Các bước phát hành chứng khoán ra công chúng theo Luật Chứng khoán 2019

Chào bán chứng khoán ra công chúng là giao dịch quan trọng của công ty và sẽ làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý đáng kể về hành chính, dân sự và hình sự khi công ty có hành vi vi phạm. Vậy, quá trình này diễn ra như thế nào?

1. Chứng khoán là gì?

Căn cứ Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 định nghĩa về chứng khoán như sau:

“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”

Cụ thể, theo Điều 4 các loại tài sản là chứng khoán được quy định như sau:

- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.

- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.

- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.

- Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản bảo đảm do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.

- Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.

Như vậy, Chứng khoán là chứng từ có giá dài hạn hoặc bút toán ghỉ số xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành.

2. Khái niệm thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán (TTCK) là nơi diễn ra các giao dịch mua bán trao đổi các loại chứng khoán Các quan hệ mua bán trao đổi này làm thay đổi chủ sở hữu của chứng khoán, và như vậy, thực chất đây là quá trình vận động của tư bản chuyển từ tư bản sở hữu sang tư bản kinh doanh.

TTCK không giống với các thị trường các hàng hóa thông thường khác vì hàng hóa của thị trường chứng khoán là loại hàng hóa đặc biệt, là quyền sở hữu về tư bản. Loại hàng hóa này cũng có giá trị và giá trị sử dụng. Như vậy, có thể nói, bản chất của TTCK là thị trường thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu của vốn đầu tư nào đó, giá cả của chứng khoán chứa đựng thông tin về chi phí vốn hay giá cả của vốn đầu tư. TTCK là hình thức phát triển bậc cao của nền sản xuất và lưu thông hàng hóa.

3. Thị trường chứng khoán hoạt động như thế nào?

Khoản 14 Điều 4 Luật Chứng khoán quy định, hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng và các hoạt động khác được quy định tại Luật này.

Bên cạnh đó, cũng tại Điều 4, đầu tư chứng khoán là việc mua, bán, nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Hiện nay, theo Điều 5 Luật Chứng khóan, thị trường chứng khoán được Nhà nước tổ chức hoạt động theo nguyên tắc:

1. Tôn trọng quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền tự do giao dịch, đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ về chứng khoán của tổ chức, cá nhân.

2. Công bằng, công khai, minh bạch.

3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

4. Tự chịu trách nhiệm về rủi ro.

Đồng thời, để phát triển và quản lý thị trường chứng khoán, theo Điều 6, Nhà nước đã và đang thực hiện các chính sách:

- Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư và hoạt động trên thị trường chứng khoán nhằm huy động các nguồn vốn trung hạn và dài hạn cho đầu tư phát triển.

- Quản lý, giám sát bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động công bằng, công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.

- Đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin cho hoạt động của thị trường chứng khoán, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chứng khoán, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Như vậy, chứng khoán và thị trường chứng khóan tại Việt Nam đều được pháp luật quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

4. Chào bán cổ phiếu ra công chúng

4.1. Các hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, chào bán chứng khoán ra công chúng thực hiện dưới một trong các hình thức sau:

1. Chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng, bao gồm: Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để huy động thêm vốn cho tổ chức phát hành (1); chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để trở thành công ty đại chúng thông qua thay đổi cơ cấu sở hữu nhưng không làm tăng vốn điều lệ của tổ chức phát hành (2); kết hợp hình thức (1) và (2); chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán.

2. Chào bán thêm chứng khoán ra công chúng, bao gồm: Công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu; công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chào bán thêm chứng chỉ quỹ ra công chúng để tăng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư.

