Bị bạo lực gia đình có nên đi giám định thương tật không?

Xin luật sư tư vấn giùm con vấn đề sau: Hôm đó ba con nói không có tiền sài kêu mẹ con bán 3 chỉ vàng khi mẹ con đi bán về đưa hết cho ba con và đưa thêm một triệu nữa, hôm sau ba con kêu mẹ con đưa thêm một triệu đi mua cây về trồng, mẹ con vẫn đưa nhưng hỏi là tiền ngày qua đâu hết rồi sao không lấy mà mua.

Ba con không nói gì vẫn đi mua cây về rồi sao đó đi nhậu với ai đó thì con không biết, về tới nhà lúc đó khoảng 4h30 chiều, ba con ngủ đến 10h thức dậy và kêu mẹ con lại nói chuyện gì thì con không biết , khoảng một lúc sau thì ba con dùng một thanh sắt dài khoảng một mét đánh vào vai mẹ con vì đau quá nên mẹ con mới giật thanh sắt và đánh ba con gãy chân, tính đến nay là 3 tháng 5 ngày mà chưa lành, giờ ba con đi làm giấy chứng thương để thưa mẹ con ở tù vậy có được không luật sư?

Xin luật sư trả lời sớm giùm, con cám ơn luật sư nhiều ạ.

>> Luật sư tư vấn hôn nhân trực tuyến, gọi: 1900.868644

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 như sau:

"1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;"

Theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của khoản 1 Điều này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Khoản 2, 3 Điều 49 của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình như sau:

“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này”.

Như vậy, ba bạn đã có hành vi dùng thanh sắt đánh vào vai mẹ bạn là hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình và sẽ bị xử phạt vi phạt hành chính theo như quy định trên.

Còn về phần mẹ bạn, do bị bố bạn đánh quá đau nên mới thực hiện hành vi chống trả bằng cách dùng thanh sắt đánh gãy chân bố bạn thì theo Điều 15 Bộ luật hình sự số 37/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quốc hội quy định về phòng vệ chính đáng như sau:

"Điều 15. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự."

Như vậy trong trường hợp này mẹ bạn hoàn toàn có quyền chống trả lại một cách cần thiết hành vi của ba bạn. Tuy nhiên hành vi chống trả này không được vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nếu không có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ở đây, pháp luật không quy định cụ thể như thế nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhưng có thể hiểu hành vi phòng vệ chính đáng phải đảm bảo hai điều kiện sau:

- Thứ nhất, hành vi tấn công của người có hành vi vi phạm phải là đang hiện hữu xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

- Thứ hai, người phòng vệ có sự chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả những trường hợp có biện pháp khác tránh được sự tấn công (sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và để đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết, phù hợp là tương đối phức tạp cà cần phải dựa vào một số căn cứ sau: tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra, sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công, tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng...).

Nếu hành vi chống trả của người phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì đó là vượt quá phòng vệ chính đáng và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự và các hành vi tương ứng như: giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá phòng vệ chính đáng.

Theo điều 106 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:

"Điều 106. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm."

Như vậy, khi ba bạn đi giám định thương tật mà tỷ lệ từ 31% trở lên thì mẹ bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email [email protected] hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.868644. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp. Trân trọng./.