Bị đuổi hoặc đã xin ra khỏi ngành Công an có xin vào lại được không?

Các trường hợp công an đang công tác trong ngành nhưng muốn rút ra khỏi ngành Công an thì sau này có được quay lại ngành hay không ? Trong trường hợp chủ thể bị giải quyết cho ra khỏi ngành thì có thể xin lại vào ngành được không ?

1. Khái quát chung về Công an nhân dân ?

Căn cứ theo quy định pháp luật theo Luật Công an nhân dân năm 2018 số 37/2018/QH14 khái quát về Công an nhân dân như sau :

Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ  bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Lực lượng Công an nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tích nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công an. Lực lượng Công an nhân dân được huấn luyện theo hình thức tập trung, thống nhất, đào tạo chuyên sâu, tinh gọn và theo cấp hành chính từ trung ương đến cơ sở. Mỗi chiến sĩ Công an nhân dân luôn đảm bảo tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Đảng và Nhà nước; cấp dưới phải phục tùng cấp trên, dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Để trở thành chiến sĩ Công an đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân, mỗi công dân cần có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ, sức khỏe, độ tuổi và năng khiếu phù hợp với công tác công an, có nguyện vọng và Công an nhân dân có nhu cầu thì có thể được tuyển chọn vào ngành Công an nhân dân. Mỗi người công an nhân dân được ưu tiên tuyển chọn sinh viên, học sinh xuất sắc tốt nghiệp ở các cơ sở gáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghè nghiệp có đủ tiêu chuẩn để đào tạo, bổ sung và ngành Công an nhân dân.

Hệ thống tổ chức của Công an nhân dân hiện nay :

  • Bộ Công an ;
  • Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ;
  • Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ;
  • Công an xã, phường, thị trấn.

2. Nghĩa vụ của chiến sĩ Công an nhân dân ?

Nhân danh Nhà nước thực hiện các công tác quản lý xã hội, tích cự phòng, chống tội phạm. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận và giải quyết tin báo, tình huống khẩn cấp về tội phạm; thực hiện các công tác điều tra tội phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời cán bộ Công an cũng cân vững lập trường tư tưởng và đạo đức nghề nghiệp để bài trừ những tác động tiêu cực trong quá trình công tác, hoạt động nằm vùng, hoạt động trong lòng địch và bị tội phạm lôi kéo vào con đường phạm pháp.

Thực hiện tốt công việc quản lý và bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật của quốc gia, Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý về hoạt đông xuất - nhập cảnh, cư trú, quá canh của công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài tại Việt Nam. Tùy theo đặc thù từng lĩnh vực, cán bộ Công an Nhân dân kết hợp với các bộ Biên phòng, chính quyền địa phương quản lý hành chính khu vực, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và các tỉnh giáp biên giới đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Lực lượng Công an nhân dân là đơn vị nòng cốt xây dựng trật tự an ninh xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tỏ quốc. Là đơn vị tiên phòng, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp của đất nước làm đúng chức năng, nhiệm vụ củ mình, đồng thời cũng là đơn vị có thẩm quyền xử lý sai phạm đối với những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trong cả nước tùy theo thẩm quyền quản lý của mình.

Ngành Công an và quân đội chính là hai ngành hiện nay được Nhà nước cho phép hoạt động sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để tấn công, truy bắt tội phạm, ngăn chặn người đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc đang phạm tội hoặc sử dụng trong mục đích phòng vệ chính đáng khi thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cán bộ công an còn có thẩm quyền thủ giữ, bắt giữ đối với tang vật hoặc người sử dụng tang vật là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để tấn công hoặc những hung khí nguy hiểm có nguy cơ gây hại đến sức khỏa và tinh thần của những người xung quanh.

Mỗi chiến sĩ Công an nhân dân luôn tích cực học hỏi không ngừng nghỉ và nâng cao nghiệp vụ bản thân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các đơn vị Công an nhân dân kết hợp nghiên cứu, ứng dụng, huy động thành tựu khoa học, công nghệ trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Như vậy, lực lượng Công an nhân dân luôn đóng vai trò tiên phong, có trách nhiệm bảo vệ sự bình yêu và trật tự của tổ quốc ngay cả trong thời bình hoặc trong thời kỳ chiến tranh xảy ra. Bên cạnh việc có những quyền hạn nhất định, cán bộ Công an cũng có nghĩa vụ phục vụ nhân dân, lắng nghe và giải quyết mọi thắc mắc, vấn đề trở ngại đối với người dân. 

