Tình huống phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật?

Cách thức phân chia tài sản thừa kế như thế nào ? Quy định của pháp luật dân sự hiện nay về chia tài sản thừa kế ? Cách chia tài sản theo hàng thừa kế ? ... Sẽ được luật sư tư vấn cụ thể:

1. Tình huống chia tài sản thừa kế?

Kính chào Luật Hòa Nhựt, em có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Ông A và bà B là vợ chồng hợp pháp có tài sản chung 600 triệu, Bà B có tài sản riêng là 180 triệu. A và B có hai người con chung là C (17 tuổi ) và D (15 tuổi), bà B có con riêng là E (20 tuổi). Căn cứ vào quy định của pháp luật thừa kế. Hãy phân chia di sản của B trong hai trường hợp sau :

Trường hợp 1 : trước khi chết bà B lập di chúc cho M 50 triệu, quỹ từ thiện 50 triệu .

Trường hợp 2 : trước khi chết bà B lập di chúc cho M 100 triệu , quỹ từ thiện 200 triệu.

(Giả sử cha mẹ bà B đã mất)

Em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: N.V.A

Trả lời:

Chào bạn! vấn đề của bạn Luật Hòa Nhựt xin được trả lời như sau:

Tài sản chung của A+B: 600 triệu => Tài sản của B trong đó là = 600:2 = 300 triệu

Tài sản riêng của B : 180 triệu

=> Tài sản của B: 300 + 180 = 480 triệu

Trường hợp 1 : trước khi chết bà B lập di chúc cho M 50 triệu, quỹ từ thiện 50 triệu .

- Chia theo di chúc: cho M 50 triệu và quỹ từ thiện 50 triệu. Như vậy sau khi chia theo di chúc thì sản của B còn: 480 - 100 = 380 triệu

Số tiền 380 triệu còn lại sẽ chia thừa kế theo pháp luật cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất theo Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Theo quy định đó, có thể thấy những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà B sẽ gồm có: A C, D, E (Do bố mẹ bà B đã mất). Theo quy định những người thừa thế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Do đó, tài sản còn lại của bà B được chia như sau:

A = C = D = E = 380 : 4 = 95 triệu đồng.

Kết luận: M: 50 triệu; quỹ từ thiện: 50 triệu; A: 95 triệu; C: 95 triệu; D: 95 triệu; E: 95 triệu.

Trường hợp 2 : trước khi chết bà B lập di chúc cho M 100 triệu , quỹ từ thiện 200 triệu.

Chia theo di chúc: cho M 100 triệu và quỹ từ thiện 200 triệu. Như vậy sau khi chia theo di chúc thì di sản của B còn: 480 - 300 = 180 triệu

Số tiền 180 triệu còn lại sẽ chia thừa kế theo pháp luật cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất bao gồm:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy thì bố mẹ B đã chết nên những người thừa kế ở hàng thứ nhất có: A,C,D,E. Chia tài sản như sau: A=C=D=E= 180/4=45 triệu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 644, Bộ luật dân sự năm 2015. Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc quy định:

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Theo quy định trên, ông A là chồng của bà B, C và D là con của bà B chưa thành niên, do đó 3 người này thuộc trường hợp được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc.

Tài sản của bà B nếu được chia theo pháp luật sẽ được chia như sau: A = C = D = E = 480:4 = 120 triệu.

Như vậy 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật là: 80 triệu.

Mà theo như đã chia ở trên, ông A, C và C mới được hưởng 45 triệu. Như vậy 3 người họ phải được hưởng thêm mỗi người 35 triệu để đủ 2/3 một suốt thừa kế theo pháp luật. Như vậy, phần thừa kế của 3 người này là mỗi người 80 triệu, bằng 240 triệu. Tức là đã vượt quá phần di sản còn lại. Phần vượt quá là 60 triệu này sẽ trừ vào khoản tiền bà B để lại cho M và quỹ từ thiện theo tỷ lệ, tức trừ vào phần của M 20 triệu và quỹ từ thiện là 40 triệu. Còn E sẽ không được hưởng gì.

Kết luận: M: 80 triệu, quỹ từ thiện: 160 triệu, A = C = D: 80 triệu, E = 0 đồng.

2. Phân chia tài sản thừa kế như thế nào?

Xin chào công ty Luật Hòa Nhựt, xin cho em hỏi vấn đề về làm giấy cho nhận tài sản. Cụ thể, em có người quan cần tư vấn giúp làm giấy viết tay để xác nhận việc cho tài sản (cũng như là để cam kết cho phần tài sản sau khi bán được). Em xin đưa ví dụ cụ thể:gia đình ông a bán 01 cái nhà 5 tỷ, và hứa sẽ cho vợ là chị b là 1/2 số tiền sau khi bán được nhà là 2,5 tỷ, nhưng cần phải lập 01 biên bản cam kết việc cho tiền hoặc giấy xác nhận việc cho tiền để đảm bảo quyền lợi của chị a (vì đây là tài sản thừa kế do cha ông b để lại cho ông b).

