Đối tượng nào được làm chủ doanh nghiệp tư nhân?

Khi thành lập doanh nghiệp tư nhân cần phải xác định đối tượng nào làm chủ doanh nghiệp. Vậy, theo quy định của pháp luật thì đối tượng nào được làm chủ doanh nghiệp tư nhân? Luật Hòa Nhựt sẽ hướng dẫn quý khách hàng như sau:

1. Định nghĩa doanh nghiệp tư nhân

Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì doanh nghiệp tư nhân được định nghĩa là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân bao gồm những đặc điểm sau:

- Do một cá nhân làm chủ doanh nghiệp và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình

- Không có tư cách pháp nhân

- Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào

- Không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân:

Doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nó có một số ưu điểm sau:

- Do doanh nghiệp tư nhân chỉ do 1 cá nhân làm chủ nên chủ sở hữu được toàn quyền trong việc quyết định mọi hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp;

- Vốn của doanh nghiệp cho chủ sở hữu tự đăng ký và không cần làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp (Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020).

- Vì chế độ chịu trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân là vô hạn nên có thể dễ dàng có được lòng tin từ khách hàng và các đối tác hơn (khách hàng hạn chế được tối đa rủi ro khi hợp tác.

- Doanh nghiệp tư nhân ít bị chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật hơn, có thể kiểm soát được rủi ro vì chỉ có duy nhất một người làm đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

- Vì doanh nghiệp tư nhân chỉ có một cá nhân làm chủ, không có sự liên kết góp vốn; khó có thể đáp ứng ngay nhu cầu cần có vốn lớn để kinh doanh. Và cũng chính vì chỉ có một người duy nhất nên dễ xảy ra quyết định một chiều; thiếu tính khách quan.

- Việc doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ một loại chứng khoán nào (Khoản 2 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020) cũng là một hạn chế cho việc huy động vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

- Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh, chủ doanh nghiệp tư nhân khác (Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020)

- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên không được tự mình thực hiện một số giao dịch mà pháp luật quy định.

- Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

- Chủ sở hữu chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình. Điều ngày có nghĩa là nếu tài sản của công ty không đủ để trả các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính khác thì chủ sở hữu sẽ phải dùng tài sản riêng của mình để giải quyết các khoản nợ này ngay cả khi công ty đã tuyên bố phá sản.

 

2. Đối tượng nào được làm chủ doanh nghiệp tư nhân

Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là người duy nhất đầu tư vốn và thành lập doanh nghiệp nên chủ doanh nghiệp tư nhân chính là cá nhân duy nhất có quyền quyết định tất cả các vấn đề về cơ cấu, tổ chức quản và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chủ doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của doanh nghiệp bằng tất cả tài sản của mình.

Cá nhân Việt Nam, cá nhân người nước ngoài thỏa mãn các điều kiện quy định trong Luật doanh nghiệp 2014, khoản 1 Điều 18 quy định có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân.

Dù chỉ có một chủ nhưng doanh nghiệp tư nhân vẫn là đơn vị mang tính chất một tổ chức kinh tế, có người điều hành quản lý và có người lao động.

Chủ doanh nghiệp tư nhân có phải là thương nhân không?

Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam không phân loại thương nhân, vì thế việc phân loại chỉ mang tính chất tham khảo. Theo đó, việc phân loại thương nhân được dựa theo những đặc tính sau: 

+ Tư cách pháp nhân;

+ Hình thức tổ chức;

+ Chế độ trách nhiệm tài sản;

+ Quốc tịch của thương nhân. 

Dựa vào căn cứ tư cách pháp nhân, có thể phân loại thương nhân thành thương nhân có tư cách pháp nhân và thương nhân không có tư cách pháp nhân.Theo pháp luật Việt Nam, để được công nhận là pháp nhân thì một tổ chức cần có đủ những điều kiện cơ bản như được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm độc lập bằng tài sản của mình và phải nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật. Với tiêu chí phân chia này, thương nhân có tư cách pháp nhân bao gồm các loại công ty được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách nhieemk hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Thương nhân không có tư cách pháp nhân bao gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh.

Vậy doanh nghiệp tư nhân hay chủ doanh nghiệp tư nhân là thương nhân? Cần xác định tư cách chủ thể khi thực hiện hành vi thương mại và đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để xác định vấn đề này:

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp cho doanh nghiệp tư nhân;

Quyền và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh được quy định cho doanh nghiệp tư nhân

DNTN là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác.

Chỉ trong các quan hệ tố tụng liên quan đến trách nhiệm cuối cùng và cao nhất đối với doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân mới là nguyên đơn hoặc bị đơn trước cơ quan tố tụng.

Do vậy, nên xác định tư cách doanh nghiệp tư nhân là thương nhân và thuộc loại thương nhân là tổ chức kinh tế.

Những trường hợp không có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân?

- Các cơ quan nhà nước, đơn vị Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam có sử dụng tài sản của nhà nước để thành lập doanh nghiệp tư nhân nhằm thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị của mình mình;

- Các cán bộ, công chức theo quy định hiện hành của pháp luật;

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp trong những cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan làm việc trong những cơ quan, đơn vị trực thuộc Công an nhân dân VIệt Nam;

- Các cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong những doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, trừ một số trường hợp theo quy định;

- Những cá nhân chưa thành niên; cá nhân bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Những cá nhân đang bị phạt tù hay đang bị cấm hành nghề kinh doanh;

- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

 

3. Quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân

Căn cứ quy định tại Điều 188, Điều 189, Điều 190, Điều 191, Điều 192, Điều 193 Luật doanh nghiệp 2020, quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được quy định như sau:

Quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân

- Toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: phương án phát triển công ty; điều hành hoạt động kinh doanh; cơ cấu tổ chức doanh nghiệp; quyết định đầu tư dự án; thuê lao động; bổ nhiệm các chức danh quản lý; việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

- Tự quyết định tăng giảm vốn điều lệ trong doanh nghiệp.

- Thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, 

- Cho thuê doanh nghiệp, bán doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật

Nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân

- Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân

- Bảo đảm các nghĩa vụ thuế cũng như các nghĩa vụ tài chính khác.

- Báo cáo tài chính theo định kỳ

- Thực hiện thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành cho thuê, bán hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Vai trò của chủ doanh nghiệp tư nhân

- Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Những quyền hạn này của Chủ doanh nghiệp tư nhân được pháp luật thừa nhận và quy định tại Điều 143 Luật doanh nghiệp 2005, Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 và hiện nay là Điều 190 Luật doanh nghiệp 2020.

Nếu quý khách hàng có nhu cầu thực hiện dịch vụ hãy gọi 1900.868644 hoặc gửi thư đến email [email protected] để được hướng dẫn.