Thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất

Có không ít trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan tới khoản tiền gửi tiết kiệm khi người đứng tên sổ tiết kiệm mất. Vậy pháp luật quy định như thế nào về di sản thừa kế là sổ tiết kiệm? Thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất được quy định như thế nào?

1. Có được thừa kế sổ tiết kiệm không?

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 quy định di sản thừa kế là những tài sản riêng của người chết; phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Trong đó, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật dân sự 2015 quy định có thể xác định được rằng quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Tài sản được nhắc tới ở đây bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện đã có và tài sản hiện chưa có sẽ được hình thành trong tương lai.

Sổ tiết kiệm ngân hàng cũng là một loại giấy tờ có giá được pháp luật dân sự công nhận. Đây là giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu của người đứng tên trên sổ với số tiền được gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Do vậy, số tiền ghi trong sổ tiết kiệm là tài sản của người đứng tên trên sổ tiết kiệm.Khi  đó thì nếu chủ sở hữu của sổ tiết kiệm chết; số tiền trong sổ tiết kiệm được coi là di sản thừa kế và sẽ được chia theo quy định của pháp luật.

Theo quy định pháp luật hiện hành việc chia di sản thừa kế được thực hiện thông qua 02 hình thức là chia di sản thừa kế theo di chúc và chia di sản thừa kế theo pháp luật. Cụ thể là nếu người sở hữu sổ tiết kiệm có để lại di chúc thì sẽ ưu tiên phân chia di sản thừa kế theo di chúc. Còn nếu  không có di chúc, di chúc không hợp pháp thì sổ tiết kiệm sẽ được phân chia theo pháp luật. 

2. Thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất

Để rút tiền tiết kiệm của người chết, cần phải thực hiện các bước sau đây:

Bước 1: Chia thừa kế sổ tiết kiệm

Khi người chết để lại di chúc thì sẽ thực hiện nhận tiền theo di chúc nếu di chúc đó hợp pháp: Xác định đúng số tiền đó là tài sản chung hay tài sản riêng của người chết, về hình thức, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật...

Đồng thời, nếu người chết không để lại di chúc thì sổ tiết kiệm sẽ được chia theo pháp luật, căn cứ vào hàng thừa kế... (theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015)

Theo đó, để được chia thừa kế sổ tiết kiệm thì người thừa kế thực hiện theo thủ tục khai nhận di sản hoặc phân chia di sản thừa kế tại Văn phòng/Phòng công chứng. Người thừa kế có thể chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau:

- Phiếu yêu cầu công chứng tại trụ sở hoặc Phiếu yêu cầu công chứng ngoài trụ sở (nếu có).

- Sổ tiết kiệm.

- Di chúc (nếu có di chúc).

- Giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu của người lập và người nhận; Sổ hộ khẩu; Xác nhận tình trạng hôn nhân; Đăng ký kết hôn…

- Giấy chứng tử của người chết.

Sau khi nộp hồ sơ, trình bày tình huống, công chứng viên giải thích quyền, nghĩa vụ của các người thừa kế và niêm yết thông báo khai nhận/thỏa thuận phân chia thừa kế tại Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn trong thời gian 15 ngày.

Sau khi nhận được phản hồi của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền về việc không có khiếu nại, tố cáo bỏ sót người được hưởng di sản, bỏ sót di sản, di sản không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản, Văn phòng/Phòng công chứng sẽ tiến hành công chứng văn bản thừa kế.

Khi đó, công chứng viên sẽ đọc dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và hướng dẫn người thừa kế ký tên, điểm chỉ vào văn bản này.

Bước 2: Đến ngân hàng rút tiền trong sổ tiết kiệm

Sau khi có được văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/văn bản khai nhận di sản thừa kế, những người thừa kế mang theo sổ tiết kiệm, giấy tờ tùy thân cùng văn bản thừa kế (vừa được công chứng) đến ngân hàng nơi người chết gửi sổ tiết kiệm.

Sau khi xuất trình đầy đủ các giấy tờ, người thừa kế ký nhận số tiền do người chết để lại.