3. Quy định pháp luật về trường hợp thôi phục vụ trong ngành Công an nhân dân ?

3.1. Trường hợp cho ra khỏi ngành Công an nhân dân :

Hiểu một cách thông thường, một cá nhân bị tước bỏ chức vụ, danh hiệu, quyền hạn trong trường hợp cá nhân đó trực tiếp gây ra sai phạm hoặc gián tiếp gây ra sai phạm do lỗi chủ quan hoặc khách quan mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp khác.

Đối với trường hợp tước danh hiệu của Công an nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 44 - Luật Công an nhân dân năm 2018 như sau : 

  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vị phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân không được sử dụng trang phục, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam; nếu bị tước danh hiệu Công an nhân dân thì bị tước cấp bậc hàm, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu

Như vậy có thể hiệu, khi cán bộ Công an nhân dân vi phạm kỷ luật hoặc vi phạm pháp luật dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng thì biện pháp nặng nhất chính là bị tước danh hiệu Công an nhân dân, tước cấp hàm, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu. Có thể nói, việc tước hết danh hiệu và cấp hàm Công an nhân dân đồng nghĩa với việc cá nhân đó không còn bất kỳ chức năng, nhiệm vụ gì đối với cơ quan và đơn vị đang công tác. Hay nói cách khác bị tước danh hiệu Công an và quân hàm chính là hình thức kỷ luật bị "cho ra khỏi ngành" hay "bị đuổi khỏi ngành" Công an.

3.2. Trường hợp tự nguyện thôi phục vụ trong ngành Công an :

Ngoài ra, cũng có một trường hợp nữa về việc cán bộ Công an sau một thời gian công tác sẽ không còn giữ chức vụ hay danh hiệu gì trong ngành Công an nữa, tuy nhiên trường hợp này không mang nghĩa tiêu cực. Cán bộ Công an có thể tự viết đơn xin ra khỏi ngành sau quá trình công tác tùy thuộc vào nguyện vọng, khả năng và hoàn cảnh của mỗi người.

Trên thực tế và dựa vào quy định pháp luật, không có Luật nào quy định cán bộ Công an đang công tác không được phép xin ra khỏi ngành Công an hoặc cấm cán bộ xin ra khỏi ngành. Cán bộ công tác được phép xin ra khỏi ngành do mong muốn chủ quan, tuy nhiên thủ tục xin ra khỏi ngành cần đáp ứng theo quy định pháp luật.

3.3. Quy định về hình thức và điều kiện thôi phục vụ trong ngành Công an nhân dân :

Giống như đối với các ngành, nghề khác trong quan hệ lao động, người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động cần làm đơn gửi lên cấp quản lý và sẽ được giải quyết cho thôi việc theo thủ tục, trình tự và thời gian theo quy định pháp luật. Tương tự, cán bộ Công an muốn xin ra khỏi ngành cũng cần thực hiện theo những trình tự luật định. Công nhân công an thôi việc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây quy định tại Khoản 3 - Điều 12 - Nghị định 49/2019/NĐ-CP :

  • Chưa hết hạn tuổi phục vụ theo quy định về Hạn tuổi phục vụ của công an nhân dân : nam đủ 60 tuổi; nữ đủ 55 tuổi mà có nguyện vọng thôi phục vụ trong Công an nhân dân và được cấp có thẩm quyền đồng ý ;
  •  Do thay đổi tổ chức biên chế mà Công an nhân dân không còn nhu cầu bố trí sử dụng và không thuộc trường hợp phap luật quy định ;
  •  Công nhân công an không thuộc trường hợp quy định được nghỉ hưu mà có phẩm chất đạo đức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ 02 năm liên tiếp hoặc không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe ;
  •  Đủ điều kiện nghỉ hưu mà có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần để ra nước ngoài định cư hoặc đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

3.4. Quy định về giải quyết đơn xin ra khỏi ngành công an :

Pháp luật không quy định cụ thể về việc giải quyết đơn xin ra khỏi ngành công an mà quy định chung về việc giải quyết thôi việc đối với công chức theo quy định tại Điều 4 - Nghị định số 46/2010/NĐ-CP như sau :

- Trường hợp thôi việc theo nguyện vọng :

+ Công chức phải làm đơn gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ;

+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho công chức thôi việc thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc bằng văn bản; nếu không đồng ý cho công chức thôi việc thì trả lời công chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định tại điểm c khoản này ;

  • Các lý do không giải quyết thôi việc :
  • Công chức đang trong thời gian thực hiện việc luân chuyển, biệt phái, đang bị xem xét kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự ;
  • Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức, đơn vị khi được xét tuyển ;
  • Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị ;
  • Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc chưa bố trí được người thay thế.

