1. Vợ được định đoạt tài sản riêng của chồng trong trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng như sau:
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên trường hợp chồng không thể tự quản lý tài sản riêng, ủy quyền cho vợ quản lý tài sản thì chồng được định đoạt tài sản riêng của chồng nhưng phải đảm bảo lợi ích của chồng.
Hoa lợi, lợi tức tới từ tài sản riêng mà đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này cần có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
2. Vợ có được hưởng thừa kế từ tài sản riêng của người chồng không?
Căn cứ theo quy định tại điều Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc giải quyết tài sản của vợ/chồng khi người đó chết như sau:
- Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
- Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế
Như vậy, tài sản riêng của chồng khi chết sẽ được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế. Tuy nhiên việc chia tài sản như nào lại cần tuân thủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Trong trường hợp chồng qua đời và để lại di chúc quy định việc chia tài sản riêng cho vợ, thì theo quy định pháp luật dân sự, người vợ sẽ được thừa kế tài sản riêng của chồng theo nội dung di chúc mà chồng đã để lại.
Những người sau đây sẽ được thừa kế theo quy định mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm:
- Vợ (chồng) đã ly thân, đã chia tài sản với người chết;
- Cha, mẹ;
- Con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự
Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi của những người thừa kế gần gũi với người chết và phản ánh tinh thần công bằng trong quá trình chia tài sản sau khi người chồng qua đời.
Đối với trường hợp chồng chết và không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng không chia phần tài sản riêng cho vợ thì theo điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 những người sau đây được thừa kế theo quy định mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định của Luật dân sự 2015 thì người vợ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do đó, khi người chồng chết mà không để lại di chúc thì người vợ vẫn được hưởng tài sản riêng của người chồng và sẽ được hưởng một phần di sản bằng với những đồng thừa kế khác theo quy định của pháp luật.
3. Một số bất cập trong quy định về thừa kế theo di chúc
Di chúc của người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 625 của Bộ Luật Dân sự 2015, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Tuy nhiên, quy định này đặt ra hai bất cập có thể ảnh hưởng đến quyền tự quyết và định đoạt tài sản của người chưa thành niên:
Thứ nhất, quy định yêu cầu sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ có thể giới hạn quyền tự quyết và định đoạt tài sản của người lập di chúc. Sự phụ thuộc vào ý chí của cha, mẹ hoặc người giám hộ có thể không phản ánh ý chí thực sự của người chưa thành niên. Điều này có thể tạo ra tình trạng hạn chế quyền tự chủ của người lập di chúc. Hơn nữa, trong tình huống khẩn cấp, nếu người chưa thành niên lập di chúc miệng và được chứng thực hợp pháp, sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ có thể trở thành vấn đề khiến di chúc không có hiệu lực.
Thứ hai, quy định chưa cung cấp hướng dẫn cụ thể về thời điểm và hình thức thể hiện sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Điều này tạo ra sự không rõ ràng trong việc thực hiện và áp dụng quy định, gây khó khăn cho quá trình thực tiễn và có thể dẫn đến sự không đồng nhất trong việc áp dụng quy định pháp luật
Thời hạn chứng thực di chúc miệng
Theo quy định tại khoản 5 Điều 630 của Bộ Luật Dân sự 2015, di chúc miệng chỉ có hiệu lực pháp lý nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về số lượng người làm chứng và phải được chứng thực trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ thời điểm lập di chúc. Mục đích của việc giới hạn thời hạn ngắn ngủi 5 ngày làm việc là để đảm bảo tính cấp bách của quá trình lập di chúc và đồng thời ngăn chặn việc thay đổi ý chí của người lập di chúc do các yếu tố khách quan hay chủ quan từ những người làm chứng và những người liên quan khác. Tuy nhiên, thời hạn năm ngày làm việc được xác định là khá ngắn, và trong nhiều tình huống, những người làm chứng có thể gặp khó khăn trong việc chứng thực di chúc trong thời hạn luật định. Điều này có thể xuất hiện khi di chúc được lập trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, hoặc chiến tranh, khiến cho việc chứng thực di chúc không thể thực hiện đúng thời hạn theo quy định. Pháp luật hiện hành vẫn để mở khả năng xem xét các trường hợp ngoại lệ như vậy.
Như vậy trên đây là toàn bộ thông tin về Vợ có được hưởng thừa kế tài sản riêng của chồng không? mà Công ty Luật Minh Khuê muốn gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu quý khách còn vướng mắc về vấn đề trên hoặc mọi vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại 1900.868644 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc.
Nếu quý khách cần báo giá dịch vụ pháp lý thì quý khách có thể gửi yêu cầu báo phí dịch vụ đến địa chỉ email:[email protected] để nhận được thông tin sớm nhất! Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách! Luật Minh Khuê xin trân trọng cảm ơn!