Nếu thôi quốc tịch Việt Nam thì có ảnh hưởng đến quyền thừa kế đất đai không?

Thưa luật sư, Tôi là T. Hiện gia đình tôi đang sống tại đất nước Hà Lan. Tôi đang tiến hành xin quốc tịch Hà Lan. Tôi hiện đang có quốc tịch Việt nam. Tôi có nguyện vọng giữ cả 2 quốc tịch.

Tôi đang hoàn thiện hồ sơ để xin đăng ký quốc tịch Hà Lan, bên tư pháp Hà Lan có đưa thông tin: Theo pháp luật Hà Lan muốn gia nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp việc thôi quốc tịch Việt Nam sẽ làm tôi mất quyền lợi ví dụ như quyền lợi về thừa kế hoặc ảnh hưởng đến việc thừa kế.

Về quyền thừa kế: Bố mẹ tôi có lập di chúc để lại mảnh đất ông bà đang ở cho tôi thừa kế vào ngày 2 tháng 10 năm 2020.

Vậy cho tôi hỏi, nếu tôi thôi quốc tịch Việt Nam thì có ảnh hưởng đến quyền thừa kế mảnh đất mà bố mẹ cho tôi không? Cũng như ảnh hưởng đến quyền sở hữu đất tại Việt Nam như thế nào ạ?

Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Căn cứ quy định tại: Bộ luật dân sự năm 2015; Luật quốc tịch Việt Nam 2008; Luật đất đai 2013; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014; Luật Nhà ở 2014 có thể phân tích cụ thể như sau:

Quốc tịch Việt Nam thể hiện mối quan hệ gắn bó của cá nhân với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam đối với Nhà nước và quyền, trách nhiệm của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với công dân Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 2 Luật quốc tịch Việt Nam 2008: Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch.

1. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp:

1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam. Do đó, nếu Qúy khách không thuộc hai trường hợp nêu trên thì Qúy khách vẫn có quốc tịch Việt Nam.

Hiện tại, Qúy khách vẫn có Quốc tịch Việt Nam, vì vậy đối với quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Qúy khách có đầy đủ quyền theo quy định tại tại Điều 166 Luật Đất đai 2013 quy định về quyền chung của người sử dụng đất như sau:

“Điều 166. Quyền chung của người sử dụng đất

1. Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

2. Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

3. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.

4. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.

5. Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.

6. Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, người sử dụng đất còn có các quyền quy định tại Điều 167 Luật đất đai 2013: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

Nếu Qúy khách thôi quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch Hà Lan thì Qúy khách được xác định là người có quốc tịch nước ngoài. Vì theo Khoản 1 Điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch của một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam. Và Khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định:

1. Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. 

Khi quý khách là người có quốc tịch nước ngoài thì việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo Khoản 3 Điều 186 Luật đất đai 2013:

“Điều 186. Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam

3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính. 

Như vậy, trường hợp quý khách là người người nước ngoài, căn cứ quy định nêu trên không được đứng tên trên Giấy chứng nhận sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được quyền chuyển nhượng theo quy định nêu trên.

2. Về vấn đề nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

Căn cứ quy định tại Điều 5 và Điều 169 Luật Đất đai 2013 thì người nước ngoài không thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Do đó, người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

3. Người nước ngoài có được mua nhà ở tại Việt Nam?

Theo khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật liên quan.

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi là tổ chức).

- Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua 02 nhóm hình thức sau:

- Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam;

- Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

4. Điều kiện để người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam?

Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định:

"Điều 74. Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

2. Đối với tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng quy định tại Điều 159 của Luật Nhà ở và có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư)."

Theo Điều 74 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở thì người nước ngoài thuộc đối tượng trên thì có quyền mua nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên để được mua nhà thì phải có giấy tờ chứng minh. Cụ thể:

Trường hợp 1: Điều kiện với tổ chức

Tổ chức thì phải Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp còn hiệu lực tại thời điểm ký hợp đồng mua nhà, thuê mua nhà ở.

Trường hợp 2: Điều kiện với cá nhân

Cá nhân người nước ngoài phải đáp ứng 02 điều kiện sau:

- Có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam;

- Không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Tư vấn về Luật quốc tịch Việt Nam”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách trực tiếp qua số điện thoại tư vấn pháp luật thừa kế: 1900.868644. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Trân trọng cảm ơn!