Xin nhờ cô ty Luật Hòa Nhựt tư vấn giúp cần làm giấy cam kết hay xác nhận gì để đảm bảo quyền lợi cho chị b, gồm (tên loại giấy cam kết cần viết, nội dung cần những gì, thời gian, có cần ra văn phòng công chứng không hay chỉ cần 2 vợ chồng ký tên là đã hợp lệ. Vv). Nếu có thể xin phép nhờ cty soạn thảo giúp mẫu của loại giấy cần viết này để tham khảo ?

Xin cám ơn rất nhiều.

Luật sư trả lời:

Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật dân sự năm 2015 có thể hiểu:

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Về hình thức của hợp đồng tặng cho, không nhất thiết phải thực hiện việc công chứng chứng thực mà hợp đồng vẫn đảm bảo tính có hiệu lực trừ trường hơp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu; đối với trường hợp của bạn là tiền thì không cần nhất thiết phải công chứng, chứng thực, nhưng bạn muốn vẫn có thể thực hiện.

Khi được tặng cho tiền hay động sản việc xác định hiệu lực được căn cứ vào khoản 1 Điều 458 Bộ luật dân sự: Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vậy nên bạn cần thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực luôn là một thời điểm cụ thể chẳng hạn như thời điểm ký kết hợp đồng, hay một ngày cụ thể, tránh để việc ngày chuyển giao là ngày có hiệu lực của hợp đồng tránh việc chủ thể tặng cho đổi ý không muốn cho nữa, cũng không nên để ở loại hợp đồng tặng cho có điều kiện tránh để điều kiện của hợp đồng không xảy ra dẫn đến rủi ro xảy đến cho người được tặng cho. Vậy nên hình thức cơ bản của hợp đồng tặng cho như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TIỀN

Căn cứ vào Bộ luật dân sự năm 2015

Căn cứ vào sự thỏa thuận của hai bên;

Hôm nay, ngày .......... tháng ........... năm .............., Chúng tôi gồm:

Bên tặng cho (sau đây gọi là Bên A):

Ông (Bà):...........................................................................

Sinh ngày:...........................................................................

Chứng minh nhân dân số:......................... cấp ngày.........

tại........................................................................................

Hộ khẩu thường trú (trường hợp không có hộ khẩu thường trú thì ghi đăng ký tạm trú):. ...

..........................................................................................

............................................................................................

Bên tặng cho (sau đây gọi là Bên B):

Ông (Bà):...........................................................................

Sinh ngày:...........................................................................

Chứng minh nhân dân số:.............................. cấp ngày ...

tại.......................................................................................

Hộ khẩu thường trú (trường hợp không có hộ khẩu thường trú thì ghi đăng ký tạm trú): ...

.............................................................................................

Hai bên đồng ý thực hiện việc tặng cho tài sản với các thỏa thuận sau đây:

ĐIỀU 1: TÀI SẢN TẶNG CHO

Mô tả cụ thể các chi tiết về tài sản tặng cho của Bên A

.....................................................................................................

.....................................................................................................

ĐIỀU 2: THỜI HẠN, ĐỊA ĐIỂM VÀ PHƯƠNG THỨC GIAO TÀI SẢN

Do các bên thỏa thuận.................................................................

ĐIỀU 3: QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN TẶNG CHO

1. Quyền sở hữu đối với tài sản tặng cho được chuyển cho Bên B kể từ thời điểm các bên ký kết hợp đồng tặng cho.

2. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho Bên B kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó;

ĐIỀU 5: VIỆC NỘP THUẾ VÀ LỆ PHÍ CHỨNG THỰC

Thuế và lệ phí liên quan đến việc tặng cho tài sản theo Hợp đồng này do Bên .…. chịu trách nhiệm nộp.

ĐIỀU 6: PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 7: CAM ĐOAN CỦA CÁC BÊN

Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:

1. Bên A cam đoan:

a) Những thông tin về nhân thân, về tài sản tặng cho ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;

b) Tài sản tặng cho không có tranh chấp, không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật;

c) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;

d) Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này;

đ) Các cam đoan khác ...

2.Bên B cam đoan:

a) Những thông tin về nhân thân ghi trong Hợp đồng này là đúng sự thật;

b) Đã xem xét kỹ, biết rõ về tài sản tặng cho và các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu;

c) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;

d) Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thoả thuận đã ghi trong Hợp đồng này;

đ) Các cam đoan khác...

