1. Khái niệm hàng giả, hàng nhái
Hàng giả (hàng hóa giả mạo nhãn hiệu) được quy định trong luật sở hữu trí tuệ, là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong đó chủ sở hữu nhãn hiệu là cá nhân, tổ chức được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Trên thực tế, hàng giả được thiết kế để trông giống như sản phẩm chính hãng. Nhìn bề ngoài, hàng giả có thể trông gần giống với hàng thật chính gốc, nhưng thường được làm từ vật liệu chất lượng thấp. Hàng giả liên quan đến việc sử dụng trái phép tài sản sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu thương hiệu khi sử dụng nhãn hiệu thương mại của chủ sở hữu thương hiệu để đánh lừa người tiêu dùng tin rằng họ đã mua một sản phẩm chính hãng.
Hàng nhái là những hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng nhái có đặc điểm là có thể giống với một sản phẩm có thương hiệu chính hãng một phần hoặc có cách thể hiện tương tự khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn, nhưng nhìn chung sẽ không giống hệt với sản phẩm đó. Hàng nhái không có nhãn hiệu thương mại hoặc logo giống hệt sản phẩm gốc. Ví dụ: hàng nhái có thể có lỗi chính tả trong tên thương hiệu trên sản phẩm và người tiêu dùng có thể biết rằng họ không mua sản phẩm chính hãng.
2. Thực trạng hàng giả, hàng nhái dịp Lễ Tết
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thực trạng làm giả các thương hiệu bánh kẹo dịp Lễ Tết đang ngày một trở nên tinh vi, đặc biệt là về các lĩnh vực thực phẩm. Hành vi sản xuất, phân phối hàng giả, hàng nhái phổ biến có thể kể đến như in hình trên bao bì giống hệt thương hiệu thật, nhưng tên sản phẩm lại được nhái na ná bằng cách thêm 1 hoặc 2 chữ cái vào. Chẳng hạn: bim bim Oishi thì sản phẩm giả sẽ bớt đi 1 chữ i là oshi. Nhiều gói bánh Choco-Pie bị nhái thành Choco-Pai, bánh kẹo Danisa thành Damisa, Kitkat thành Kitket... Các hãng quần áo cũng được làm giả, làm nhái rất nhiều, như một số hãng nổi tiếng như adidas thì sẽ thành adibas, abibas,... nếu không nhìn kỹ sẽ nhầm tưởng là các thương hiệu lớn vì mẫu mã hoàn toàn giống. Khi được hỏi, những người bán hàng thản nhiên cho rằng: họ chỉ là người nhập hàng, không biết gì hết. Người mua ham rẻ thì phải chịu.
Nếu như một hộp bánh Choco-Pie 12 chiếc có giá dao động từ 45.000 - 55.000 đồng, thì nhiều người bán chỉ với giá một nửa. Bánh Danisa cũng vậy, thậm chí một số nơi còn bán với hình thức tinh vi hơn. Để tránh cho người tiêu dùng nghi ngờ, phát hiện là mẫu mã giả, nhái, gian thương chỉ bán thấp hơn đôi chút. Nếu một hộp bánh quy bơ Danisa 681g có giá trên thị trường từ 175.000 - 190.000 đồng, thì mẫu mã giả được bán với giá khoảng 130.00 đồng - 140.000 đồng. Việc ăn phải những loại bánh giả, nhái này sẽ gây ra nguy cơ rất lớn với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bánh kẹo, mứt, hạt dưa kém chất lượng có thể chứa nhiều các chất độc hại như: Chất Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư; chất phụ gia tạo màu gây bệnh béo phì, tiểu đường, các vấn đề về não, ung thư; hay chất tạo ngọt nhân tạo aspartame có thể gây chán nản, kiệt quệ các tế bào não...
Những mẫu quần áo cũng vậy, giá rẻ không ngờ, nhiều người bán còn thản nhiên rao bán những mẫu mà đấy là hàng chất lượng cao, hàng xuất dư,... Người tiêu dùng sử dụng những hàng hóa này là đang gây ảnh hưởng đến thương hiệu của chủ sở hữu đó. Đặc biệt là dịp Lễ Tết nhu cầu mua sắm ngày càng nhiều
Và còn có một thiệt hại nữa lớn không kém đó là sự phát triển của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc xây dựng một thương hiệu đã là rất khó và bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành cũng không dễ.
3. Biện pháp xử lý:
Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm, thì tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi mà có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.
3.1. Biện pháp hành chính:
Căn cứ khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức có hành vi sau đây sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính:
- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
- Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Theo Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2013, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đối với hành vi Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý, hình thức xử phạt vi phạm chính là phạt tiền. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà mức phạt có thể từ 4.000.000 lên đến 250.000.000 triệu đồng.
Hàng giả, hàng nhái sẽ bị xử lý bằng các biện pháp sau:
- Buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp
- Buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm gắn trên tang vật, phương tiện vi phạm đó; hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm; văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận hoặc tài liệu khác bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo;
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm;
- Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
3.2. Biện pháp dân sự:
Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
- Buộc bồi thường thiệt hại;
- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
3.3. Biện pháp hình sự:
Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự. Theo đó, Điều 226 BLHS 2015 quy định mức phạt đối với cá nhân vi phạm như sau:
“1.Người nào cố ý xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ Sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, BLHS 2015 quy định như sau:
“4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”
Như vậy, nhà nước đã có những quy định nghiêm ngặt trong việc xử lý vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, và hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nói riêng.
Tóm lại, các biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm mà các tổ chức cá nhân có thể áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, tránh cho kẻ gian lợi dụng sơ hở trục lợi bao gồm các cách như sau:
- Tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ độc quyền;
- Thường xuyên kiểm tra, theo dõi thông tin về nhãn hiệu, xem có đối tượng nào giả mạo nhãn hiệu của mình đăng ký trên thị trường;
- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Hãy chung tay bảo vệ thương hiệu để ngăn chặn những hàng giả, hàng nhái cho sức khỏe người tiêu dùng. Quý khách hàng còn có những thắc mắc nào hãy liên hệ 1900.868644 hoặc gửi thư đến email [email protected] để được giải đáp.