1. Khái quát của nội dung Nghị quyết 41/2017/QH14 về bỏ hình phạt tử hình
Kể từ ngày Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 được công bố, tiếp tục thực hiện các quy định sau đây:
- Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình hoặc đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
- Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
- Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thi hành án và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
- Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính; hành vi theo Bộ luật Hình sự năm 1999 (được hướng dẫn thi hành trong các văn bản quy phạm pháp luật) là tội phạm nhưng do có sửa đổi, bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm nên hành vi đó không cấu thành tội phạm nữa. Nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
- Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định có lợi của Bộ luật Hình sự số 2015 không quy định là tội phạm nữa: nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
- Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội mà không được quy định tại khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015; nếu vụ án đã khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
- Người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản này thì đương nhiên được xóa án tích;
- Thực hiện các quy định tại khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015; điểm b khoản 1 Điều này;
- Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lợi cho người phạm tội.
2. Triển khai chuyển một số án tử hình thành tù chung thân
Quyết định 1359/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, Rà soát các vụ án hình sự và đối tượng thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 để thực hiện việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành hình phạt, xóa án tích cho người bị kết án:
Cơ quan thực hiện:
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân tiến hành rà soát các vụ án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý để xem xét khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và đình chỉ điều tra đối với bị can đó;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân phối hợp với Tòa án có thẩm quyền rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý để lập hồ sơ trình Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân; tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 mà cơ quan, đơn vị mình đang quản lý và làm thủ tục, đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt cho họ, đồng thời, gửi danh sách các đối tượng được đề nghị miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia để cập nhật thông tin xóa án tích đương nhiên vào Lý lịch tư pháp của người bị kết án đó.
- Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan Hải quan, cơ quan Kiểm lâm tiến hành rà soát các vụ án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý để xem xét khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và đình chỉ điều tra đối với bị can đó.
- Bộ Tư pháp:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án phạt tiền thuộc diện được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền miễn chấp hành hình phạt tiền cho họ;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp tiến hành rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và cập nhật thông tin vào Lý lịch tư pháp của người đó và cấp Phiếu lý lịch tư pháp ghi “không có án tích” cho họ khi có yêu cầu.
- Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các Viện kiểm sát và cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương tiến hành rà soát các vụ án hình sự cơ quan, đơn vị mình đang thụ lý điều tra, truy tố mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 và đình chỉ vụ án đối với bị can đó;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn các Viện kiểm sát phối hợp với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc rà soát các vụ án đang trong quá trình khởi tố, điều tra mà bị can thuộc diện không bị xử lý hình sự theo quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 để đình chỉ điều tra đối với họ.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tiến hành:
+ Rà soát các vụ án hình sự mà Tòa án, đơn vị mình đang thụ lý, giải quyết; nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì tiếp tục thực hiện việc chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14;
+ Phối hợp với Viện Kiểm sát, các cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự rà soát các đối tượng người bị kết án thuộc diện được chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc được miễn hình phạt theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 để làm thủ tục chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân hoặc miễn chấp hành hình phạt cho họ.
3. Tù chung thân và án tử hình
Theo Điều 39 Bộ luật Hình sự 2015, tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình. Không áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người bị kết án tù chung thân nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Lưu ý:
- Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên.
Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
- Trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm.
- Đối với người đã được giảm một phần hình phạt mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung hoặc trường hợp hình phạt chung là tù chung thân thì việc xét giảm án thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, người bị tuyên án tù chung thân vẫn có thể được thả và không phải ở tù suốt đời trong trường hợp xét thấy có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự. Người phạt tù chung thân muốn được giảm án tù cùng phải bảo đảm thời hạn thực tế đã chấp hành hình phạt là 20 năm.
Theo khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật Hình sự quy định. Cụ thể, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. (Theo khoản 4 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)). Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật hình sự 2015 quy định. Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2019 thì “Thi hành án tử hình là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này tước bỏ tính mạng của người bị kết án tử hình”.
Trên đây là nội dung về: "Triển khai chuyển một số án tử hình thành tù chung thân" trường hợp còn điều gì thắc mắc vui lòng gọi 1900.868644 hoặc gửi qua email [email protected] để được hỗ trợ giải đáp thắc mắc