa ra thông tin về việc có chiếc xe là thông tin gian dối nhằm mục đích khiến bạn tin tưởng và giao tài sản, sau khi chiếm đoạt tài sản của bạn người này đã mang tiền bỏ trốn thì theo quy định của pháp luật, người này đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể :

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

.......

Trong trường hợp này bạn có quyền làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an cấp quận/huyện nơi xảy ra vụ việc để được giải quyết.

Trường hợp 2, người này có nhận tiền của bạn, có mua xe ô tô nhưng không giao xe cho bạn.

Nếu có đủ yếu tố có thể cấu thành tôi danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 như sau:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 100

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.......

4. Có thể tố cáo lên cơ quan công an khi bên cung cấp dịch vụ lừa đảo ?

Thưa luật sư, trong tháng 4/2016, tôi có tìm đến văn phòng dịch vụ tìm địa điểm cho thuê vỉa hè kinh doanh. Bên văn phòng này đã tìm được điểm cho tôi với phí dịch vụ là 12 triệu đồng. Nhưng sau khoảng 1 tuần kinh doanh, trật tự phường đã đến tịch thu bàn ghế và 1 số đồ dùng của tôi.

Tôi có liên hệ cho bên văn phòng dịch vụ, thì được trả lời sẽ hỗ trợ tìm địa điểm khác. Nhưng từ thời điểm đó đến nay, bên văn phòng dịch vụ vẫn chưa có thông báo địa điểm mới cho tôi, và tôi cũng không muốn kinh doanh vỉa hè nữa. Tôi đến văn phòng dịch vụ yêu cầu trả lại số tiền tôi đã thuê, nhưng chỉ trả lại 2 triệu đồng và tôi không đồng ý.

Vậy, kính mong quý văn phòng luật sư tư vấn giúp, vụ việc này tôi có thể khởi kiện được không ?

Xin chân thành cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài 24/71900.868644

Trả lời:

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008:

“Điều 36. Sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố

1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.

2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.”

Theo đó việc sử dụng hề phố vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông sẽ do UBND cấp tỉnh quy định riêng và không được ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Vấn đề này được quy định cụ thể hơn tại điểm 14 mục 4 phần 2 của Thông tư số 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng : Hướng dẫn quản lý đường đô thị như sau :

“14. Sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa

Chỉ một số công trình, tuyến phố đặc thù mới được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m;

b) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường đô thị và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình, chủ công trình trên tuyến phố;

c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hoá, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.”.

Như vậy, trường hợp của bạn, bạn chưa đề cập rõ việc kinh doanh của mình, chúng tôi xác định việc kinh doanh tại vỉa hè của bạn đã vi phạm khoản 1 Điều 36 Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Theo Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì:

Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Tham chiếu theo quy định này thì hợp đồng ký kết giữa bạn và văn phòng dịch vụ là vi phạm pháp luật dân sự do có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật (không được kinh doanh buôn bán trên vỉa hè vì lòng đường, hè phố chỉ sử dụng cho mục đích giao thông). Vì vậy giao dịch dân sự của bạn trở nên vô hiệu. Và căn cứ từ Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 thì:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Điều này có nghĩa là bạn và bên phía văn phòng dịch vụ kia sẽ trả lại cho nhau những gì đã nhận trước đó (bạn sẽ được trả lại 12 triệu đồng). Bạn nên nói chuyện lại với bên văn phòng về việc giao dịch dân sự này vô hiệu để nhận lại tiền. Nếu văn phòng dịch vụ vẫn không đồng ý thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

5. Vay tiền không trả có kiện về tội lừa đảo được không ?

Tôi là mẹ đơn thân, tôi 1 mình nuôi con. Ba của đứa bé chưa kết hôn với tôi và đã bỏ theo người khác. Chúng tôi không liên lạc với nhau. Cho đến 1 ngày hắn kiếm tôi và có mượn tôi số tiền 31 triệu để học lái xe và đóng tiền nhà, cũng như tiền thế chân taxi và hứa sẽ trả cho tôi sau khi đi lái taxi vậy mà khi có việc hắn không trả mà mỗi lần tôi gọi đòi thì hắn chửi bới tôi và còn gọi điện thoại về chửi ba mẹ tôi.

Vậy tôi Có thể kiện hắn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và tội xúc phạm, và quấy rối được không. Hiện tại tôi không rõ hắn đang ở đâu chỉ biết hắn ở phường đó. Vậy tôi có kiện được không? Xin luật sư giúp cho mẹ con tôi lấy lại được tiền?

Tôi xin cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến gọi: 1900.868644

Trả lời:

Thứ nhất, về việc chiếm đoạt số tiền vay 31 triệu:

Hành vi ban đầu anh ấy thực hiện là vay mượn số tiền 31 triệu. Sau đó, ý định chiếm đoạt nảy sinh và khiến anh ấy không trả nợ cho chị. Với hành vi này, anh ấy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 100

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

....

Thứ hai, Về hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của chị và gia đình chị:

Việc sử dụng những lời lẽ, cử chỉ nhằm xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo hậu quả gây ra. Trong trường hợp này, hành vi xúc phạm nhân phẩm của anh ấy chưa đủ cấu thành tội phạm nên bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội như sau:

" Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"

Thứ ba, về hướng giải quyết:

Phương hướng hình sự:

Chị có thể nộp đơn tố cáo tới cơ quan công an địa phương nơi anh ấy đang cư trú để được giải quyết. Theo đó, Chị có thể viết đơn tố cáo về hai hành vi: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và xúc phạm nhân phẩm, danh dự của chị và gia đình.

Phương hướng dân sự:

Chị nên trực tiếp thỏa thuận về việc trả nợ của anh. Hai bên có thể ký văn bản thỏa thuận về việc trả nợ và chị có thể ấn định thời gian trả nợ cho anh ấy để phù hợp với nguyện vọng của cả hai bên. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trên chị hoàn toàn có thể khởi kiện đòi số nợ đó bằng việc nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận, huyện nơi anh ấy cư trú.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.