3. Cổ đông công ty đại chúng chào bán cổ phiếu ra công chúng.

4. Tổ chức phát hành chào bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác ra công chúng.

4.2. Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng

Điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông trong công ty đại chúng như sau: Cổ phiếu chào bán phải là cổ phiếu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán;

Có phương án chào bán cổ phiếu phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty của tổ chức phát hành thông qua trong trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức;

Cổ phiếu chào bán là cổ phiếu tự do chuyển nhượng; có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là công ty chứng khoán; cổ đông phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán; có phương án chào bán phải đảm bảo đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần như sau: Có phương án chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần được Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua; có phương án phát hành, phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua; các thành viên góp vốn hoặc Chủ sở hữu công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán; đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

5. Các bước phát hành chứng khoán ra công chúng

Bước 1: Chuẩn bị chào bán chứng khoán ra công chúng

Ở giai đoạn này, công ty phát hành cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Sau khi hoàn thiện hồ sơ thì công ty có thể nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban chứng khoán nhà nước để xin chấp thuận đăng ký của Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Tại Điều 24 Luật chứng khoán 2019 có quy định: “Trong thời gian Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành và tổ chức, cá nhân có liên quan chỉ được sử dụng trung thực và chính xác các thông tin trong Bản cáo bạch đã gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thăm dò thị trường, trong đó phải nêu rõ các thông tin về ngày phát hành và giá bán chứng khoán là thông tin dự kiến.”.

Như vậy, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ tiến hành xem xét hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Trong khoảng thời gian này, công ty phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan chỉ được sử dụng các thông tin trong bản cáo bạch đã gửi Ủy ban chứng khoán nhà nước để thăm dò thị trường. Việc thăm dò thị trường có ý nghĩa nhằm xác định nhu cầu của nhà đầu tư và các điều kiện chính của giao dịch chào bán có thể được thị trường chấp thuận. Khi tiến hành việc thăm dò thị trường, các tổ chức hoặc cá nhân trên phải nêu rõ là “các thông tin về ngày phát hành và giá bán chứng khoán là thông tin dự kiến”.

Bên cạnh đó, việc thăm dò thị trường không được thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng . Ngoài công việc thăm dò thị trường ra thì công ty không được thực hiện bất kỳ hoạt động chính thức chào bán chứng khoán nào khác. Hiện nay, pháp luật về chứng khoán chưa có hướng dẫn cụ thể về các hoạt động có thể được coi là thăm dò thị trường và không bị coi là chào bán. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu hoạt động thăm dò thì trường không bao gồm việc công ty phát hành, tổ chức bảo lãnh hoặc tổ chức đại lý thảo luận với các nhà đầu tư về một giao dịch cụ thể, bao gồm thảo luận về giá trị, các điều kiện của đợt chào bán, mời các nhà đầu tư cụ thể mua chứng khoán hoặc nhận lệnh mua chứng khoán từ các nhà đầu tư cụ thể.

Bước 2: Công bố thông tin

Tại khoản 3 Điều 25 Luật Chứng khoán 2019 quy định: “3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực, tổ chức phát hành phải công bố Bản thông báo phát hành trên 01 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 03 số liên tiếp.. Như vậy căn cứ vào điều luật này thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có chấp thuận đăng ký của Ủy ban chứng khoán nhà nước, công ty phát hành phải công bố thông báo phát hành theo mẫu do Ủy ban chứng khoán nhà nước quy định trên một tờ báo điện tử hoặc báo cáo viết trong ba số liên tiếp.

Bước 3: Phân phối chứng khoán

Luật chứng khoán 2019 có các quy định như sau:

Khoản 2 Điều 26 quy định:

Tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức đại lý phải phân phối chứng khoán công bằngcông khai và bảo đảm thời hạn đăng ký mua chứng khoán cho nhà đầu tư tối thiểu là 20 ngày; trừ trường hợp chứng khoán chào bán là chứng quyền có bảo đảm, thời hạn này phải được ghi trong Bản thông báo phát hành.

Trường hợp số lượng chứng khoán đăng ký mua vượt quá số lượng chứng khoán được phép phát hành thì tổ chức phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành phải phân phi hết số chứng khoán được phép phát hành cho nhà đầu tư tương ứng với tỷ lệ đăng ký mua của từng nhà đầu tư.

