Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bị xử lý như thế nào?

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản tin, giao tài sản cho người phạm tội để chiếm đoạt tài sản đó. Vậy hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bị xử lý như thế nào?

1. Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng trong các lĩnh vực kinh doanh

Lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng:

Đối với đối tượng ngoài ngành ngân hàng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường sử dụng các thủ đoạn:

- Thế chấp khống hàng hóa với khối lượng lớn tuy thực chất chỉ có một ít hàng; lập hợp đồng kinh tế khống, hợp đồng thuê kho ba bên khống, hóa đơn VAT khống, hóa đơn VAT giả… trường hợp này thường có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng, sau khi thế chấp vay được tiền đối tượng sẽ chiếm đoạt khoản tiền đó;

- Thế chấp ngân hàng bằng hàng hóa hình thành từ vốn vay, ngân hàng giám sát không chặt chẽ để khách hàng bán tài sản nhưng không trả nợ;

- Lập hồ sơ, phương án kinh doanh giả, sử dụng tài sản thế chấp không thuộc quyền sở hữu của mình để móc nối vay tiền ngân hàng;

- Lợi dụng thuê nhà, thuê đất để kinh doanh rồi dùng giấy tờ sở hữu của chủ nhà, chủ đất làm giả sang tên cho mình hoặc làm sổ đỏ giả thế chấp vay tiền ngân hàng, chiếm đoạt.

Lừa đảo trong lĩnh vực tài chính:

- Sử dụng những giấy tờ giả các Tổ chức quốc tế, cơ quan Nhà nước… lừa đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về cho vay tín dụng; 

- Lập công ty “ma”, tổ hợp “ma” vay tiền, huy động vốn. Hiện nay xuất hiện rất nhiều những trang web lập nên nhằm mục đích lừa đảo dưới hình thức huy động tài chính đa cấp.

Lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán:

- Nhận vay hộ vốn ngân hàng bằng sổ đỏ. 

- Mang đất đã thế chấp vay vốn ngân hàng ra chia lô để bán;

- Dùng thủ đoạn gian dối, mạo nhận quen biết với các cán bộ quan chức, người có chức vụ, quyền hạn, làm việc tại các cơ quan Nhà nước...

- Mạo danh nhà đầu tư thứ cấp của các công ty bất động sản lớn để kêu gọi đầu tư, rao bán nhà và lừa gạt khách hàng;

- Làm giả giấy tờ, tài liệu, các quyết định giao đất của các cơ quan như: UBND thành phố, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Kế hoạch đầu tư...

- Làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc làm giả bộ hồ sơ, hợp đồng góp vốn, mua căn hộ, nhà đất của một chủ đầu tư dự án có thật để thu tiền, chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

Lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động:

- Thông qua việc môi giới lao động, tổ chức đưa lao động đi nước ngoài; 

- Đăng ký thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn với chức năng xúc tiến việc làm tạo vỏ bọc để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 

- Móc nối, mua chuộc một số cán bộ có chức vụ, quyền hạn, núp bóng dưới danh nghĩa các cơ quan nhà nước, các trung tâm quốc tế có chức năng xuất khẩu lao động để lừa đảo;

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua tin nhắn rác và mạng xã hội facebook, zalo:

Lợi dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, mạng internet, mạng viễn thông đưa ra thông tin trúng thưởng để lừa đảo, như: gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng đến các số điện thoại, gửi các đường link thông báo trúng thưởng đến các tài khoản trong trang mạng xã hội (facebook, zalo, skype, viber…), các website game. Nội dung tin nhắn thông báo trúng thưởng có hình thức phổ biến như: Thông báo bạn đã trúng thưởng giải nhất của chương trình sự kiện vàng tri ân khách hàng facebook gồm 01 xe máy Vision, 01 Phiếu quà tặng trị giá 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng), 01 phiếu sử dụng xăng miễn phí 01 năm của Petrolimex do Tập đoàn Messenger và Honda đồng tài trợ...

2. Xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người?

Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 số lượng người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là yếu tố trực tiếp để xác định khung hình phạt của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể được xem là 1 căn cứ để xét xem tội phạm có tính chất chuyên nghiệp hay không, có tái phạm nguy hiểm hay không,... để áp dụng khung hình phạt đối với tội phạm

Khung hình phạt cơ bản của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác như:

- Các khung hình phạt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác: Phạt tù từ 02 - 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường:

+ Phạm tội có tổ chức;

+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng;

+ Tái phạm nguy hiểm;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

- Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để lừa đảo.

- Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân khi lừa đảo tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để chiếm đoạt tài sản.

3. So sánh Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có nhiều điểm tưởng như giống nhau nhưng đây là hai tội độc lập, hoàn toàn khác nhau.

Giống nhau:

+ Cả hai tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tàu sản đều xâm phạm đến khách thể là quyền sở hữu đối với tài sản;

+ Mặt khách quan của cả hai tội đều được thực hiện bằng phương pháp hành động, đều thể hiện ở hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Hai tội này đều dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Cả hai tội đều được coi là hoàn thành từ khi chiếm đoạt được tài sản.

+ Mặt chủ quan của tội lừa đảo và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều có hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội đều thấy trước hành vi lừa đảo hoặc hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là nguy hiểm cho xã hội, hành vi ấy đều gây thiệt hại cho quyền sở hữu của chủ tài sản, tuy nhiên người phạm tội đều mong muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác với mục đích vụ lợi.

+ Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đều là bất kỳ người nào, đủ độ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

+ Để truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội này, điều luật đều quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị thấp hơn mức quy định thì đòi hỏi người thực hiện hành vi phải đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc hành vi chiếm đoạt tài sản gây hậu quả nghiêm trọng.

Sự khác nhau:

+ Hai tội khác nhau về giá trị của tài sản bị chiếm đoạt quy định trong khoản 1 của hai điều luật. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt ở tội lừa đảo là từ 2.000.000 đồng trở lên; Giá trị tài sản bị chiếm đoạt ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là từ 4.000.000 đồng trở lên.

+ Thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của hai tội này hoàn toàn khác nhau:

Người lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ. Để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Chính thủ đoạn gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản. Thủ đoạn gian dối là nguyên nhân nhận được tài sản của người khác để chiếm đoạt tài sản ấy.

Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác với người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản có tính chất gian dối. Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng với chủ tài sản để chủ tài sản giao tài sản cho người phạm tội. Họ nhận được tài sản từ chủ tài sản một cách hợp pháp, ngay tình. Sau khi nhận được tài sản người phạm tội mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy. Sự gian dối chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín của chủ tài sản.

+ Hình phạt quy định với tội lừa đảo nặng hơn so với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Hình phạt cao nhất với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tù chung thân; Hình phạt cao nhất với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là 20 năm tù.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bị xử lý như thế nào? mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.

Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email:[email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!