Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không cần giấy chứng nhận

1. Quy định pháp luật vè cơ sở sản xuất thực phẩm

Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm.

Cơ sở sản xuất thực phẩm có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 7 Luật an toàn thực phẩm 2010. Cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm có những quyền sau đây:

- Quyết định và công bố các tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản xuất  và cung cấp. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm còn có quyền quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ để bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn.

- Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy.

- Sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các dấu hiệu khác cho sản phẩm theo đúng quy định pháp luật

- Khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những quyền mà cơ sở sản xuất được thực hiện thì pháp luật có quy định những nghĩa vụ mà cơ sở sản xuất kinh doanh phải tuân theo:

- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình sản xuất.

- Tuân thủ quy định của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng mà thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

- Thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa

- Thiết lập quy trình tự kiểm tra trong quá trình sản xuất thực phẩm

- Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm, cảnh báo kịp thời, đầy đủ, chính xác về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm, cách phòng ngừa cho người bán hàng và người tiêu dùng, thông báo yêu cầu về vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng thực phẩm.

- Kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện thực phẩm không an toàn hoặc không phù hợp tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

- Lưu giữ hồ sơ, mẫu thực phẩm, các thông tin cần thiết theo quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định pháp luật.

- Thu hồi, xử lý thực phẩm quá thời hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn. Trong trường hợp xử lý bằng hình thức tiêu hủy thì việc tiêu hủy thực phẩm phải tuân theo quy định pháp luật và phải chịu toàn bộ chi phí cho việc tiêu hủy đó.

- Tuân thủ quy định pháp luật, quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định pháp luật

- Phải bồi thường thiệt hại khi thực phẩm không an toàn do mình sản xuất gây ra.

2. Quy định pháp luật về cơ sở kinh doanh thực phẩm 

Kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm.

Cơ sở kinh doanh thực phẩm có những quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 8 Luật an toàn thực phẩm 2010. Cá nhân, tổ chức kinh doanh thực phẩm có những quyền như sau:

- Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn

- Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm. Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật

- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật

Bên cạnh những quyền mà cơ sở kinh doanh thực phẩm được hưởng thì cơ sở kinh doanh còn phải đảm bảo thực hiện những nghĩa vụ sau:

- Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh.

- Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm, lưu giữ hồ sơ về thực phẩm, thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định pháp luật

- Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm. Thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

- Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, các nhân sản xuất, nhập khẩu.

- Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn.

- Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngày hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra.

- Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.

- Tuân thủ quy định pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

- Đảm bảo chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định pháp luật.

- Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra. 

3. Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không cần giấy chứng nhận

Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ những trường hợp không cần Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và quá trình sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải tuân theo quy định của pháp luật.

Quy định về những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không cần có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động trừ 10 trường hợp không cần giấy chứng nhận theo quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

- Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ

- Cơ sở  sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định 

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh sơ chế nhỏ lẻ

- Cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm

- Nhà hàng trong khách sạn

- bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm

- Kinh doanh thức ăn đường phố

- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực. 

Như vậy, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc một trong mười trường hợp được liệt kê ở trên thì không cần có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động.

Bài viết trên đây về chủ đề: Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không cần giấy chứng nhận mà Luật Minh Khuê gửi tới các bạn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề pháp luật, đừng ngần ngại mà liên hệ với chúng tôi qua số hotline: 19008686844 hoặc email: [email protected] . Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi thắc mắc của bạn. Xin trân trọng cảm ơn.