1. Hành vi nào được xem là gian lận trong đấu thầu?
Gian lận trong đấu thầu hay là hành vi gian dối trong đấu thầu nổi lên, là một vấn nạn nhức nhối làm đau đầu không ít chủ đầu tư lẫn cơ quan chức năng, mặc dù pháp luật về đấu thầu đã có những quy định và hình thức răn đe nhưng đâu đó hành vi này vẫn còn tồn tại trong đấu thầu, đặc biệt ở các địa phương thuộc vùng xa các trung tâm kinh tế phát triển.
Bản chất của hành vi đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển, bởi thông qua hoạt động này, những nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật và chi phí của chủ đầu tư sẽ được lựa chọn. Chính vì vậy, đấu thầu ra đời và tồn tại với mục tiêu nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch.
Vậy vì sao lại xảy ra tình trạng gian lận trong đấu thầu? Nhìn tổng thể, tình trạng gian lận trong đấu thầu tại Việt Nam do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến như tính minh bạch, sự tham nhũng, thiếu giám sát và áp lực cạnh tranh. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự cải thiện trong các quy trình đấu thầu, tăng cường giám sát và tăng cường ý thức pháp luật trong việc thực hiện quy trình đấu thầu. Cho đến thời điểm hiện tại, nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu cũng như hạn chế các hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu thầu, Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
Căn cứ theo quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 quy định về các hành vi gian lận trong đấu thầu như sau:
Gian lận trong đấu thầu, bao gồm các hành vi sau đây:
- Cố ý làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh nghĩa vụ.
- Đánh giá hồ sơ, cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
- Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Như vậy, gian lận trong đấu thầu là những hành vi được liệt kê trên.
2. Một vài tình huống gian lận trong đấu thầu phổ biến
Nhà thầu không cung cấp bản gốc hợp đồng tương tự để đối chiếu
Nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của bên mời thầu. Do vậy, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, trường hợp bên mời thầu có nghi ngờ về tính trung thực của các thông tin, tài liệu mà nhà thầu cung cấp về hợp đồng tương tự trong hồ sơ dự thầu thì cần yêu cầu nhà thầu làm rõ hoặc cung cấp tài liệu bản gốc để xác minh, đối chiếu (nếu cần thiết).
Trường hợp nhà thầu không thực hiện việc làm rõ, cung cấp tài liệu bản gốc theo yêu cầu của bên mời thầu thì bên mời thầu có thể trực tiếp liên hệ với chủ đầu tư của các hợp đồng tương tự mà nhà thầu kê khai trong hồ sơ dự thầu… để làm rõ, xác minh tính trung thực của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu
Nâng khống doanh thu thông qua làm giả báo cáo tài chính
Doanh thu là một yêu cầu bắt buộc trong các cuộc đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh (trừ gói tư vấn), để chứng minh doanh thu thông thường nhà thầu phải nộp báo cáo tài chính và một số giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, một số trường hợp doanh thu không đủ nhưng nhà thầu muốn tham gia gói thầu để thắng thầu nên đã làm giả báo cáo tài chính và các tài liệu khác để qua mặt bên mời thầu.
Mượn bằng cấp nhân sự để tham dự đấu thầu
Việc mượn bằng cấp nhân sự tham dự thầu đang khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Luật pháp cho phép nhà thầu được phép huy động nhân sự thuê ngoài, tuy nhiên đôi khi nhân sự có trình độ đó chính nhà thầu cũng không có sự liên hệ, mà khi thu được bằng cấp của nhân sự thường chế biến các tài liệu để xem nhân sự đó là nhân sự huy động của nhà thầu. Đã có nhiều trường hợp Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu chứng thực nhân sự thông qua chữ ký thực hoặc mời đến thương thảo hợp đồng đã không thể thực hiện được.
Chế hóa đơn để chứng minh năng lực máy móc thiết bị
Huy động năng lực máy mọc thiết bị đôi khi cũng là bài toán khó cho các nhà thầu nhỏ, ít năng lực kinh nghiệm, hoặc đối với một số máy móc thiết bị đơn giản đôi khi việc lưu trữ hóa đơn chứng từ bị thất lạc nên nhiều nhà thầu rất hay "chế hóa đơn" đối với các thiết bị máy móc
3. Nhà thầu có được quyền khiếu nại khi phát hiện có hành vi gian lận thầu hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 91 Luật Đấu thầu 2013 quy định về giải quyết kiến nghị trong đấu thầu như sau:
- Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền:
+ Kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định
+ Khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị.
- Nhà thầu, nhà đầu tư đã khởi kiện ra Tòa án thì không gửi kiến nghị đến bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Trường hợp đang trong quá trình giải quyết kiến nghị mà nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án thì việc giải quyết kiến nghị được chấm dứt ngay
Vậy khi phạt hiện có hành vi gian lận thầu, nhà thầu hoàn toàn có quyền được thực hiện việc khiếu nại tới bên mời thầu, chủ đầu tư.
4. Gian lận trong đấu thầu bị xử lý thế nào?
Thực trạng gian lận trong đấu thầu tại Việt Nam hiện nay vẫn còn phức tạp và diễn ra khá phổ biến. Các hành vi gian lận trong đấu thầu thường thấy như sửa đổi hồ sơ mời thầu, giảm giá trị hợp đồng, chia sẻ thông tin giữa các nhà thầu và cán bộ quản lý đấu thầu,... Tuy nhiên, các hành vi này đều bị xử lý tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Để giảm thiểu và hướng đến khắc phục tình trạng gian lận trong đấu thầu, cần có sự thay đổi về cách thức quản lý và giám sát đấu thầu cũng như nâng cao ý thức của các chủ thể tham gia đấu thầu. Hiện nay, Luật Đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn các quy định về đấu thầu, tiêu biểu là quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ mời thầu để chống hiện tượng cài cắm tiêu chí.
Tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận trong đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài việc bị xử lý như trên, các tổ chức, cá nhân gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Theo khoản 1 Điều 122Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định, tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức cá nhân. Trong đó, gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
Ngoài ra, Điều 124 Nghị 63/2014/NĐ-CP cũng nêu, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại và các quy định khác của pháp luật liên quan.
Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.
Quyết định xử lý vi phạm phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp và phải được đăng tải trên Báo đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Mời quý khách hàng liên hệ với Luật Hòa Nhựt qua số hotline: 1900.868644 hoặc qua email:luathoanhut.vn@gmail.com, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp thắc mắc của quý khách hàng. Xin trân trọng cảm ơn!