Tại sao một số sổ đỏ không ghi kích thước thửa đất?

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thì sơ đồ thửa đất thể hiện các thông tin bao gồm: Hình thể thửa đất, chiều dài các cạnh thửa; Số hiệu thửa hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc – Nam,... Vậy tại sao hiện nay một số sổ đỏ không ghi kích thước thửa đất ?

1. Quy định pháp luật các thời kỳ về việc sổ đỏ phải ghi kích thước thửa đất

Tính đến hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản quy định về mẫu Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng). Theo đó, các văn bản này đều quy định về sơ đồ thửa đất và có yêu cầu phải ghi rõ kích thước (chiều dài các cạnh của thửa đất), cụ thể:

– Quyết định 24/2004/QĐ-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/12/2004 và tới ngày 15/8/2006 hết hiệu lực. Trong đó, điểm b khoản 6 Điều 3 Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định này đã quy định: “Sơ đồ thửa đất phải ghi chiều dài cạnh thửa đất dọc theo cạnh thửa.”.

– Quyết định 08/2006/QĐ-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/8/2006 và tới ngày 10/12/2009 hết hiệu lực. Trong đó, quy định sơ đồ thửa đất phải thể hiện chiều dài các cạnh thửa đất ghi theo đơn vị mét (m) và làm tròn đến một chữ số thập phân.

– Điểm a khoản 1 Điều 9 Thông tư 17/2009/TT-BTNMT (hết hiệu lực từ ngày 05/7/2014); Theo Điểm a Khoản 1 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thì sơ đồ thửa đất thể hiện các thông tin bao gồm: Hình thể thửa đất, chiều dài các cạnh thửa; Số hiệu thửa hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc – Nam; Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất cấp Giấy chứng nhận được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo ghi chú loại chỉ giới, mốc giới;…

Hiện nay, nội dung, thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, ngay từ 01/12/2004 khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản về mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầu tiên (có hiệu lực từ ngày 01/12/2004) đã quy định Giấy chứng nhận phải ghi kích thước thửa đất (chiều dài các cạnh của thửa đất).

2. Tại sao một số sổ đỏ hiện không có thông tin kích thước thửa đất ?

Do nhiều lý do khác nhau mà có một số sổ đỏ hiện nay không ghi thông tin kích thước thửa đất. Điều đó đã dẫn đến sự hoang mang, lo ngại về tính hợp pháp của giấy chứng nhận của những người có ý định mua bán những mảnh đất này.

Việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có đủ thông tin kích thức thửa đất thường do một số nguyên nhân sau:

2.1. Do thiếu sót của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Theo các văn bản quy định về mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường như trên thì Giấy chứng nhận phải ghi kích thước thửa đất. Trường hợp sơ đồ thửa đất không ghi kích thước thửa đất có thể có thể do thiếu sót của cơ quan có thẩm quyền (địa chính, tài nguyên môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Văn phòng đăng ký đất đai).

Trường hợp Giấy chứng nhận không có thông tin về kích thước của thửa đất thì hộ gia đình, cá nhân liên hệ với Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương để tiến hành bổ sung thông tin kích thước thửa đất.

2.2. Do không có đủ thông tin

Đây là lý do khá phổ biến nếu Giấy chứng nhận được cấp trong giai đoạn từ 15/08/2006 đến ngày 10/12/2009 (Giấy chứng nhận được cấp theo Quyết định 08/2006/QĐ-BTNMT).

Cụ thể, tại khổ thứ 2 điểm b khoản 6 Điều 3 Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ban hành kèm theo Quyết định số 08/2006/QĐ-BTNMT nêu rõ:

“Trường hợp không có đủ các thông tin quy định tại điểm b khoản này trên bản đồ địa chính được sử dụng để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trên sơ đồ chỉ thể hiện những thông tin có trên bản đồ địa chính đó.”.

Như vậy, nếu không có đủ các thông tin về chiều dài các cạnh thửa đất thì không ghi.

2.3. Do Giấy chứng nhận được cấp trước ngày 01/12/2004

Đối với Giấy chứng nhận được cấp trước ngày có văn bản quy định về mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không bắt buộc phải ghi thông tin về kích thước thửa đất. Nói cách khác, khi chưa có văn bản quy định phải ghi kích thước thửa đất thì Giấy chứng nhận sẽ không có thông tin về chiều dài các cạnh thửa.

2.4. Do thuộc trường hợp ngoại lệ (không phải ghi kích thước)

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 17/2009/TT-BTNMT và điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, những trường hợp Giấy chứng nhận không thể hiện sơ đồ thửa đất gồm:

- Cấp một Giấy chứng nhận chung cho nhiều thửa đất nông nghiệp.

- Đất xây dựng công trình theo tuyến.

Đối với trường hợp không thể hiện sơ đồ thửa đất thì đương nhiên không thể hiện kích thước thửa đất.

Từ những phân tích trên, ta có thể thấy rằng mặc dù có những sổ đỏ không ghi đầy đủ thông tin thửa đất những sổ đó vẫn hoàn toàn có giá trị pháp lý và chủ sở hữu có thể yên tâm sử dụng. Như vậy, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau mà sơ đồ thửa đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bạn không thể hiện chiều dài các cạnh thửa. Trường hợp muốn cập nhật thông tin cho chính xác thì cần thực hiện đo đạc và đăng ký lại với cơ quan quản lý đất đai có thẩm quyền.