- Trường hợp thôi việc do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ:

+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thông báo bằng văn bản đến công chức về việc giải quyết thôi việc, trừ trường hợp quy định tại Luật Cán bộ, công chức về việc không giải quyết thôi việc đối với công chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp xin thôi việc theo nguyện vọng.

+ Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định thôi việc.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định thôi việc được ban hành, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải thanh toán trợ cấp thôi việc đối với công chức.

4. Bị đuổi hoặc xin ra khỏi ngành Công an có xin vào lại được không ?

Cũng như đã phân tích ở trên về trường hợp cán bộ Công an xin ra khỏi ngành thì pháp luật không có điều luật quy định hay cấm về trường hợp này, đồng thời Luật cũng không quy định hai trường hợp bị đuổi hay xin ra khỏi ngành. Trên thực tế, người ra khỏi ngành mà muốn quay lại phục vụ trong ngành thì tiến hành hình thức thi tuyển hoặc tiến hành tuyển chọn như các đối tượng khác muốn xét vào ngành. Sau đây Luật Hòa Nhựt sẽ đưa ra phân tích cho bạn đọc về Điều kiện tham gia và tuyển chọn vào ngành Công an hoặc được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Căn cứ theo Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định :

Điều 4 - quy định về đối tượng tuyển chọn vào ngành Công an nhân dân như sau :

  •  Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  •  Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị sử dụng và quy định ngành nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ.

Điều 5 - quy định về tuyển chọn vào ngành Công an nhân dân :

  • Có lý lịch rõ ràng.
  • Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.
  • Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.
  • Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.
  • Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

 Như vậy, Luật không có quy định cấm người xin ra khỏi ngành công an xin lại vào ngành, nếu muốn vào ngành công an thì bạn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp cán bộ Công an vi phạm nghiêm trong đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật dẫn đến bị đuổi ra khỏi ngành thì sẽ không có cơ hội quay lại tiếp tục công tác trong ngành Công an dù có đủ điều kiện tuyển chọn. 

5. Luật Hòa Nhựt tư vấn cách viết mẫu đơn xin ra khỏi ngành Công an 

5.1. Cách viết mẫu đơn xin ra khỏi ngành Công an :

Cũng giống như các loại đơn thư khác, việc cán bộ muốn viết đơn xin ra khỏi ngành cũng cần thực hiện theo Mẫu quy định pháp luật, đầy đủ thông tin, mục đích và nội dung của lá đơn. Đơn xin ra khỏi ngành cần đáp ứng về mặt hình thức, ngắn gọn, súc tích, đúng vấn đề. Sau đây là những nội dung cần đáp ứng trong đơn xin ra khỏi ngành dành cho cán bộ Công an nhân dân :

- Quốc hiệu, tiêu ngữ ;

- Ngày, tháng, năm nộp đơn ;

- Tên đơn : ĐƠN XIN RA KHỎI NGÀNH ;

- Kính gửi : tại đây cán bộ xin ra khỏi ngành sẽ điền nơi gửi là Thủ trưởng đơn vị mà cán bộ đang công tác hiện tại ;

- Thông tin của cán bộ viết đơn : các thông tin cá nhân sẽ bảo gồm như : họ tên, ngày tháng năm sinh; thông tin về chức vụ đang nắm giữ, đơn vị hiện tại đang công tác; thông tin trùng khớp với hồ sơ cá nhân của chủ thể và thể hiện đúng nguyện vọng của cán bộ xin ra khỏi ngành ;

- Lý do xin ra khỏi ngành : Có một vài lý do tiêu biểu sau đây được tổng hợp sau thời gian một cơ số cán bộ xin ra khỏi ngành và ngừng phục vụ trong ngành Công an nhân dân :

