Hàng thừa kế thứ 2 gồm những ai? Ví dụ về hàng thừa kế thứ 2

Hàng thừa kế được xác định khi di sản của người chết để lại thuộc trường hợp chia theo pháp luật. Về hàng thừa kế Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận gồm: hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai và hàng thừa kế thứ ba.

Pháp luật dân sự ghi nhận một người khi chết đi được quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật. Trong đó, di sản chia theo di chúc thì người thừa kế sẽ xác định dựa trên nội dung di chúc hợp pháp mà người chết đã xác lập khi còn sống còn trường hợp di sản để lại thuộc diện chia theo pháp luật (Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015) thì người thừa kế sẽ được xác định theo quy định pháp luật và khi đó sẽ phải xác định theo thứ tự hàng thừa kế.

1. Hàng thừa kế thứ hai gồm những ai?

Trên trang web Luật Hòa Nhựt chúng tôi đã có bài chia sẻ "Hàng thừa kế thứ nhất là gì", bạn đọc có thể tìm kiếm và tham khảo để hiểu rõ quy định về hàng thừa kế thứ nhất. Ở bài viết này chúng tôi tập trung phân tích và làm rõ quy định pháp luật về hàng thừa kế thứ hai.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, những người thừa ké theo pháp luật được phân thành các hàng thừa kế như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoài, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

- Hàng thừa kề thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Có thể thấy, pháp luật phân chia hàng thừa kế dựa trên mối quan hệ khăng khít, gần gũi trên cơ sở huyết thống, nghĩa vụ, bổn phận của các thế hệ trong gia đình. Trên thực tế theo lẽ thường với một cá nhân thì trước tiên bố mẹ (người sinh ra mình), con cái (người mình sinh ra) và vợ/chồng (người có mối quan hệ hôn nhân hợp pháp cùng chung sống mang nghĩa vụ và bổn phận theo quy định của pháp luật) sẽ là những quan quan trọng hàng đầu mà một cá nhân có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, đồng hành và những người này đã được ghi nhận ở hàng thừa kế thứ nhất. Điều đó đồng nghĩa, người mà người chết có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, sẻ chia đầu tiên sẽ là người được xét hưởng di sản mà người chết để lại trước tiên. 

Ở hàng thừa kế thứ hai pháp luật ghi nhận gồm có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết khi người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Vẫn theo lối tư duy thứ bậc về quan hệ khăng khít và gần gũi trong gia đình.

Đối với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại/cháu ruột: Bố mẹ - người sinh ra mình là người quan trọng thứ nhất thì ông, bà (người sinh ra bố, mẹ mình) sẽ là người quan trọng thứ hai, trên thực tế khi bố mẹ mất đi, con thường có bổn phận chăm sóc ông bà và ở chiều ngược lại, khi con cái mất đi, ông bà thường sẽ chăm lo cho cháu (con của con mình)

Đối với anh ruột, chị ruột, em ruột: Sở dĩ nhà làm luật sếp nhóm đối tượng này ở hàng thứ hai là bởi xét ở góc độ cá nhân từng người thì bản thân anh, chị, em ruột cũng đã có quyền là người thừa kế ở hàng thứ nhất của bố, mẹ, con, vợ/chồng của họ, do đó, trong mối quan hệ với người chết là anh, em ruột thì họ được xếp ở hàng thứ hai là hợp lý.

Nói tóm lại, việc phân định hàng thừa kế theo pháp luật của Việt Nam dựa trên truyền thống của mối quan gắn bó, khăng khít của gia đình người Việt Nam, dành ưu tiên hưởng di sản của người chết cho những người có mối quan hệ gần gũi nhất về mặt huyết thống và trách nhiệm bổn phận theo quy định pháp luật với mục đích các giá trị của tài sản để lại của người đã chết sẽ hỗ trợ phần nào những khó khăn về vật chất cho những người thân của người chết, và trước hết là dành cho những người mà người chết khi còn sống có nghĩa vụ ưu tiên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và đồng hành.

2. Ví dụ về hàng thừa kế thứ hai

Ông B kết hôn với bà H sinh được 3 người con là I, K, M. 

I kết hôn với D có 2 con chung là E và G

K kết hôn với C có 3 con chung là Y, T, Q

E kết hôn với S có 2 con chung là V và X.

Các mối quan hệ trong gia đình được xác định như sau:

Ông B và bà H là bố đẻ, mẹ đẻ của I, K, M

E, G, Y, T, Q là cháu ruột của ông B và bà H

V, X là chắt ruột của ông B và bà H

I, K, M là anh chị, em ruột của nhau.

Xác định hàng thừa kế thứ hai:

Trường hợp E (cháu ruột) chết thì hàng thừa kế thứ hai được xác định gồm: Ông B, bà H, và G (em ruột).

Trường hợp ông B chết thì hàng thừa kế thứ hai được xác định gồm: các cháu ruột E, G, Y, T, Q (con của hai người con mà ông B và bà H sinh ra)

3. Hàng thừa kế thứ hai được nhận thừa kế khi nào?

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước đó do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, những người ở hàng thừa kế thứ hai sẽ chỉ được hưởng thừa kế nếu cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, vợ/chồng của người để lại di sản thuộc diện đã chết/không có quyền hưởng di sản/bị truất quyền hưởng di sản/từ chối nhận di sản.

Trong đó:

- Người không được quyền nhận di sản là người thuộc trường hợp: bị kết án (truy cứu trách nhiệm hình sự) về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản (con không nuôi dưỡng cha, mẹ, đuổi cha mẹ ra ngoài đường ăn xin, đau ốm, bệnh tật); người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chú; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý muốn của người để lại di sản.

- Người bị truất quyền thừa kế là người bị người để lại di sản có di chúc trong đó thể hiện nội dung truất quyền hưởng di sản.

- Người từ chối nhận di sản là người theo ý chí của họ, họ không nhận di sản mà người chết để lại theo di chúc và cả phần di sản được chia theo pháp luật được thể hiện bằng văn bản và thể hiện ý chí đó trước thời điểm phân chia di sản.

Như vậy, hiểu đơn giản nhất, khi di sản được chia theo pháp luật ngay cả khi ở hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn duy nhất 1 người thừa kế thì toàn bộ di sản của người chết để lại sẽ chia cho người thừa kế duy nhất này. Những người ở hàng thừa kế thứ hai chỉ được xác định để được hưởng thừa kế khi và chỉ khi không một trường hợp nào thuộc hàng thừa kế thứ nhất đủ điều kiện hưởng di sản. Những người ở hàng thừa kế thứ hai khi được chia thừa kế thì cũng sẽ được hưởng một phần bằng nhau.

Trường hợp bạn đọc có vướng mắc pháp lý liên quan đến thừa kế cần giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được Luật sư tư vấn pháp luật giao thông hỗ trợ trực tiếp bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp luật thừa kế của Luật Hòa Nhựt. Rất mong nhận được sự hợp tác!