Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị?

Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị là một trong những bước quan trọng trong quá trình lập quy hoạch đô thị, nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp và pháp lý của các dự án hiện nay. Vậy cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị? Hãy cùng Luật Hòa Nhựt tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị là gì?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 thì nhiệm vụ quy hoạch: “Là các yêu cầu về nội dung nghiên cứu và tổ chức thực hiện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để lập đồ án quy hoạch đô thị”. Còn thuật ngữ “phê duyệt” thường được định nghĩa là việc người hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét và đồng ý thông qua những văn bản, dự thảo, … được trình lên. Từ đây suy ra, phê duyệt nhiệm vụ có thể được hiểu là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và đồng ý thông qua các yêu cầu về nội dung nghiên cứu và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nhìn chung, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị là một trong những bước quan trọng trong quá trình lập đồ án quy hoạch đô thị, tạo cơ sở cho việc lập dự án quy hoạch chi tiết và triển khai thực hiện quy hoạch đô thị đúng pháp luật, hợp lý với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Chính vì vậy mà việc thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị trở thành một trong những bước quan trọng trong tiến trình lập, thẩm định cũng như phê duyệt quy hoạch đô thị, cụ thể dưới đây:

1. Lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị;

2. Thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị;

3. Lập đồ án quy hoạch đô thị;

4. Thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị.

 

2. Thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị

Trước khi được trình lên phê duyệt thì nhiệm vụ quy hoạch đô thị phải được thẩm định bởi các cơ quan có trách nhiệm thẩm định, cụ thể như sau:

- Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;

- Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cùng cấp;

- Cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp huyện thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Sau khi đã thẩm định nhiệm vụ quy hoạch đô thị để đảm bảo sự phù hợp của nhiệm vụ quy hoạch đô thị với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch cao hơn cũng như đảm bảo các yêu cầu về nội dung đối với từng loại nhiệm vụ quy hoạch đô thị được quy định tại Điều 23 của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, thì tại Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 (được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 29 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018) đã quy định về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị, cụ thể như sau:

  • Thứ nhất, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị sau đây:

- Quy hoạch chung thành phố trực thuộc trung ương, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên;

- Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố trực thuộc trung ương là đô thị loại đặc biệt;

- Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử của quốc gia theo quy định của Chính phủ.

  • Thứ hai, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị sau đây:

- Quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn, đô thị mới, trừ các quy hoạch đô thị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; đối với đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới, trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng;

- Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố trực thuộc trung ương, trừ các quy hoạch quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng;

- Quy hoạch phân khu thuộc đô thị loại đặc biệt và loại I; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai quận, huyện trở lên, khu vực có ý nghĩa quan trọng, khu vực trong đô thị mới, trừ các quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

  • Thứ ba, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, Ủy ban nhân dân huyện thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các quy hoạch đô thị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh.
  • Thứ tư, Ủy ban nhân dân huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết thị trấn, trừ các quy hoạch đô thị quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh.
  • Thứ năm, Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quy hoạch chung đô thị trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch này.

Đồng thời, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn trong việc báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quy hoạch chung đô thị của thành phố, thị xã, thị trấn.

Ngoài ra, cần phải lưu ý rằng việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị phải được thực hiện bằng văn bản, với các nội dung chính của có các nội dung chính của đồ án quy hoạch đô thị được quy định tại các Điều 23, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 33, 37 và 39 Luật Quy hoạch đô thị và danh mục các bản vẽ được phê duyệt kèm theo.

 

3. Yêu cầu và nội dung của nhiệm vụ quy hoạch đô thị

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là tại Điều 22 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 thì nhiệm vụ quy hoạch đô thị phải đáp ứng hai yêu cầu cơ bản, cụ thể như sau:

Một là, nhiệm vụ quy hoạch đô thị phải xác định quan điểm và mục tiêu phát triển phù hợp với yêu cầu của từng đô thị, của từng khu vực lập quy hoạch để làm cơ sở cho việc nghiên cứu lập đồ án quy hoạch đô thị;

Hai là, nhiệm vụ quy hoạch đô thị phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật này.

Về nội dung của nhiệm vụ quy hoạch đô thị đã được quy định tương đối cụ thể, rõ ràng tại Điều 23 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, theo đó:

“1. Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị phải xác định tính chất, vai trò của đô thị, yêu cầu cơ bản cho việc nghiên cứu để khai thác tiềm năng, động lực phát triển, hướng phát triển, mở rộng đô thị, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị trong nội thị và khu vực ngoại thị; yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược.

2. Nhiệm vụ quy hoạch phân khu phải xác định phạm vi ranh giới, diện tích, tính chất khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu dự kiến về dân số, sử dụng đất, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; yêu cầu, nguyên tắc cơ bản về phân khu chức năng để bảo đảm phù hợp về không gian kiến trúc, đấu nối hạ tầng kỹ thuật với quy hoạch chung đã được phê duyệt và các khu vực xung quanh; yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược.

3. Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết phải xác định giới hạn về chỉ tiêu sử dụng đất, dân số; yêu cầu, nguyên tắc về tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực lập quy hoạch, bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được phê duyệt và khu vực xung quanh; yêu cầu đánh giá môi trường chiến lược.

4. Trường hợp quy hoạch để cải tạo, chỉnh trang đô thị, nhiệm vụ quy hoạch phải xác định yêu cầu nghiên cứu để bảo đảm đô thị hoặc khu vực lập quy hoạch phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn được không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị, nâng cao điều kiện sống của người dân.

5. Trường hợp quy hoạch đô thị mới, khu đô thị mới, nhiệm vụ quy hoạch phải xác định yêu cầu nghiên cứu để bảo đảm sự đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và kết nối hạ tầng kỹ thuật bên ngoài đô thị, có không gian kiến trúc và môi trường sống hiện đại.”

 

Tóm lại, có thể thấy phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch đô thị là một công việc chuyên môn và phức tạp. Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan. Chỉ như vậy, mới có thể tạo ra một quy hoạch đô thị khoa học, hiệu quả và phù hợp với thực tế.

Công ty Luật Hòa Nhựt trân trọng cảm ơn sự tin cậy và đồng hành của quý khách hàng trong suốt quá trình hợp tác. Chúng tôi cam kết cung cấp cho quý khách hàng những dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, chất lượng và tận tâm.

Chúng tôi sở hữu đội ngũ tư vấn viên giàu kinh nghiệm, năng động và thân thiện, luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng mọi lúc mọi nơi. Quý khách hàng chỉ cần liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại 1900.868644 hoặc email [email protected], chúng tôi sẽ tư vấn pháp lý trực tuyến cho quý khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp và phản hồi từ quý khách hàng để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao dịch vụ của chúng tôi. Sự hài lòng và ủng hộ của quý khách hàng là động lực để chúng tôi phát triển và hoàn thiện hơn.