Đơn đăng ký sáng chế tạm thời quy định như thế nào tại Việt Nam?

Đơn đăng ký sáng chế được nộp giúp xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Thời hạn bảo hộ của 1 sáng chế là từ thời điểm cấp bằng đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên trong một số trường hợp đơn chỉ được nộp để hưởng thời gian bảo hộ tạm thời hoặc người nộp đơn được hưởng quyền ưu tiên cho việc nộp đơn tại nước ngoài.

1. Đơn đăng ký sáng chế tạm thời được hiểu như thế nào?

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Giải pháp kỹ thuật ở đây được hiểu là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/ hoặc phương tiện kỹ thuật được ứng dụng các quy luật tự nhiên nhằm giải quyết một vấn đề xác định. Sáng chế được bảo hộ độc quyền dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Đơn đăng ký sáng chế là hồ sơ nộp tại Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế.

Đơn đăng kí bằng sáng chế tạm thời - thuật ngữ tiếng Anh là Provisional Patent Application.

Viễn dẫn quy định của Đạo luật Sáng chế Hoa Kỳ, đơn đăng ký bằng sáng chế tạm thời là tài liệu được cấp bởi Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kì (U.S. Patent and Trademark Office – USPTO) giúp bảo vệ những sáng chế mới không bị sao chép trong thời hạn là 12 tháng trước khi nhà sáng chế nộp đơn đăng ký sáng chế chính thức. Thủ tục này sẽ giúp các nhà sáng chế có thêm thời gian để trình bày ý tưởng, kiểm tra đánh giá tính khả thi khi đưa sáng chế vào khai thác thương mại hoặc cải thiện sản phẩm trước khi thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký sáng chế chính thức tốn nhiều thời gian và chi phí hơn.

Khi nộp đơn đăng ký sáng chế tạm thời, người nộp đơn có thể thể hiện hay đăng tải thông tin liên quan đến sản phẩm là "đang chờ cấp bằng sáng chế" để cho người tiêu dùng biết rằng đơn đăng kí sáng chế tạm thời đã được nộp.

 

2. Đặc điểm của đăng ký sáng chế tạm thời

Đơn đăng ký sáng chế tạm thời có các đặc điểm chủ yếu sau đây:

- Đơn đăng ký bằng sáng chế tạm thời là bước đầu tiên để nhận được bằng sách chế chính thức về một giải pháp kỹ thuật mới.

- Việc gắn chỉ dẫn sáng chế "đã nộp đơn đăng ký sáng chế" cho biết sản phẩm do tác giả nào sáng tạo, chủ sở hữu là ai và quyền được bảo vệ tạm thời.

- Đơn đăng ký sáng chế tạm thời không phải là đơn xin cấp bằng sáng chế thực sự.

- Đơn đăng ký tạm thời cung cấp cơ sở về ngày ưu tiên, giúp người nộp đơn được hưởng quyền ưu tiên khi đăng ký sáng chế quốc tế.

- Đơn đăng ký sáng chế tạm thời có thời hạn ưu tiên là 12 tháng kể từ ngày đơn đăng ký tạm thời được nộp và không thể gia hạn sau khi hết thời hạn 12 tháng.

Riêng trong quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ thì:

- Một đơn đăng ký sáng chế tạm thời không bắt buộc phải có một yêu cầu cấp bằng sáng chế chính thức hoặc một lời tuyên thệ hoặc tuyên bố. Và các thông tin của đơn sẽ không được công bố bởi Văn phòng Sáng chế Hoa Kỳ mà sẽ được giữ bí mật.

- Đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời bao gồm bản mô tả, hình vẽ mô tả và hướng sử dụng sáng chế của người nộp đơn. Tài liệu này thưởng chỉ có độ dài khoảng 5 - 10 trang và được viết bằng tiếng Anh đơn giản, không có ngôn ngữ phức tạp nào được sử dụng như trong các đơn xin cấp bằng sáng chế thông thường.

 

3. Lợi ích của việc nộp đơn đăng ký sáng chế tạm thời

Trong thực tế việc nộp đơn đăng ký sáng chế tạm thời mang lại cho chủ sở hữu nhiều lợi ích, bao gồm:

- Đơn đăng ký sáng chế tạm thời mang lại lợi ích của “ngày ưu tiên”. Kể từ ngày nộp đơn, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên Theo Công ước Paris 1883 về sở hữu công nghiệp, cụ thể là trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày nộp đơn người nộp đơn có quyền lấy đơn đăng ký sáng chế tạm thời tại Việt Nam để làm cơ sở ưu tiên khi nộp đơn đăng ký tại quốc gia khác. Ngày nộp đơn được lấy theo ngày nộp đơn của đơn đăng ký sáng chế tạm thời.