ĐIỀU 8: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

1. Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này;

2. Hai bên đã tự đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của Người có thẩm quyền chứng thực;

Hợp đồng có hiệu lực từ: Ngày hợp đồng này được ký kết.

Bên A

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

Bên B

(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.868644 để được giải đáp.

3. Chia tài sản thừa kế như thế nào?

Kính chào Luật Hòa Nhựt, tôi có một câu hỏi cần được tư vấn như sau: Gia đình tôi có 4 người gồm ba mẹ, tôi và em gái, khoảng 9 năm trước ba mẹ tôi đã ly hôn. Tài sản lúc ấy chỉ có 1 căn nhà và ba mẹ thỏa thuận để lại căn nhà cho 3 mẹ con tôi ở và sau khi 2 chị em tôi đủ 18 tuổi sẽ được sở hữu, nay tôi đã 23 tuổi.

Sau khi ly hôn mẹ tôi làm việc tích góp có thêm 1 số tài sản gồm đất đai, xe cộ và sổ tiết kiệm trong ngân hàng. Hai năm trước mẹ tôi lấy người chồng sau và hiện ông ấy đang sống cùng mẹ cọn tôi trong căn nhà của gia đình tôi. Trong thời gian sống cùng người chồng sau mẹ tôi tiếp tục sở hữu thêm 1 số tài sản do bà đứng tên.

Vậy cho tôi hỏi nếu mẹ tôi không may mất đi thì tài sản sẽ phân chia như thế nào, người chồng sau và chị em tôi có quyền lợi gì?

Xin chân thành cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

1. Xác định di sản của người chết.

Căn cứ theo các Điều 609, Điều 612 của Bộ luật dân sự năm 2015, quy định:

Điều 609. Quyền thừa kế

"Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để tài sản của mình cho người thừa kế; hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật."

Điều 612. Di sản

"Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác."

Như vậy, theo quy định trên thì di sản mà mẹ bạn để lại có thể được chia theo di chúc, nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được chia theo pháp luật. Ở đây di sản mà mẹ bạn để lại bao gồm tài sản riêng và tài sản chung (tài sản hình thành trong hôn nhân với bố dượng của bạn). Tài sản riêng của mẹ bạn bao gồm đất đai xe cộ và sổ tiết kiệm trong ngân hàng (tài sản hình thành trước hôn nhân), tài sản mà mẹ bạn đứng tên trong thời kỳ hôn nhân với bố dượng của bạn cũng sẽ được coi là tài sản riêng nếu tài sản mà mẹ bạn có được là do: tài sản được tặng cho, thừa kế riêng, tài sản có được từ tài sản riêng. Còn về ngôi nhà mà bố mẹ để lại là tài sản của bạn và chị gái bạn.

2. Nếu mẹ bạn để lại di chúc thì chia di sản theo di chúc

Về nguyên tắc, pháp luật tôn trọng ý chí của người chết, vì thế di sản sẽ được định đoạt theo di chúc mà mẹ bạn để lại. Tuy nhiên cần chú ý đến trường hợp:

"Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a, Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b, Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1, Điều 621 Bộ luật này."

Nếu cha mẹ (ông bà ngoại của bạn nếu còn sống) và bố dượng của bạn sẽ được hưởng một phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế.

3. Nếu mẹ bạn không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản được chia theo pháp luật

"Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."

Theo quy định trên thì bạn, chị gái bạn, bố dượng và ông bà ngoại của bạn (nếu còn sống) sẽ được hưởng di sản của mẹ bạn và được hưởng phần di sản bằng nhau.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.868644 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Hòa Nhựt.

4. Tư vấn quyền chia tài sản thừa kế ?

Xin chào Luật Hòa Nhựt, tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Tôi lập gia đình năm 2005. Gia đình chồng tôi có 4 người con gồm: chồng tôi là con đầu, 2 chú em và 1 cô nữa. Tôi sinh được một bé gái năm 2006, khi cháu được 10 tháng tuổi thì chồng tôi bị tai nạn và qua đời. Năm 2012 bố chồng tôi do ốm nên cũng qua đời (tôi không biết ông có để lại di chúc hay không vì không thấy mọi người nói gì).

