Hiểu thế nào về tội phạm chứng khoán? Các nhóm tội phạm về chứng khoán?

Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là một khái niệm hoàn toàn mới cả về góc độ pháp lý và thực tiễn. Xét dưới góc độ khoa học Luật hình sự và tội phạm học hiện đang tồn tại hai quan điểm về tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Căn cứ pháp lý:

- Bộ Luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009;

- Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;

1. Hiểu thế nào về tội phạm chứng khoán?

Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là một khái niệm hoàn toàn mới cả về góc độ pháp lý và thực tiễn. Xét dưới góc độ khoa học Luật hình sự và tội phạm học hiện đang tồn tại hai quan điểm về tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là các tội phạm về chứng khoán gồm: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b); Tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c). Những người theo quan điểm này cho rằng: tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là loại tội phạm hoàn toàn mới, đòi hỏi có hệ thống quy phạm pháp luật hình sự riêng để điều chỉnh. Tính mới của loại tội phạm này là ở chỗ: Việc thực hiện các tội phạm này cần phải đặt trong một môi trường nhất định, môi trường mà ở đó thông tin là tài sản, người có được thông tin là người chiến thắng, người thực hiện đòi hỏi phải là người có được thông tin và có một kiến thức nhất định về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Việc điều tra, truy tố cũng phải do những người có kiến thức về chứng khoán thực hiện. Ngoài ra với loại tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì địa điểm, thời gian thực hiện tội phạm thường không đồng nhất với địa điểm, thời gian mà thiệt hại xảy ra mối quan hệ từ trước giữa người phạm tội và người bị hại thường không tồn tại, đôi khi người bị hại không biết rằng mình là nạn nhân. Phần lớn người bị thiệt hại đổ lỗi cho chính bản thân mình hoặc do yếu tố thị trường tác động.

- Quan điểm thứ hai thì lại cho rằng: tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là các tội phạm lợi dụng thị trường chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội gồm các tội phạm như: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140); Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng  (Điều 165); Tội rửa tiền  (Điều 251); Tội tham ô tài sản  (Điều 139),....Những người theo quan điểm này thì lập luận: tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, về bản chất chỉ là những hình thức biểu hiện mới của các tội phạm truyền thống. Chẳng hạn các hành vi thao túng giá trên thị trường chứng khoán, cùng một lúc vừa đặt lệnh mua vừa đặt lệnh bán, hành vi cố ý công bố thông tin sai lệch để trục lợi... chính là hành vi xâm phạm sở hữu thuộc các tội truyền thống như tội đầu cơ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lừa dối khách hàng...Hơn nữa hiện nay lĩnh vực chứng khoán cũng đã có nhiều văn bản luật trực tiếp điều chỉnh, và cũng có những chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm và thực tiễn trong thời gian qua ở nước ta, hàng loạt các vụ án trong lĩnh vực chứng khoán được xử lý theo hướng này như vụ: Trần Quốc Trung (28 tuổi, ngụ thành phố Biên hòa, Đồng Nai), nguyên nhân viên môi giới công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ngày 26/3/2014 hay tương tự như vụ Phạm Lê Anh, 36 tuổi, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng thủ đoạn lừa bán 8.400 cổ phiếu của nhiều Công ty trên địa bàn thành phố Hà Nội chiếm đoạt số tiền 2,5 tỉ đồng...

Qua phân tích các quan điểm trên cho thấy mỗi quan điểm đều có những ý kiến nhất định theo cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, thuật ngữ lĩnh vực chứng khoán là thuật ngữ rất rộng. Để có thể phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán đạt kết quả, luận án tiếp cận theo cả hai hướng có nghĩa tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm các tội phạm về chứng khoán và các tội phạm lợi dụng thị trường chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán ở nước ta. Với cách tiếp cận trên có thể đưa ra khái niệm: Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý xâm phạm đến trật tự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, làm rối loạn hoạt động bình thường của thị trường chứng khoán và đáng bị xử lý bằng hình phạt.

Như vậy, với việc quy định tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để đảm bảo cho thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động lành mạnh trong nền kinh tế thị trường góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập sâu rộng nền kinh tế quốc tế.

2. Đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán

Trên cơ sở khái niệm về tội phạm trong linh vực chứng khoán có thể rút ra những đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Nghiên cứu về đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện hành vi phạm tội, phân biệt tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán với các tội phạm truyền thống, làm cơ sở để xây dựng các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Qua nghiên cứu cho thấy tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán có những đặc điểm cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán thì máy tính, mạng internet, các thiết bị điện tử đóng vai trò là phương tiện quan trọng để thực hiện tội phạm. Đây là đặc điểm đặc trưng của tội phạm trong lĩnh vực này. Nếu như ở tội phạm truyền thống vai trò của máy tính, mạng internet, các thiết bị điện tử đóng vai trò thứ yếu thì tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, vai trò của máy tính, mạng internet, các thiết bị điện tử là không thể thiếu được. Bởi tham gia vào hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán bắt buộc phải thực hiện thông qua hệ thống mạng trung gian của sàn giao dịch chứng khoán. Do vậy khi thu thập thông tin tài liệu chứng cứ trong đó có chứng cứ điện tử cần chú ý tới các phương tiện điện tử, máy tính là phương tiện mà đối tượng thực hiện giao dịch mua bán để kịp thời thu thập chứng cứ.