- Đơn đăng ký sáng chế tạm thời có chi phí rẻ hơn. Người đơn sẽ tiết kiệm được khoản phí về yêu cầu thẩm định nội dung.

- Đơn đăng ký sáng chế tạm thời không dẫn đến một bằng sáng chế. Nếu muốn được cấp bằng sáng chế người nộp đơn phải nộp đơn đăng ký chính thức và có yêu cầu thẩm định nội dung đơn.

- Đơn đăng ký sáng chế tạm thời cho người nộp đơn quyền tạm thời, cụ thể theo Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có quy định: Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế biết rằng sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.

Mặc dù đơn xin cấp bằng sáng chế tạm thời mang lại một số ưu điểm, nhưng nó cũng có nhược điêm là hiệu lực chỉ kéo dài 12 tháng tính từ ngày nộp đơn. Và khi công bố sáng chế sẽ bị mất tính mới, người nộp đơn không thể xin cấp bằng sáng chế cho sáng chế nếu vượt quá thời hạn ưu tiên là 12 tháng này. Trên thực tế, đơn đăng ký sáng chế tạm thời cần được thể hiện đầy đủ nội dung và yêu cầu bảo hộ đầy đủ như đơn chính thức nếu chủ sở hữu muốn được bảo vệ tất cả các quyền đối với tính năng đó. Nếu bất kỳ chi tiết hoặc thành phần thông tin nào bị bỏ sót, bằng sáng chế hoàn toàn có thể được cấp cho người khác bởi các tính năng đó nếu đáp ứng điều kiện về thủ tục đăng ký.

Tóm lại, đơn đăng ký tạm thời là một giải pháp nhanh chóng và tiết kiệm chi phí để chủ sở hữu và thiết lập ngày ưu tiên cho đơn sáng chế nộp tại các quốc gia khác theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong tương lai mà không ảnh hưởng đến thời hạn của các quyền đối với sáng chế. 

 

4. Chuẩn bị hồ sơ đăng ký sáng chế tạm thời

Để thực hiện việc nộp đơn đăng ký sáng chế để được hưởng quyền ưu tiên hay quyền tạm thời đối với sáng chế, chủ sở hữu cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký sáng chế theo quy định và đảm bảo tính hợp lệ về mặt hình thức của hồ sơ.

Các tài liệu trong hồ sơ đăng ký bao gồm:

- 02 Tờ khai đăng ký sáng chế, đánh máy theo mẫu tại Phụ lục 01 Nghị định 65/2023/NĐ-CP;

- 02 Bản mô tả sáng chế/ giải pháp hữu ích; Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích gồm có Phần mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ (nếu có);

- 02 Bản tóm tắt sáng chế/giải pháp hữu ích;

- Chứng từ nộp phí, lệ phí.

- Giấy ủy quyền (nếu đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích được nộp thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp);

- Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có);

- Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);

- Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên);

- Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

 

5. Chi phí nộp đơn đăng ký sáng chế tạm thời

Các khoản phí người nộp đơn phải trả cho Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ bao gồm:

- Lệ phí nộp đơn: 150.000 VNĐ

- Phí thẩm định hình thức: 180.000 VNĐ/01 điểm yêu cầu bảo hộ độc lập;

- Phí thẩm định hình thức từ trang thứ 7 bản mô tả trở đi: 8.000 VNĐ/01 trang;

- Phí phân loại (nếu có): 100.000 VNĐ/01 phân loại sáng chế quốc tế. Đơn đăng ký sáng chế hoặc đơn đăng ký giải pháp hữu ích cần được phân loại sáng chế quốc tế (IPC), trường hợp người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ tiến hành phân loại và người nộp đơn cần nộp phí phân loại này;

- Phí công bố đơn: 120.000 VNĐ;

- Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 VNĐ/hình;

- Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có): 600.000 VNĐ/01 đơn ưu tiên.

Do không có yêu cầu thẩm định nội dung đơn nên người nộp đơn đăng ký sáng chế tạm thời chỉ cần nộp các khoản phí trên cho 01 đơn đăng ký.

 

Trên đây là bài viết về Đơn đăng ký sáng chế tạm thời của Luật Hòa Nhựt. Trường hợp Quý khách hàng cần làm rõ thêm hoặc cần hỗ trợ về các vấn đề pháp luật khác, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các kênh:

Email: gửi yêu cầu dịch vụ qua email: [email protected] hoặc qua 1900.868644 để được hỗ trợ các vấn đề pháp luật khác.