  • Sau một thời gian công tác trong ngành bản thân cảm thấy không phù hợp với tác phong cũng như văn hóa đặc thù về công việc của ngành Công an ;
  • Cán bộ Công an áp lực với khối lượng công việc của ngành nhưng cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân không nhiều ;
  • Cán bộ Công an tìm được công việc tốt hơn : cán bộ công an có thâm niên và nghiệp vụ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật muốn tìm công việc ổn định hơn ở các công ty ngoài ;
  • Thay đổi mục tiêu nghề nghiệp ;
  • Đi học, nâng cao trình độ ;
  •  Lấy vợ (theo đạo / có liên quan đến yếu tố nước ngoài) : thông thường đối tượng này sau khi ra khỏi ngành nếu có nguyện vọng cũng sẽ không được xét quay lại phục vụ trong ngành Công an ;
  •  Nghỉ hưu sớm : trường hợp này cán bộ thường có thâm niên công tác từ 10 năm trở lên nhưng chưa đủ tuổi nghỉ hưu vẫn muốn về hưu sớm ;
  •  Hoàn cảnh gia đình neo đơn không ai chăm sóc bố mẹ.

- Lời cảm ơn : nội dung này đáp ứng về mặt hình thức. Tại phần lời cảm ơn, cán bộ bày tỏ quan điểm thể hiện sự tôn trọng đối với ngành, đối với cán bộ, Thủ trưởng cấp quản lý đối với đơn vị mà cán bộ đang công tác. Trong trường hợp cán bộ muốn xin ra khỏi ngành vì cảm thấy hiệu suất công việc không hiệu quả, việc xin ra khỏi ngành sẽ đáp ứng được lợi ích cho cả hai bên : đơn vị và cá nhân cán bộ.

5.2. Mẫu đơn xin ra khỏi ngành Công an :

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội , ngày 12 tháng 09 năm 2022 

ĐƠN XIN NGHỈ RA KHỎI NGÀNH

Kính gửi : Trường phòng Công an kinh tế - Cục Công an kinh tế ABC

Tên tôi là :  TRỊNH ĐÌNH ANH

Sinh ngày : 23 - 09 - 1980

Địa chỉ : số nhà XXX, ngõ YYY, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Chức vụ : Trung tá - Đội trưởng đọi Công an kinh tế phụ trách Bộ phận lâm nghiệp

Hiện đang làm việc tại đơn vị : Cục Công an kinh tế ABC

Nay tôi viết đơn này mong muốn được rời ngành công an do :

Tôi Công tác trong ngành từ năm 2002, hiện tại tôi đã công tác và phục vụ trong ngành được 20 năm. Hiện nay do gia đình muốn chuyển về quê sinh sống và và tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Tôi cảm thấy thời gian phục vụ và công tác trong ngành cũng đã thực hiện những nhiệm vụ cấp trên giao phó một cách đầy đủ tuy nhiên chưa thực sự xuất sắc. Nay tôi muốn xin được nghỉ hưu sớm để cấp trên sắp xếp công việc cho cán bộ tiếp quản và bản thân tôi cũng hoàn thành những nhiệm vụ của mình để bàn giao lại cho các đồng chỉ khác.

Tôi xin cam đoan những nội dung trong đơn là đúng sự thật. Nếu có sai xót tôi xin chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức và trước pháp luật.

Rất mong quý cơ quan cấp trên xem xét và giải quyết.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

  Xác nhận của

                            Thủ trưởng đơn vị                                  

Hà Nội, ngày  12 tháng 09  năm 2022        

Người làm đơn

(Ký ghi rõ họ tên)

TRỊNH ĐÌNH ANH

Mọi vướng mắc vui lòng liên hệ tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.868644 để được hỗ trợ tư vấn kịp thời. Hy vọng những thông tin trên chúng tôi cung cấp sẽ hỗ trợ sẽ giúp bạn trong việc nắm rõ quy định pháp luật về các trường hợp cán bộ Công an muốn ra khỏi ngành hoặc muốn quay lại phục vụ trong ngành. Trong trường hợp bài viết có nội dung nhầm lẫn hoặc bạn có thắc mắc về vấn đề này xin vui lòng liên hệ qua email: [email protected], để được hỗ trợ nhanh nhất. Xin chân thành cảm ơn!