Thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế

Khi thanh toán tài sản có ba khả năng xảy ra, tổng tài sản < tổng nghĩa vụ; tổng tài sản > tổng nghĩa vụ; tổng tài sản = tổng nghĩa vụ. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, pháp luật quy định thứ tự ưu tiên thanh toán

1. Thanh toán di sản là gì?

Thanh toán di sản thực chất là thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại đồng thời trừ đi phần tài sản phát sinh từ việc phục vụ cho người chết (chi phí mai táng) cũng như chi phí cho việc quản lý di sản. Việc thanh toán di sản thừa kế dựa trên cơ sở chủ thể có nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, chỉ được coi là thanh toán di sản khi những nghĩa vụ về tài sản lẽ ra phải do chính bản thân người chết thực hiện nhưng người này chưa thực hiện hoặc đang thực hiện thì chết cùng với chi phí mai táng cho người này và chi phí quản lý di sản. Khi thanh toán di sản phải xác định được các nội dung sau đây: Xác định người thực hiện nghĩa vụ thanh toán; Xác định người được thanh toán di sản; Xác định giới hạn của việc thanh toán; Xác định thứ tự ưu tiên thanh toán.

2. Phân loại nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Điều 658 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

5. Tiền công lao động.

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

9. Tiền phạt.

10. Các chi phí khác.

Theo quy định trên thì nghĩa vụ tài sản của người chết để lại được chia làm hai loại:

- Thứ nhất, chi phí mai táng cho người chết và những chi phí bảo quản trông coi di sản. Những chi phí này không phải là nợ do người chết để lại mà những khoản liên quan đến di sản do cái chết của người để lại di sản nó được phát sinh sau thời điểm mở thừa kế nhưng lại gắn liền với di sản thừa kế. Vì thế, mặc dù các khoản này không phải là nợ của người chết nhưng khi thanh toán nghĩa vụ phải lấy từ di sản người chết để lại. Bao gồm: Chi phí mai táng: chi phí cho lễ tang theo phong tục tập quán của từng địa phương; Chi phí cho việc quản lý di sản: chi phí cho kiểm kê tập hợp di sản, chi phí để bỏ ra để lấy lại tài sản “từ tay” người khác đang chiếm hữu bất hợp pháp; Khoản tiền trả thù lao cho người quản lý di sản.

- Thứ hai, là nghĩa vụ di sản chính bàn thân người chết thực hiện nhưng người này chưa thực hiện hoặc đang thực hiện thì chết. Những nghĩa vụ này phát sinh từ những hành vi của những người này “tạo ra” để phục vụ cho nhu cầu của họ. Khi người đó chết thì được xác định là nghĩa vụ về tài sản mà người chết để lại. Các nghĩa vụ này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trước và sau tại Điều 658 BLDS về nguyên tắc tất cả các loại nghĩa vụ về tài sản theo quy định trên đều phải được thanh toán nếu chủ thể mang quyền yêu cầu.

3. Thứ tự ưu tiên thành toán

Khi thanh toán tài sản có ba khả năng xảy ra, tổng tài sản < tổng nghĩa vụ; tổng tài sản > tổng nghĩa vụ; tổng tài sản = tổng nghĩa vụ. Vì thế, để khắc phục tình trạng này, căn cứ vào mức độ cần thiết của tài sản đối với người được thanh toán, đồng thời cân bằng lợi ích giữa các chủ thể, Điều 683 Bộ luật dân sự 2015 đã sắp xếp thứ tự ưu tiên thanh toán là:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

4. Tiền công lao động;

5. Tiền bồi thường thiệt hại;

6. Thuế và các khoản nợ khác đối với nhà nước;

7. Tiền phạt;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

10. Các chi phí khác.

Quy định tại Điều 658 Bộ luật dân sự 2015 có sự thay đổi thứ tự so với Điều 683 của BLDS trước đây, cụ thể như sau: “1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; 2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu; 3. Chi phí cho việc bảo quản di sản; 4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; 5. Tiền công lao động; 6. Tiền bồi thường thiệt hại; 7. Thuế và các khoản nợ khác đối với nhà nước; 8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác; 9. Tiền phạt; 10. Các chi phí khác”. Theo thứ tự này có thể thấy có sự thay đổi về thứ tự là chi phí cho việc bảo quản di sản theo BLDS trước đây là khoản 9, nhưng theo BLDS năm 2015 đã được đưa lên khoản 3 thể hiện quan điểm của các nhà soạn luật đã coi trọng các khoản chi phí cho việc bảo quản, duy trì, bảo vệ toàn vẹn cho di sản, điều này đồng nghĩa với việc bảo đảm phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng. Sự thay đổi tiếp theo là khoản “tiền phạt”. Trong BLDS trước đây là khoản 7, trước “các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác” (là khoản 8). Nhưng nay theo BLDS năm 2015 thì “tiền phạt” đã chuyển xuống gần cuối, được thanh toán sau “các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân”. Cụ thể trong BLDS năm 2015 thì “tiền phạt” là khoản 9, còn “các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân” là khoản 8 được ưu tiên trả các khoản nợ cho cá nhân, pháp nhân (là chủ nợ) trước, sau trả tiền phạt sau, sự thay đổi này là hợp lý.

