1. Cha mẹ có được ủy quyền cho con lập di chúc thay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đại diện theo ủy quyền theo đó các cá nhân, pháp nhân đều có thể ủy quyền xác lập hoặc thực hiện các giao dịch dân sự cho các cá nhân, pháp nhân khác thực hiện thay.
Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng ủy quyền trong đó:
- Hợp đồng ủy quyền là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, theo đó bên ủy quyền sẽ giao các công việc cho bên được ủy quyền nhân danh mình thực hiện trong phạm vi ủy quyền và thời gian ủy quyền nhất định, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Như vậy, có thể hiểu: Ủy quyền là việc mà một cá nhân hay pháp nhân có sự thỏa thuận sẽ nhân danh cho một cá nhân, pháp nhân khác thực hiện giao dịch dân sự thay mình trong một phạm vi và thời hạn mà giữa hai bên thỏa thuận. Vậy câu hỏi đặt ra là có thể ủy quyền cho người khác lập di chúc thay mình được không?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 thì trường hợp người lập di chúc muốn lập di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực thì phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc; điều này đồng nghĩa với việc không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc thay mình.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 639 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo đó: Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên đến trực tiếp tại nơi ở của mình để lập di chúc.
Trình tự thủ tục lập di chúc tại nhà ở của người lập di chúc được tiến hành giống với thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 636 Bộ luật Dân sự.
Lưu ý: Không phải trong trường hợp nào cũng có thể yêu cầu công chứng viên đến nơi ở của người để lại di sản để lập di chúc mà chỉ có những trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014: Người để lại di chúc yêu cầu công chứng phải là người già yếu, không có khả năng đi lại được hoặc người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù có thời hạn hoặc có những lý do chính đáng không thể đến trực tiếp tại trụ sở của các tổ chức hành nghề công chứng để tiến hành lập di chúc.
Các thủ tục để lập di chúc trong trường hợp này cũng sẽ giống với trường hợp lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng. Căn cứ theo quy định tại điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định như sau: Việc chứng thực phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chỉ trừ những trường hợp chứng thực di chúc, … mà người yêu cầu chứng thực già yếu, không thể đi lại được hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang chấp hành án phạt tù có thời hạn hoặc có lý do chính đáng mà không thể trực tiếp tới trụ sở của cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng. Trong trường hợp này, khi thực hiện việc chứng thực phải ghi rõ địa chỉ nơi chứng thực và ghi rõ thời gian (giờ, phút) thực hiện việc chứng thực.
Như vậy, người lập di chúc không thể ủy quyền cho con lập di chúc và đi công chứng di chúc thay mình được mà phải trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, đối với trường hợp vì lý do già yếu, không có khả năng đến trực tiếp các cơ sở hành nghề công chứng thì có thể yêu cầu công chứng viên trực tiếp đến nhà của người lập di chúc để thực hiện việc công chứng di chúc.
2. Di chúc thừa kế đã công chứng có bổ sung thêm nội dung được không?
Theo quy định tại Điều 56 Luật Công chứng 2014 quy định về công chứng di chúc như sau:
- Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.
- Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
- Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
- Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Theo quy định nêu trên thì di chúc thừa kế đã công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn bổ sung thêm nội dung thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc bổ sung đó.
3. Bố mẹ có được ủy quyền sử dụng đất cho con để thay thế di chúc?
Căn cứ quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015 hợp đồng ủy quyền sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Thỏa thuận về thời điểm chấm dứt hợp đồng của các bên được ghi nhận trong hợp đồng ủy quyền;
- Công việc được bên ủy quyền giao cho bên nhận ủy quyền đã được hoàn thành trên thực tế;
- Một trong các bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền theo ý chí của các bên dựa trên quy định tại Điều 588 của Bộ luật dân sự năm 2015;
- Một trong các bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền qua đời; bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hay hạn chế năng lực hành vi dân sự; hoặc bị Tòa án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố đã chết.
Không giống với ủy quyền di chúc lại là sự thể hiện ý chí của một cá nhân nhằm mục đích chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho người khác sau khi cá nhân đó chết. Trong khi đó giấy ủy quyền lại là văn bản ghi nhận nội dung cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp của pháp nhân thực hiện việc ủy quyền cho người khác nhân danh mình để thực hiện hoạt động xác lập hoặc thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của bên ủy quyền.
Như vậy, bố mẹ có thể ủy quyền sử dụng đất cho con cái, tuy nhiên cần lưu ý rằng quan hệ ủy quyền này sẽ chấm dứt khi người ủy quyền qua đời và đương nhiên giấy ủy quyền này sẽ không được coi là di chúc. Điều này đồng nghĩa với việc nếu bố mẹ không để lại di chúc mà chỉ có giấy ủy quyền sử dụng đất thì khi bố mẹ mất đi giấy ủy quyền đó cũng sẽ chấm dứt hiệu lực và phần diện tích đất này sẽ vẫn được chia theo pháp luật và tất cả những người thuộc diện thừa kế sẽ đều được hưởng phần quyền như nhau.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Cha mẹ có được ủy quyền cho con lập di chúc thay không? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!