Nếu sổ tiết kiệm là di sản của người chết thì các đồng thừa kế có thể cùng nhau đến ngân hàng hoặc ủy quyền cử một người thừa kế đại diện đến nhận tiền.

Nếu sổ tiết kiệm chỉ có một phần tài sản của người chết thì ngoài các giấy tờ trên, khi đến ngân hàng, người thừa kế phải mang theo chứng cứ chứng minh đây là tài sản chung của người chết với người khác. Và người sở hữu chung với người này cũng phải có mặt để cùng rút số tiền trong sổ tiết kiệm.

Các thủ tục rút tiền tiết kiệm của người đã chết sẽ được ngân hàng hướng dẫn chi tiết đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác, an toàn tài sản cho người gửi tiền và ngân hàng.

Lưu ý: Nếu sổ tiết kiệm là tài sản chung của người chết với vợ hoặc chồng thì sẽ thực hiện phân chia/khai nhận phần di sản thuộc về sở hữu của người chết (thông thường tỷ lệ này là ½ sổ tiết kiệm và ½ số tiền lãi của sổ - nếu không có thỏa thuận khác).

Trong trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của hai hoặc nhiều người thì khi người đứng tên trong sổ tiết kiệm chết, người còn lại phải chứng minh được số tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản chung và cùng các đồng thừa kế của người chết đến ngân hàng để kê khai nhận tiền trong sổ tiết kiệm. Nếu sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân thì sổ đó sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau. Các đồng thừa kế của người chết sẽ được nhận đối với phần của người chết để lại.

Cách xác định sổ tiết kiệm là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ chồng:

Theo quy định thì sổ tiết kiệm có thể là tiền gửi tiết kiệm của một hoặc nhiều người. Để xác định đây là tài sản chung hay riêng thì phải căn cứ vào một số yếu tố sau đây:

- Về thời điểm gửi tiết kiệm: theo quy định của luật hôn nhân và gia đình thì tài sản chung vợ, chồng là tài sản do hai người tạo ra, thu nhập từ lao động trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, nếu không có căn cứ chứng minh sổ tiết kiệm là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản này được coi là tài sản chung.

Như vậy, nếu trong thời kỳ hôn nhân, một trong hai vợ, chồng gửi tiền tiết kiệm mà không chứng minh được đó là tài sản riêng thì sổ tiết kiệm sẽ là tài sản chung.

- Nếu chứng minh được đây là tài sản tặng cho riêng, thừa kế riêng thì sẽ là tài sản riêng của mỗi người hoặc nếu có chứng cứ chứng minh có sự thỏa thuận vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân về số tiền gửi tiết kiệm là tài sản riêng thì sổ tiết kiệm này sẽ là tài sản riêng của một bên.

3. Làm thế nào để biết người thân đã mất có để lại sổ tiết kiệm không?

Trong trường hợp người chết để lại di chúc thì đương nhiên sẽ chia tài sản thừa kế theo di chúc, nhưng nếu người chết đột ngột và người thân không biết đến sổ tiết kiệm của người chết thì sẽ mất số tiền của người chết để lại. Vậy làm thế nào biết người thân đã mất có để lại sổ tiết kiệm?

Trong trường hợp người có sổ tiết kiệm gửi Ngân hàng nhưng đột ngột qua đời và người thân không biết đến sổ tiết kiệm đó thì số tiền này cũng sẽ không đương nhiên bị mất. Trong trường hợp này các đồng thừa kế của người chết có thể trực tiếp đến các Ngân hàng nhờ xác minh xem người đó có mở sổ tiết kiệm tại các Ngân hàng đó không.

Việc xác minh thực hiện bằng cách người được hưởng thừa kế gửi giấy chứng tử của người chết, giấy tờ tùy thân (để chứng minh quan hệ thừa kế) và kèm theo đơn yêu cầu nhờ phối hợp kiểm tra, xác minh đến từng ngân hàng nơi mà người chết có thể đã mở sổ tiết kiệm. Sau khi xác minh nếu người chết có sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng thì các đồng thừa kế của người chết làm thủ khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Thủ tục rút sổ tiết kiệm của người đã mất mà Công ty Luật Hòa Nhựt muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email: [email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Hòa Nhựt xin trân trọng cảm ơn!