Thứ hai, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán phần lớn là những người có hiểu biết sâu sắc về chứng khoán, thị trường chứng khoán, về công nghệ thông tin. Cũng giống như các tội phạm truyền thống khác, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán là những cá nhân ở độ tuổi có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối với các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, các chủ thể này thường là những người có hiểu biết, có khả năng khai thác, sử dụng thành thạo công nghệ máy tính, công nghệ mạng, có hiểu biết sâu sắc về chứng khoán, thị trường chứng khoán. Do đó các chủ thể này dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội và gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ ba, các hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán rất đa dạng, cấu thành nhiều tội phạm cụ thể khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điển hình là: Các nhóm hành vi xâm phạm sở hữu, phổ biến trong thời gian qua là các hành vi phạm tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thuộc cấu thành các tội phạm xâm phạm sở hữu mà tài sản bị xâm phạm thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động thị trường chứng khoán. Điển hình của nhóm hành vi này trong thời gian gần đây là lừa đảo mua bán chứng khoán… Các hành vi sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản qua hệ thống ngân hàng với thủ đoạn sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, thông qua mạng Internet xâm nhập trái phép vào hệ thống tài khoản trong công ty chứng khoán… để chiếm đoạt tiền trong tài khoản, hoặc thay đổi lệnh mua, bán chứng khoán trên các sàn giao dịch chứng khoán. Các hành vi rửa tiền, chủ thể thực hiện hành vi này chủ yếu là các đối tượng người nước ngoài sử dụng tiền, tài sản có được thông qua hoạt động phạm tội để mua bán chứng khoán trong lĩnh vực chứng khoán… nhằm hợp pháp hóa tiền, sau đó thông qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam chuyển tiền về các tài khoản của chúng tại nước ngoài. Tuy nhiên, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao. Các hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, với các hành vi phổ biến như thông qua hoạt động thị trường chứng khoán kinh doanh trái phép, trốn thuế....

3. Khái quát về các loại tội phạm có liên quan đến hoạt động chứng khoán

Nhóm các loại tội phạm có liên quan đến hoạt động chứng khoán: Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán; Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán.

Trong lúc các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, tiền số…không còn an toàn và tiềm năng, đầu tư chứng khoán lại trở thành một trong kênh đầu tư thu hút được nhiều nhà đầu tư bởi lợi nhuận, tính thanh khoản mà thị trường này đem lại. Tuy nhiên, lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao. Rủi ro của kênh đầu tư chứng khoán không chỉ đến từ quy luật giá cả, quy luật cạnh tranh mà nó còn đến từ việc sở hữu, sử dụng các thông tin trên thị trường. Do đó, để đảm bảo hoạt động của thị trường chứng khoán diễn ra công khai, minh bạch, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Nhà nước đã quy định và xử lý các tội phạm có liên quan đến hoạt động chứng khoán. Các hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động chứng khoán có thể chia làm ba nhóm hành vi chính, cụ thể:

4. Các hành vi tác động đến thị trường chứng khoán

Nhóm 1 bao gồm các hành vi tác động đến thị trường chứng khoán thông qua sử dụng thông tin trên thị trường chứng khoán như: lợi dụng việc có được thông tin nội bộ hoặc đưa ra các thông tin không có thật hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.

5. Các hành vi cụ thể để thao túng thị trường chứng khoán

Nhóm 2 bao gồm các hành vi cụ thể để thao túng thị trường chứng khoán để thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại cho các nhà đầu tư như: (i) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với người khác để liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; (ii) Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo; (iii) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường; (iv) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán; (v) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó; (vi) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

6. Hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán

Nhóm 3 bao gồm hành vi làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán nhằm thu lợi bất chính.

Bảo vệ thông tin và giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp niêm yết đang bảo vệ tài sản của Công ty và tài sản của các cổ đông. Làm thế nào để phát hiện, khắc phục hậu quả và hạn chế các thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến chứng khoán gây ra trong “thế giới phẳng” về thông tin như hiện nay là một thách thức rất lớn đối với các công ty cổ phần niêm yết. Với kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp và tố tụng hình sự, Lê & Trần có thể đưa ra các đánh giá về tình hình hiện tại của doanh nghiệp để từ đó đề xuất những lựa chọn tối ưu nhất khi đối mặt với các hành vi phạm tội trong lĩnh vực chứng khoán. Bằng tư duy, lập luận sắc bén cũng như sự am hiểu sâu sắc về lĩnh vực hình sự, đội ngũ Luật sư chúng tôi tự tin có thể tư vấn, đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp chống lại các hành vi phạm tội, góp phần kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh chứng khoán minh bạch, công bằng.

6.1 Thao túng thị trường là gì?

Thao túng thị trường là một hình thức lạm dụng thị trường, chẳng hạn như lan truyền thông tin sai lệch thị trường, nhập lệnh mua và bán cho cùng một mã chứng khoán ở cùng một mức giá, che giấu tỷ lệ sở hữu khi luật pháp yêu cầu báo cáo.

6.2 Pháp nhân phạm tội thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý như thế nào?

Pháp nhân thương mại phạm tội bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 211 Bộ luật Hình sự, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

6.3 Thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý như thế nào?

Cá nhân phạm tội:

- Người nào thực hiện một trong các hành vi tại mục (1) thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Có tổ chức;

+ Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên;

+ Gây thiệt hại cho nhà đầu tư 3.000.000.000 đồng trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!