3. Thủ tục đăng ký bổ sung thông tin kích thước thửa đất

a) Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

- Biên bản đo đạc ghi rõ kích thước thửa đất hiện tại của cơ quan đo đạc có thẩm quyền. 

b) Số lượng hồ sơ: 1 bộ

c) Trình tự, thủ tục đăng ký bổ sung nhà ở

Bước 1. Nộp hồ sơ

Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có nhà ở nếu có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã thì:

- Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại Bộ phận một cửa cấp huyện để chuyển cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

- Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đối với địa phương chưa có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ trao phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ (trong đó ghi ngày hẹn trả kết quả).

Bước 3. Giải quyết yêu cầu

Bước 4. Trả kết quả

Thời gian giải quyết: không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

4. Kích thước thửa đất được ghi trong Sổ đỏ thế nào?

Phụ lục số 02 Ban hành kèm theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về sơ đồ thửa đất (trong đó quy định rõ chiều dài các cạnh thửa) như sau:

Sơ đồ thửa đất thể hiện trên Giấy chứng nhận

a) Sơ đồ thửa đất được thể hiện trên cơ sở bản đồ địa chính hoặc bản trích đo địa chính hoặc tài liệu đo đạc khác đã được sử dụng để cấp Giấy chứng nhận. Nội dung sơ đồ gồm: hình thể thửa đất; chiều dài các cạnh thửa đất; số thửa hoặc tên công trình giáp ranh; chỉ dẫn hướng Bắc - Nam; chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất chi tiết, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình có liên quan đến thửa đất.

Cạnh thửa đất thể hiện bằng đường nét liền khép kín; kích thước cạnh thửa đất thể hiện trên sơ đồ theo đơn vị mét (m), được làm tròn đến hai (02) chữ số thập phân; (Hình 1, Hình 3, Hình 4). Trường hợp thửa đất có nhiều cạnh thửa, không đủ chỗ thể hiện chiều dài các cạnh thửa trên sơ đồ thì đánh số hiệu các đỉnh thửa bằng các chữ số tự nhiên theo chiều kim đồng hồ và lập biểu thể hiện chiều dài các cạnh thửa tại vị trí thích hợp bên cạnh sơ đồ (Hình 2).

Trường hợp thửa đất có ranh giới là đường cong thì thể hiện tổng chiều dài đường cong đó và không thể hiện tọa độ đỉnh thửa (Hình 3).

b) Sơ đồ thửa đất thể hiện trên Giấy chứng nhận không theo tỷ lệ cố định. Căn cứ vào kích thước thửa đất trên bản đồ (hoặc bản trích đo địa chính) có thể phóng to hoặc thu nhỏ theo tỷ lệ đồng dạng để thể hiện cho phù hợp; bảo đảm kích thước tối thiểu của sơ đồ thể hiện trên Giấy chứng nhận không nhỏ hơn 05cm2.

Trường hợp thửa đất có kích thước của chiều dài lớn hơn nhiều lần kích thước của chiều rộng mà khi thu nhỏ theo tỷ lệ đồng dạng, làm cho chiều rộng của thửa đất bị thu hẹp đến mức không đủ chỗ để thể hiện thông tin thì thể hiện chiều dài của thửa đất theo tỷ lệ khác với chiều rộng nhưng phải đảm bảo không làm thay đổi dạng hình học của thửa đất (Hình 4).

c) Chỉ giới quy hoạch sử dụng đất được thể hiện bằng đường nét chấm liên tục và mũi tên chỉ hướng phạm vi quy hoạch; chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình được thể hiện bằng đường nét 3 chấm xen kẽ nét đứt và mũi tên chỉ hướng phạm vi hành lang an toàn. Mốc giới quy hoạch, mốc giới hành lang an toàn được thể hiện bằng dấu chấm đậm. Ghi chú tên của đường chỉ giới quy hoạch, chỉ giới hành lang an toàn tại vị trí thích hợp trên sơ đồ. (Hình 1).

Lưu ý: Phần hạn chế là phần nét đứt có thể được thể hiện bằng màu đỏ thông thường nó có thể là chỉ giới quy hoạch giao thông (chỉ giới đường đỏ) hoặc chỉ giới hành lang an toàn lưới điện. Phần này không được phép xây dựng các công trình kiên cố có ảnh hưởng tới quy hoạch chung. 

Sơ đồ thửa đất có hạn chế quyền sử dụng đất

Hình 1. Sơ đồ thửa đất có hạn chế quyền sử dụng đất

 

Sơ đồ thửa đất có nhiều cạnh thửa

Hình 2. Sơ đồ thửa đất có nhiều cạnh thửa

Sơ đồ thửa đất có cạnh là đường cong

Hình 3. Sơ đồ thửa đất có cạnh là đường cong

Tại sao một số sổ đỏ không ghi kích thước thửa đất?

Hình 4. Sơ đồ thửa đất có chiều dài gấp nhiều lần chiều rộng phải thể hiện không đồng nhất tỷ lệ giữa chiều dài và chiều rộng

Trên đây là nội dung Luật Hòa Nhựt đã sưu tầm và biên soạn. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Hòa Nhựt Rất mong nhận được sự hợp tác. Trân trọng!