Khoản 3 Điều 26 quy định: “Tiền mua chứng khoán phải được chuyển vào tài khoản phong toả mở tại ngân hàng cho đến khi hoàn tất đợt chào bán và báo cáo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.”.

Khoản 4 Điều 26 quy định:

Tổ chức phát hành phải hoàn thành việc phân phối chứng khoán trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực. Trường hợp tổ chức phát hành không thể hoàn thành việc phân phối chứng khoán ra công chúng trong thời hạn này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét gia hạn việc phân phối chứng khoán nhưng tối đa không quá 30 ngày. Trường hợp đăng ký chào bán chứng khoán cho nhiều đợt thì khoảng cách giữa đợt chào bán sau với đợt chào bán trước không quá 12 tháng.

Theo đó, sau khi có công bố thông báo phát hành, công ty phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức đại lý có thể bắt đầu phân phối chứng khoán. Các yêu cầu cơ bản của việc phân phối chứng khoán là:

  • Thời hạn đăng ký mua chứng khoán cho nhà đầu tư tối thiểu là 20 ngày;
  • Tiền mua chứng khoán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng cho đến khi hoàn tất đợt chào bán và báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước;
  • Việc phân phối chứng khoán phải hoàn tất trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có chấp thuận đăng ký của Ủy ban chứng khoán nhà nước và thời hạn này có thể được gia hạn thêm tối đa là 30 ngày

Bước 4: Báo cáo kết quả đợt phát hành và chuyển giao chứng khoán

Khoản 5 và khoản 6 Điều 26 Luật chứng khoán 2019 quy định:

5. Tổ chức phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành phải báo cáo kết quả đợt chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, kèm theo văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán.

6. Tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức đại lý phải chuyển giao chứng khoán hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu chứng khoán cho người mua trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Như vậy, công ty phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành phải báo cáo kết quả đợt chào bán cho Ủy ban chứng khoán nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, kèm theo bản xác nhận của ngân hàng nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được trong đợt chào bán. Công ty phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức đại lý phải chuyển giao chứng khoán hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu chứng khoán cho người mua trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Trong trường hợp công ty phát hành đăng ký với ủy ban chứng khoán nhà nước để chào bán chứng khoán theo đợt thì khoảng cách giữa đợt chào bán sau với đợt chào bán trước không quá 12 tháng. Ủy ban chứng khoán có thể đình chỉ hoặc hủy bỏ việc chào bán chứng khoán nếu các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng bị vi phạm.

* Lưu ý: Phải đưa cổ phiếu, trái phiếu lên sàn khi kết thúc đợt chào bán

Theo điểm h khoản 1 và điểm i khoản 3 Điều 15 Luật chứng khoán 2019, tổ chức phát hành có văn bản cam kết đáp ứng điều kiện, làm cơ sở cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước xem xét, chấp thuận việc đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng. Đồng thời cổ phiếu, trái phiếu này phải được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

6. Một số khái niệm, câu hỏi khác liên quan

6.1 Sở giao dịch chứng khoán là gì?

Sở giao dịch chứng khoán là thị trường mở và là nơi giao dịch các tài sản tài chính. Sở giao dịch chứng khoán là nơi mà cổ phiếu được giao dịch và mua bán cho dù người mua và người bán là một công ty hay là một cá nhân. Có rất nhiều sở giao dịch chứng khoán lớn trên khắp thế giới và mỗi trụ sở đều đóng vai trò xác định tình trạng tài chính và kinh tế của nền kinh tế.

6.2 Khái niệm nhà đầu tư chứng khoán?

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là những tổ chức, cá nhân tiến hành việc mua và bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán nhằm mục đích sinh lời. ... Do vậy, nhà đầu tư giữ vai trò quyết định đối với sự sôi động và phát triển của thị trường chứng khoán.

6.3 Khái niệm kinh doanh chứng khoán?

Kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!