Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có người tham nhũng có bị ảnh hưởng?

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có người tham nhũng có bị ảnh hưởng không, tại bài viết này Luật Hòa Nhựt sẽ trao đổi để giải đáp thắc mắc về vấn đề trên.

1. Khi nào thì được xem là có hành vi tham nhũng?

Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Các hành vi tham nhũng có thể xảy ra ở trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì các hành vi sau được coi là hành vi tham nhũng.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ;

- Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

- Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

- Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

- Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

- Tham ô tài sản;

- Nhận hối lộ; 

- Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. 

Việc xử lý người có hành vi tham nhũng theo quan điểm của Đảng và Nhà nước là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác. Người có hành vi tham nhũng như đã nêu ở trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có người tham nhũng có bị ảnh hưởng?

Đầu tiên để khẳng định việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức thì chắc chắn người vi phạm người có hành vi tham nhũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên chịu trách nhiệm chung vẫn là người đứng đầu cơ quan, tổ chức có người tham nhũng đó, do vậy tùy thuộc vào mức độ, tính chất của vụ việc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có người tham nhũng sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 77 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng, chống tham nhũng như sau:

- Đối với trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau như khiển trách; cảnh cáo hoặc cách chức.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành và điều lệ của tổ chức đó.

- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Người đứng đầu cơ quan hoặc tổ chức phải chịu trách nhiệm về việc giám sát và kiểm soát hành vi của nhân viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người đứng đầu đó quản lý. Nếu có dấu hiệu hoặc bằng chứng về hành vi tham nhũng trong tổ chức, người đứng đầu có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật. 

Như vậy người đứng đầu cơ quan, tổ chức mà có người vi phạm có hành vi tham nhũng hoặc chính người đứng đầu đó có hành vi tham nhũng thì sẽ bị xử lý theo quy định đối với người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét áp dụng tăng hình thức kỷ luật.

 

3. Căn cứ để xác định trách nhiệm và áp dụng hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có người tham nhũng

Căn cứ xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách được quy định tại Điều 76 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì gồm có các căn cứ sau:

- Việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng.

- Mức độ của vụ việc tham nhũng được xác định như sau:

+ Vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng chưa đến mức bị xử lý hình sự hoặc bị xử lý hình sự bằng hình thức phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Đối với các vụ việc này sẽ bị áp dụng hình thức khiển trách được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu, cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng.

+ Vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm. Đối với những vụ việc này sẽ áp dụng hình thức cảnh cáo được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

+ Vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 07 năm đến 15 năm.

+ Vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Đối với hai trường hợp vụ việc trên sẽ áp dụng hình thức cách chức được áp dụng trong trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

- Trách nhiệm xem xét xử lý kỷ luật: Trong vòng 30 ngày làm việc, tính từ ngày có kết luận chính thức từ cơ quan hoặc người có thẩm quyền về vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc từ ngày bản án về tham nhũng có hiệu lực pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hoặc đơn vị cấp trên trực tiếp phải xem xét xử lý kỷ luật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hoặc đơn vị có trách nhiệm trực tiếp, hoặc trách nhiệm liên đới trong trường hợp tham nhũng xảy ra.

Nếu quý khách có bất kỳ vấn đề nào liên quan đến nội dung bài viết hoặc pháp lý, chúng tôi khuyến khích quý khách liên hệ trực tiếp đến hotline 1900.868644 hoặc gửi email tới địa chỉ [email protected]. Đội ngũ chuyên viên của chúng tôi sẽ sẵn lòng hỗ trợ và giải quyết mọi thắc mắc của quý khách một cách tận tâm và chuyên nghiệp.