Theo thứ tự trên, khi thanh toán tài sản phải thanh toán từng nghĩa vụ một. Nghĩa vụ tiếp theo chỉ được thanh toán khi những nghĩa vụ trước đó đã được thanh toán hoặc đã được thanh toán theo đúng yêu cầu của người có quyền.

Như vậy, tất cả các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại cộng thêm với những chi phí khác liên quan đến di sản nhỏ hơn khối di sản mà người chết để lại thì di sản thừa kế được xác định là phần còn lại sau khi lấy tổng tài sản trừ đi tổng các nghĩa vụ đó. Neu toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản hoặc là vừa đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại thì không còn phần di sản để xác định là di sản thừa kế lúc này sẽ không có vấn đề nhận di sản.

4. Người lập di chúc có được yêu cầu chỉ được phân chia di sản một thời hạn nhất định không?

Điều 661 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Quy định trên một mặt tôn trọng ý chí của người để lại di sản, mặt khác, nhằm đảm bảo sự ổn định cuộc sống của người thừa kế trong một số trường hợp nhất định, Mặc dù quy định trên không quy định rõ, nhưng cần phải hiểu việc hạn chế phân chia di sản được áp dụng đối với cả việc phân chia di sản theo di chúc cũng như với việc phân chia di sản theo pháp luật.

Theo ý chí của người lập di chúc, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định hoặc khi sự kiện đã được người lập di chúc xác định trong di chúc thì khi hết thời hạn đó hoặc khi sự kiện đó xuất hiện thì di chúc mới được phân chia cho những người thừa kế. Chẳng hạn, ông A có vợ là bà B, và ba con là C, D, E trước khi chết ông A có để lại di chúc và trong đó phân chia di sản cho những người thừa kế. Trong di chúc ông đã xác định rõ di sản chỉ được phân chia khi con út của ông bà tròn 18 tuổi, thì mặc dù di chúc của ông A đã có hiệu lực pháp luật kể từ thời điểm ông A chết nhưng di sản của ông A chỉ được phân chia khi E tròn 18 tuổi.

5. Vợ có quyền yêu cầu không chia di sản của chồng trong một khoảng thời gian không?

Theo Điều 661 Bộ luật dân sự 2015:

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.

Trong trường hợp này người thừa kế yêu cầu chia di sản mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống đến người vợ hoặc người chồng còn sống của người để lại di sản và của gia đình thì vợ (hoặc chồng) của người để lại di sản có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà người thừa kế được hưởng mà chưa cho chia di sản trong một thời gian nhất định (không quá 03 năm kể từ thời điểm mở thừa kế). Khi hết thời hạn do Tòa án xác định hoặc vợ, chồng của người để lại di sản đã kết hôn với người khác thì người thừa kế khác có quyền yêu cầu Tòa án cho chia di sản thừa kế. Đây là trường hợp áp dụng khi người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng người lập di chúc không thể hiện ý chí về thời hạn phân chia di sản.

6. Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì sao?

Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới: “người thừa kế mới ” được hiểu là những người thừa kế của người để lại di sản xuất hiện sau khi di sản của người đó đã được phân chia. Có thể là những người sau đây:

- Người được Tòa án xác nhận là người thừa kế của người để lại di sản do có đơn yêu cầu hưởng di sản thừa kế với tư cách là người thừa kế, có đủ căn cứ để Tòa án ra phán quyết, nhưng phán quyết của tòa án có hiệu lực sau thời điểm phân chia di sản.

- Con của người để lại di sản sinh ra và sống khi di sản đã được phân chia trong trường hợp người vợ sinh đôi, sinh ba,... nhưng tại thời điểm phân chia di sản chỉ xác định là đơn thai).

- Người thừa kể của người để lại di sản bị Tòa án tuyên bố là đã chết trước thời điểm để lại di sản chết nhưng có tin tức xác thực là còn sống hoặc trở về sau thời điểm phân chia di sản và được Tòa án hủy quyết định tuyên bố chết.

Theo khoản 1 Điều 662 Bộ luật dân sự 2015:

"Trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.868644 hoặc gửi qua Email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Hòa Nhựt. Trân trọng./.