1. Điều kiện cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước
Khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Điều 6 Nghị định 32/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Thuộc đối tượng quy định tại mục 1.
- Có đầy đủ năng lực pháp luật và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
- Dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay.
- Có vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án, mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Thực hiện bảo đảm tiền vay theo các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật.
- Khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét cho vay, giải ngân vốn vay.
- Mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay.
- Khách hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo quy định của pháp luật.
2. Thời hạn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
Thời hạn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước theo Điều 8 Nghị định 32/2017/NĐ-CP như sau:
- Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của khách hàng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Riêng các dự án đầu tư thuộc nhóm A thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án trên cơ sở kết quả thẩm định dự án và phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 32/2017/NĐ-CP.
- Đối với các dự án đặc biệt cần phải cho vay vượt quá thời hạn cho vay tối đa quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 32/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Bản chất vay tín dụng đầu tư của Nhà nước
Đây là loại tín dụng đầu tư của Nhà nước phục vụ cho các đối tượng có tính chất kinh tế vừa có tính chất xã hội để thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước trong từng thời kỳ nhất định. Do đó sẽ mang những bản chất sau đây:
- Tín dụng của Nhà nước chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực đang phát triển, đóng vai trò then chốt, quan trọng trong đời sống. Đây là đòn bẩy đối với nền kinh tế của đất nước hoặc trong khu vực.
- Điểm khác biệt của loại hình này khác với so những loại tín dụng khác đó chính là lãi suất cho vay. Lãi suất được tính dựa trên mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu của Ngân hàng phát triển Việt Nam do Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 05 năm trong thời gian 01 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
- Đồng tiền cho vay và thu hồi nợ chỉ có duy nhất một loại đó chính là đồng Việt Nam. Và đối với các dự án ODA dự án cho vay từ nguồn vốn vay nước ngoài, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được cho vay và thu hồi nợ bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Tín dụng cho vay của Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà tín dụng thương mại với mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận không thể giải quyết được do hiệu quả trực tiếp cho các nhà đầu tư không được đảm bảo, do quy mô nguồn vốn quá lớn, thời gian thu hồi kéo dài, các rủi ro tác động cao…Ngoài ra còn mục đích giải quyết các vấn đề xã hội của đất nước như việc làm, xóa đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ vùng nông thôn, núi, hải đảo…
4. Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước được quy định như sau:
- Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các mức lãi suất trúng thầu trái phiếu Ngân hàng Phát triển Việt Nam được Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 05 năm trong thời gian 01 năm trước thời điểm công bố lãi suất theo quy định tại Nghị định này cộng (+) tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ chi phí quản lý ổn định trong thời kỳ 03 năm, đảm bảo cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam đủ nguồn kinh phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Trường hợp có biến động lớn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ chi phí quản lý hoạt động phù hợp.
- Định kỳ vào ngày cuối cùng của quý, căn cứ nguyên tắc xác định lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP, Ngân hàng Phát triển Việt Nam xác định và công bố mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
- Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với mỗi dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 32/2017/NĐ-CP được áp dụng cho toàn bộ dư nợ của dự án từ thời điểm điều chỉnh.
- Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi dự án do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định, tối đa bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn.
5. Đề xuất mới về tín dụng đầu tư của Nhà nước
Sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước trên cơ sở tổng kết hoạt động tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT), bên cạnh những kết quả đã đạt được, Nghị định số 32 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp như sau:
- Cần bổ sung thêm các dự án trọng điểm quốc gia thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông, cụ thể gồm các dự án: Cảng biển, cảng sông, sân bay, đường sắt, cầu đường sắt, đường bộ, cầu đường bộ… Lý do vì theo báo cáo của NHPT, các loại hình dự án thuộc kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội có đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay, có nhu cầu vốn lớn nhưng NSNN không đáp ứng được, cần thiết có sự tham gia của vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
- Đối với nhóm chính sách về nâng cao hiệu quả thực hiện cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về xác định lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước theo hướng: “Lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng mức lãi suất bình quân gia quyền của các trái phiếu NHPT được Chính phủ bảo lãnh còn dư nợ tại thời điểm cuối Quý trước Quý công bố lãi suất cộng (+) biên độ bù đắp chi phí quản lý hoạt động và dự phòng rủi ro của NHPT.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo hướng: Bãi bỏ các dự án không hiệu quả, không có nhu cầu (như các loại hình dự án sản xuất muối công nghiệp; sản xuất thuốc kháng sinh, thuốc cai nghiện, thuốc thú y; sản xuất áp dụng sáng chế bảo vệ môi trường; đầu tư sản xuất các sản phẩm phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn; đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; đầu tư thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia...) khỏi Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Mọi thắc mắc quý khách hàng xin vui lòng gửi về số Hotline 1900.868644 hoặc địa chỉ email [email protected] để được giải đáp. Trân trọng!