Bố mẹ chồng tôi có 2 căn nhà xây dựng trên một mảnh đất mang tên sổ đỏ là bố mẹ tôi, một bên trước kia vợ chồng tôi sinh sống (đương thời bố chồng tôi tuyên bố là cho 2 vợ chồng tôi nhưng chưa làm sổ đỏ). Nay mẹ chồng tôi muốn bán căn nhà nơi vợ chồng tôi đã từng sinh sống cho cô con gái, căn nhà còn lại sang tên cho vợ chồng chú thứ hai. Khi bố chồng tôi còn sống bố mẹ tôi có mua một căn hộ chung cư năm 2011 ở Hà nội, trước khi bố tôi mất có ủy quyền thừa kế căn hộ này cho mẹ tôi. Nay mẹ tôi muốn sang tên cho vợ chồng chú út căn hộ này. (Trước khi tôi về bố mẹ tôi không ai còn lao động kiếm tiền nữa, mọi thu nhập trong nhà là do chồng tôi và chú em làm ra để nuôi gia đình và nuôi em ăn học, tiết kiệm). Vậy tôi muốn hỏi:

- Mẹ tôi có quyền bán nhà và sang tên nhà đất cho các em tôi không?

- Khi làm thủ tục bán và sang tên nhà đất mẹ tôi có phải thông qua ý kiến của con gái tôi (tức cháu nội của bà vì bố cháu đã mất) không?

- Mẹ tôi có quyền từ chối không chia tài sản cho cháu hay không?

Tôi xin chân thành cám ơn.

Người gửi: Trần Doãn Linh

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng, thắc mắc của bạn chúng tôi xin được giải đáp như sau:

- Đối với căn hộ chung cư: Mẹ bạn có quyền định đoạt, sang tên cho bất kỳ ai theo mong muốn của bà (do bố chồng bạn đã ủy quyền thừa kế trước khi chết, và việc ủy quyền này rõ ràng).

- Đối với mảnh đất có hai căn nhà: đó là tài sản chung vợ chồng của bố mẹ chồng bạn (cả hai người đều có tên trong sổ đỏ). Tuy nhiên, bố chồng bạn mất không để lại di chúc, do đó phần di sản của ông để lại trong khối tài sản chung sẽ phải được chia theo pháp luật (theo điều 649, Bộ Luật dân sự 2015).

+ Do chồng bạn mất trước khi bố chồng bạn mất. Căn cứ điều 652,Bộ Luật dân sự năm 2015 thì con của bạn là người thừa kế thế vị cho chồng bạn, theo luật cháu hoàn toàn được hưởng mẹ chồng bạn không có quyền từ chối chia phần di sản của ông để lại cho con bạn.

+ Con bạn hoàn toàn được hưởng một phần di sản của ông và bố cháu để lại theo quy định của pháp luật. Nếu mẹ bạn làm thủ tục sang tên bán đất phần di sản không thuộc về con bạn thì bà hoàn toàn không cần hỏi ý kiến của người giám hộ của con bạn (tức là bạn). Ngược lại, nếu đó là phần di sản của con bạn thì bà phải hỏi ý kiến của người giám hộ cho con bạn (tức là bạn) và bạn có quyền, nghĩa vụ bảo vệ tài sản của người được giám hộ (con bạn) theo điều 58 và điều 59, Bộ Luật dân sự năm 2015.

5. Phân chia tài sản thừa kế theo pháp luật ?

Thưa Luật sư, nhà ông bà Em có 6 người con nhưng hiện nay ông bà e đều đã mất được 7 năm, trước khi mất ông bà e không để lại di chúc. Nhà em ở với ông bà và bố e là con trai thứ 5 trong gia đình, từ khi ở với ông bà thì sổ đỏ đứng tên bố e và được sự cho phép của ông bà e, khi ông bà e còn sống thì không ai nói đến chuyện chia tài sản nhưng đến nay khi đất có giá trị thì các bác nhà e lại nói đến chuyện này .

Đến bây giờ các bác nhà e lại đòi chia tài sản vậy a cho e xin hỏi ý kiến liệu nhà e có phải chia tài sản không và nhà e nên làm thế nào?

Em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Vũ Trọng Nguyễn

Trả lời:

Theo quy định tại Điều Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2005:

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế..."

Như vậy khi ông bà của bạn đã mất được 7 năm và không có di chúc để lại thì hiện nay các bác của bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu chia thừa kế.

Trước tiên, cần xác định xem di sản ông bà bạn để lại gồm những gì ? Riêng phần căn nhà mà bố bạn đứng tên trên sổ đỏ được sự cho phép của ông bà (tức là lúc còn sống ông bà đã cho bố bạn) thì đó không được tính vào di sản để chia nữa, căn nhà đó thuộc sở hữu của bố bạn.

Vì ông bà bạn mất không có di chúc để lại nên theo quy định tại Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 phần di sản sẽ được chia đều cho các bác và bố của bạn( các đồng thừa kế theo hàng thứ nhất) nếu các bác và bố của bạn không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự năm 2015, Người không được quyền hưởng di sản :

Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản…”

Trường hợp có người thuộc một trong các trường hợp không được quyền hưởng di sản, thì phần di sản sẽ được chia đều cho những người còn lại được hưởng.

Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline  1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!