1. Hàng thừa kế thứ hai là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự hàng sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ ba.
Về nguyên tắc áp dụng thứ tự hàng thừa kế, các cá nhân phải tuân thủ theo nguyên tắc như sau: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Tức ở đây, thứ tự các hàng sẽ được sắp xếp theo sự ưu tiên. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp hàng thừa kế thứ nhất không còn ai, thì mới đến các chủ thể của hàng thừa kế thứ hai được hưởng di sản thừa kế. Nếu hàng thừa kế thứ hai không còn chủ thể nào, thì các đối tượng tại hàng thừa kế thứ ba sẽ được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Thứ tự các hàng thừa kế được xác định dựa trên quan hệ huyết thống, pháp luật gần gũi giữa người để lại di sản thừa kế với các chủ thể liên quan.
Theo đó, tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hàng thừa kế thứ hai như sau:
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu, hàng thừa kế thứ hai là một hàng thừa kế theo quy định của pháp luật. Tại đó, các đối tượng trong hàng thừa kế này sẽ thuộc thứ tự ưu tiên thứ hai trong diện hàng nhận di sản thừa kế theo pháp luật. Nếu đảm bảo đủ điều kiện pháp lý, các cá nhân thuộc hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng di sản thừa kế do người mất không để lại di chúc để lại.
Về cơ bản, hàng thừa kế thứ hai cũng là một trong những đối tượng thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015. Những chủ thể nằm trong hàng thừa kế này sẽ có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.
2. Khi nào hàng thừa kế thứ hai được hưởng thừa kế di sản?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản theo nguyên tắc những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó, hàng thừa kế thứ 2 được xét để hưởng di sản thừa kế trong các trường hợp sau:
- Người để lại di sản không có di chúc
- Di chúc không hợp pháp
- Hàng thừa kế thứ 1 không còn ai, do đã chết hoặc không có quyền hưởng di sản;
- Người ở hàng thừa kế thứ 1 bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thừa kế;
Mỗi người thuộc hàng thừa kế thứ hai khi được áp dụng quyền thừa kế di sản thì được hưởng phần tài sản bằng nhau.
Như vậy, việc phân định hàng thừa kế theo pháp luật của Việt Nam dựa trên truyền thống của mối quan gắn bó, khăng khít của gia đình người Việt Nam, dành ưu tiên hưởng di sản của người chết cho những người có mối quan hệ gần gũi nhất về mặt huyết thống và trách nhiệm bổn phận theo quy định pháp luật với mục đích các giá trị của tài sản để lại của người đã chết sẽ hỗ trợ phần nào những khó khăn về vật chất cho những người thân của người chết, và trước hết là dành cho những người mà người chết khi còn sống có nghĩa vụ ưu tiên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và đồng hành.
3. Tại sao pháp luật ưu tiên chia di sản thừa kế theo di chúc?
Đa phần trường hợp phát sinh thừa kế theo pháp luật thường là liên quan đến việc chủ thể qua đời không để lại di chúc hoặc nội dung di chúc không hợp pháp…Nghĩa là việc phân chia di sản thừa kế phải được xem xét người có tài sản đã qua đời có lập di chúc hay không? Sau đó xem xét di chúc có đáp ứng các điều kiện hợp pháp hay không? Nếu bản di chúc được lập đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật thì sẽ tiến hành phân chia di sản theo di chúc. Các trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp mới xem xét đến việc phân chia di sản theo pháp luật. Có thể hiểu pháp luật đang ưu tiên việc phân chia thừa kế theo di chúc.
Di sản thừa kế là những di sản thuộc quyền sở hữu của đã qua đời. Theo quy định pháp luật thì người sở hữu tài sản thông thường sẽ phát sinh quyền sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) với tài sản đó. Vậy thừa kế theo di chúc là người có tài sản đang thực hiện quyền định đoạt của mình để xem xét chia cho người nào? Chia như thế nào? Một số tài sản thường dùng để phân chia di sản thừa kế như: quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, tiền, xe ô tô… Tóm lại, lý do pháp luật quy định ưu tiên việc thừa kế theo di chúc là tôn trọng quyền định đoạt của người có tài sản, bảo đảm việc phân chia di sản phù hợp với ý chí nguyện vọng của người lập di chúc.
Căn cứ theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đặc biệt, trong một số trường hợp như phần di sản không được định đoạt trong di chúc, có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực, có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng từ chối nhận di sản, không có quyền hưởng di sản… thì di sản cũng được chia theo pháp luật.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật hiện nay đang ưu tiên chia thừa kế theo di chúc. Chỉ khi không thể chia theo di chúc thì mới chia thừa kế theo pháp luật. Vậy tại sao lại có sự ưu tiên này?
Người lập di chúc là người có tài sản và mong muốn để lại tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác sau khi chết. Đặc biệt, Điều 626 BLDS nêu rõ quyền của người lập di chúc gồm:
- Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Do đó, có thể thấy, việc chỉ định và phân chia di sản hoàn toàn dựa vào ý chí của người lập di chúc. Người lập di chúc có toàn quyền định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Bởi vậy, nếu di chúc hợp pháp, việc phân chia di sản thừa kế phải ưu tiên theo di chúc.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý các trường hợp người thừa kế được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nêu tại Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể, trong trường hợp không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó thì những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật:
- Con chưa thành niên;
- Cha, mẹ;
- Vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Nếu những đối tượng này đã từ chối nhận di sản hoặc là người không có quyền hưởng di sản thì không được áp dụng quy định này.
Nói tóm lại, pháp luật ưu tiên chia di sản thừa kế theo di chúc hơn vì bản chất của việc chia thừa kế là chuyển tài sản của người để lại di sản cho người khác sau khi chết.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Khi nào hàng thừa kế thứ hai được hưởng thừa kế di sản? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!