Bị áp dụng hình phạt trục xuất có được nhập cảnh lại Việt Nam?

Trục xuất là hình phạt buộc người nước ngoài bị heedt án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vậy khi đã bị trục xuất thì những người này có cơ hội được nhập cảnh tại Việt Nam nữa không? thủ tục trục xuất được tiến hành như thế nào?,....

1. Bị trục xuất thì có được nhập cảnh tại Việt Nam nữa không?

Thưa luật sư, tôi có người bạn nước ngoài qua Việt Nam với visa du lịch 3 tháng 1 lần. Visa còn hạn nhưng do vi phạm hành chính nên bị buộc trục xuất. Vậy cho hỏi: Với trường hợp của người bạn đó, khi bị trục xuất như vậy có được nhập cảnh lại Việt Nam không?

Xin cảm ơn Luật sư!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi:1900.868644

Trả lời:

Tại Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, có quy định:

Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực.

Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày;

Bên cạnh đó, tại Khoản 5 Điều 21 của Luật cũng có quy định. Những trường hợp chưa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có:

Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.

Như vậy, theo quy định trên thì người bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam vẫn được nhập cảnh trở lại Việt Nam nếu đáp ứng quy định về hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực. Bên cạnh đó, để được nhập cảnh vào Việt Nam đối với những người đã bị trục xuất thì phải quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực mới được nhập cảnh trở lại Việt Nam.

2. Xử lý trường hợp người phải chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn?

Trong thời gian lưu trú chờ xuất cảnh người bị trục xuất bỏ trốn, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có nơi lưu trú chỉ định phải tổ chức truy bắt ngay và thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án; trường hợp truy bắt không có kết quả thì trong thời hạn 07 (bảy) ngày kể từ ngày người bị trục xuất trốn phải ra quyết định truy nã theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bắt lại người bị trục xuất bỏ trốn hoặc người đó ra đầu thú, cơ quan bắt hoặc tiếp nhận đầu thú phải lập biên bản, thông báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án đến nhận, đưa người đó vào cơ sở lưu trú và thông báo cho cơ quan đã ra quyết định truy nã để ra quyết định đình nã theo quy định.

Trường hợp người bị trục xuất bỏ trốn trên đường áp giải đến cơ sở lưu trú hoặc đến địa điểm xuất cảnh, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi tổ chức áp giải chịu trách nhiệm tổ chức truy bắt, ra quyết định truy nã, đình nã.

Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án có trách nhiệm thông báo ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp, Tòa án ra quyết định thi hành án phạt trục xuất, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an và các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này về việc người bị trục xuất bỏ trốn, bỏ trốn bị bắt lại hoặc đầu thú.

3. Người phải chấp hành án phạt trục xuất bị bệnh hoặc chết thì giải quyết như thế nào?

3.1. Đối với trường hợp người chấp hành án trục xuất bị bệnh

Trường hợp người bị trục xuất bị bệnh nặng phải đến cơ sở y tế của Nhà nước để điều trị thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải thông báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc có nơi lưu trú được chỉ định để thông báo các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

Trường hợp người bị trục xuất đang cấp cứu hoặc bệnh nặng không thể đi lại được và có xác nhận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi quản lý người bị trục xuất tại nơi lưu trú chỉ định, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú phải thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án để làm văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án xem xét, ra quyết định kéo dài thời hạn buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.

3.2. Đối với trường hợp người chấp hành án trục xuất bị chết.

Trong thời gian lưu trú người bị trục xuất bị chết thì cơ sở lưu trú hoặc nơi lưu trú được chỉ định phải báo ngay cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc nơi có nơi lưu trú chỉ định, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết. Trong thời hạn 24 (hai mươi bốn) giờ kể từ khi người bị trục xuất chết, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị trục xuất chết phải thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi lập hồ sơ thi hành án để thông báo ngay bằng văn bản hoặc điện tín cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án, các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này. Sau khi tiến hành xong các thủ tục xác định nguyên nhân chết và được phép của cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú hoặc nơi có nơi lưu trú chỉ định có trách nhiệm tổ chức an táng.

Trường hợp người bị trục xuất chết trên đường áp giải đến cơ sở lưu trú hoặc địa điểm xuất cảnh thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi tổ chức áp giải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi người bị trục xuất chết để tiến hành các thủ tục giải quyết theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự.

4. Các trường hợp người chấp hành án trục xuất phải lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh.

Trong thời gian chờ xuất cảnh, người chấp hành án phải lưu trú tại nơi được cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh chỉ định. Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú của Bộ Công an nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, không có nơi thường trú, tạm trú;

Thứ hai, Nhập cảnh trái phép hoặc phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Phạm tội nghiêm trọng là phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù; phạm tội rất nghiêm trọng là phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là phạm tội có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình;

Thứ ba, tự ý rời khỏi nơi lưu trú được chỉ định hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền;

Thứ tư, Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh.

Hành vi vi phạm pháp luật có thể là có hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm hành chính: Hành vi phạm tội là hành vĩ nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự. Hành vi vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính;

Thứ năm, có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành án phạt trục xuất như tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình, giả ốm hoặc giả mắc bệnh nặng...;

Thứ sáu, Mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thủ tục đưa người chấp hành án phạt trục xuất vào cơ sở lưu trú được thực hiện như sau:

- Trường hợp người chấp hành án đang tại ngoại thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải áp giải người chấp hành án đến cơ sở lưu trú;

- Trường hợp người chấp hành án đang bị tạm giam thi sau khi nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi tạm giam phải giao người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú;

- Khi phạm nhân có hình phạt bổ sung là trục xuất chấp hành xong án phạt tù thì trại giam phải giao người chấp hành án cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để áp giải vào cơ sở lưu trú.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.868644 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.